"Chợ Đầu Mối" về Giáo Dục tại Việt Nam
A Clearinghouse on Education in Viet Nam
THƯ TÒA SOẠN - EDITOR’S NOTE

Chào quí bạn đọc,

Mải ăn Tết nên số Trồng Người này ra hơi chậm: tin từ cuối năm 2014 mà mãi đến cái rét nàng Bân ở Hà Nội mới đến tay người đọc.

Tháng này chúng tôi giới thiệu 2 bài của 2 bạn thường bình luận về con người và xã hội Việt: chị Nguyễn Thị Từ Huy và anh Alan Phan.  Và chúng tôi đăng lại một nghiên cứu về cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ của Hataipreuk Rkasnuam và Jeanne Batalova, do  Trần Giao Thủy dịch sang tiếng Việt; chúng tôi đã đăng nguyên bản tiếng Anh bài này ở số 24 (tháng 10/2014) để bạn đọc có cả 2 thứ tiếng, nếu muốn nắm rõ hơn các chi tiết cần thiết.

Tin thời sự khi chuẩn bị số 26 này là sự ra đi của ông Lý Quang Diệu, người đã một tay tạo nên Singapore ngày nay.  Thời Việt Nam còn chiến tranh, một số bằng hữu lúc đó không mấy thích chính sách của ông ấy vì nó chuyên quyền và độc đoán.  Nửa thế kỷ sau, Singapore đã đường đường làm thành viên “thế giới thứ nhất” trong khi nước ta vẫn còn lụi đụi cầm cờ đỏ.  Không ít người trong số những thành phần “chê” ông Lý bây giờ cũng phải thừa nhận là ông ta đã thành công ở Sing.  Âu cũng là phản ánh phần nào cái tình trạng gần như tuyệt vọng của xã hội mình.

Thật đáng tiếc,

TRỒNG NGỪƠI 

NGHỊCH LÝ NHÂN SỰ
Nguyễn Thị Từ Huy
 

Đánh giá về năng lực của đảng viên, đặc biệt là của các đảng viên đứng ở cương vị quản lý các cấp, hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau, khác đến mức đối lập nhau. Không cần phải so sánh các tin tức trên hai luồng báo chí đối lập (lề phải/lề trái) để có nhận xét này. Chỉ cần đọc báo chính thống cũng thấy được sự mâu thuẫn trong đánh giá về năng lực lãnh đạo và quản lý của hệ thống cán bộ.

Một mặt, bản thân các đảng viên tự coi mình là những người xuất sắc. Họ tự coi mình là « những người con ưu tú của dân tộc », đưa dân tộc « đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác » ; điều này được ghi trong hầu như các sách của nhà nước khi đánh giá về vai trò của đảng, và được ghi trên các khẩu hiệu chăng đầy các đường phố mỗi dịp lễ lạt, kể cả không lễ lạt.

Mặt khác, không ít người nhìn các đảng viên như là các tội phạm lịch sử đã đẩy dân tộc vào những thảm cảnh : nghèo đói, lạc hậu, giáo dục băng hoại, văn hóa suy đồi, tài nguyên kiệt quệ, đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc. Nghĩa là xét về năng lực lãnh đạo và quản lý họ là những người rất kém cỏi. Kém cỏi thì mới để xảy ra tình trạng như vậy.

Tại sao cùng một đối tượng mà lại nhận được những đánh giá trái ngược đến như vậy ?

Ai trả lời được câu hỏi này ?

Khi bắt đầu viết blog này tôi đã tự nhủ mình rằng đây sẽ là không gian của các câu hỏi, rằng tôi sẽ đảm nhận cái vai trò của người đặt câu hỏi. Và hy vọng sẽ nhận được câu trả lời từ trí tuệ của mọi người, trong đó hy vọng lớn nhất đặt vào các bạn sinh viên, những người mà trong bối cảnh của nền giáo dục hiện nay chỉ được dạy cho cách học thuộc lòng, bị bắt phải học thuộc lòng, chứ không được dạy cho cách đặt câu hỏi, và cách tự tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, tức là tự tìm kiếm cách giải quyết các vấn đề của cuộc sống thực tế.

Trở lại với câu hỏi trên đây và hai luồng ý kiến đối nghịch trên đây, bản thân tôi dĩ nhiên chẳng thể nào có được câu trả lời đầy đủ.

Ở đây, xin nhắc lại, tôi chỉ tập trung vào một điểm : ý kiến đánh giá về năng lực quản lý và lãnh đạo của đảng, mà đảng thì không trừu tượng, trái lại đảng hiện thân trong các thành viên của đảng, nghĩa là nói đến đảng là nói đến các đảng viên.

Và tôi giới hạn vấn đề vào một điểm nhỏ hơn nữa : LỰA CHỌN người để kết nạp đảng viên và để đặt vào vị trí quản lý. Về thời gian, chỉ xét từ thời điểm Việt Nam bắt đầu xây dựng và phát triển đất nước một cách độc lập, tức là từ sau 1975 ; bởi vì chính từ thời kỳ này mới có thể đánh giá năng lực quản lý và lãnh đạo công cuộc tái thiết và phát triển quốc gia trong hòa bình, về mọi mặt : kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học…, nghĩa là bài này không đề cập đến thời kỳ chiến tranh.

Đảng viên cho rằng những người được lựa chọn là những người xuất sắc, có nghĩa là bản thân họ là những người xuất sắc. Trái lại, nhận định của một bộ phận xã hội cho rằng những người được đảng lựa chọn là kém năng lực. Nhận định này dựa trên tình trạng bê bối và băng hoại toàn diện của xã hội Việt Nam hiện nay.

Ta thử xét từ góc độ nhìn nhận của những người đảng viên.

Để công bằng thì phải nói rằng, trước khi việc bổ nhiệm nhân sự được tiến hành theo cách thức mua bán như hiện nay, tiêu chí lựa chọn của đảng quả là từng dựa trên năng lực, đảng đã muốn chọn những người xuất sắc, dĩ nhiên là xuất sắc theo thang đánh giá của đảng, trong đó có điều kiện về lý lịch và nhân thân. Lấy ví dụ về trường hợp kết nạp sinh viên vào đảng : người ta không chọn sinh viên kém để cho vào đảng. Để được vào đảng sinh viên phải thuộc diện xuất sắc, và theo tiêu chí hiện hành thì đó là những sinh viên được điểm cao, có hạnh kiểm tốt. Tuy nhiên điểm của sinh viên lại tùy thuộc vào cách dạy, cách ra đề và cách đánh giá bài thi của giáo viên. Do vậy, trên thực tế, giữa một sinh viên đạt điểm cao và một sinh viên đạt điểm trung bình, khó biết được trên thực tế ai giỏi hơn ai. Với cách đánh giá kiểu bộ đề, bài văn mẫu, hiện nay, thì phẩm chất được đánh giá cao là trí nhớ tốt, khả năng học thuộc lòng, chứ không phải sự thông minh, sáng tạo và năng lực tư duy độc lập. Tuy vậy, không loại trừ việc những sinh viên đạt điểm cao là những sinh viên giỏi thực sự.

Và tiêu chí hạnh kiểm tốt ở trường học chúng ta đồng nghĩa với khả năng vâng lời, ở trình độ sinh viên thì đó là khả năng trung thành với lý tưởng của đảng. Các phẩm chất được dạy ở trường: yêu tổ quốc, yêu đồng bào, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm (tất cả mọi học sinh đều phải học thuộc lòng, vì năm điều này được dán trong mọi trường học), trên thực tế bị xếp ở dưới cái yêu cầu phải trung thành với đường lối và nghị quyết của đảng. Càng về sau, yêu cầu trung thành với đảng càng trở thành tiêu chí thiết yếu trong việc lựa chọn cán bộ cho bộ máy nhà nước...

Lịch sử, quá khứ, bản sắc, các giá trị tinh thần là những thứ mà các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đang mất dần. Sự biến dạng của chùa Trăm Gian là nỗi đau của người Hà Nội. Và Thương xá Tax đang là nỗi đau của người Sài Gòn. Phá hết, hủy hoại hết như vậy thì làm gì còn lịch sử !!! Một dân tộc sẽ như thế nào nếu không có ký ức lịch sử ?... Hội An trở thành điểm du lịch yêu thích... Du khách Nhật, du khách Trung Quốc, du khách Pháp đến Hội An đều có thể tìm lại hình ảnh tiền nhân của mình qua các dấu tích để lại ở thành phố nhỏ bé này, nó nhỏ đến mức gây cảm giác luyến tiếc cho những người dạo phố. Đó là cảm giác mà tôi đã có khi đến Hội An. Tôi đã ước gì Hội An rộng hơn, lớn hơn, có nhiều phố xá hơn, để có thể bù đắp thêm phần nào cho sự xuống cấp về tinh thần và văn hóa của đa số các thành phố khác trên đất nước này...

Cần phải chống lại cỗ máy phi nhân của cơ chế độc đảng hiện hành, nhưng sẽ sai lầm nếu chống lại con người. Nếu một số lãnh đạo trong các cơ chế độc tài có thể từ bỏ lợi ích của mình (trường hợp gần đây nhất là Then Sen, hiện là đương kim tổng thống Miến Điện) là bởi họ có khả năng nhận ra tính phi nhân của bộ máy đang mang lại lợi ích cho riêng cá nhân họ nhưng lại làm hại cho cộng đồng của họ. Và họ nhận ra được điều đó nhờ phần nhân tính ở trong họ, vì họ là con người, và cái phần con người đó khiến họ có đủ lý trí và sức mạnh để tách ra khỏi bộ máy...

Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng, dù không phải là tất cả thì có một bộ phận đảng viên là những người có năng lực, có trình độ, được đào tạo, hoặc nói theo cách mà họ tự nhìn nhận về mình : họ là những người xuất sắc. Điều này có thể gây ngạc nhiên cho những ai đang nhìn thấy đảng viên như những người yếu kém về năng lực quản lý; nhưng những điều tiếp theo đây sẽ có tác dụng làm giảm sự ngạc nhiên. Những suy nghĩ trong bài này chỉ giới hạn ở bộ phận đảng viên có năng lực.

Vấn đề sẽ là : vì sao những người được lựa chọn vốn là những người xuất sắc mà kết quả công việc của họ lại có thể khiến cho họ bị đánh giá là kém cỏi trong việc điều hành, quản lý, và vì thế phải chịu trách nhiệm lịch sử trước sự suy thoái của dân tộc ? Tại sao họ lại cùng nhau đưa cả đất nước vào tình trạng chung thảm hại hiện tại ?

Dưới đây là một lý giải, dĩ nhiên chỉ mang tính phiến diện.

Đảng vẫn tìm đến những người có năng lực và đạo đức để mời họ vào đảng, NHƯNG với các điều kiện của đảng : phải tham gia một khóa học « cảm tình đảng », sau khi kết thúc khóa học này phải viết một bài thu hoạch và chính dựa trên bài thu hoạch này mà đảng sẽ quyết định có kết nạp hay không. Ngay từ bước đầu tiên của lớp « cảm tình đảng » này người đảng viên tương lai đã buộc phải lựa chọn giữ lại « năng lực » nào cho mình và phải đánh mất những năng lực nào của mình. Còn muốn làm lãnh đạo, phải học một khóa ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Và từ lúc đó, mọi nguyên tắc đạo đức không còn quan trọng nữa trước sự trung thành đối với đảng. Trước sự đồng hóa của đảng, trước cám dỗ về lợi ích vật chất có được nhờ đảng, bao nhiêu đảng viên giữ được bản lĩnh của mình...

Trở lại với thực tế của guồng máy đảng để thấy rằng : không ít người có năng lực nhận lời vào đảng. Họ có lý do để tự nhận rằng họ là những người xuất sắc, họ có lý do để nói rằng đảng cũng muốn tập hợp những người xuất sắc vào hàng ngũ của đảng. Nhưng điều mà có lẽ họ không nhận thấy, đó là sự xuất sắc của họ đã mất đi cùng với các lợi ích mà họ nhận được từ đảng.

Hoặc, cũng có thể nhìn theo cách khác : họ đã không dùng sự xuất sắc để phát triển các năng lực của chính họ, và phát triển cộng đồng chung. Trái lại sự xuất sắc của họ chỉ dùng vào việc phát triển lợi ích vật chất cho cá nhân họ và bảo vệ lợi ích của đảng và bảo vệ sự tồn tại vững chắc cho đảng, bởi lợi ích của đảng cũng là lợi ích của chính họ (cần xác định lại điều này : đảng chính là các đảng viên).

Đáng nói hơn, họ dùng sự xuất sắc của họ để làm lụn bại khả năng trí tuệ của những người khác, bằng cách tạo ra những môi trường trong đó năng lực trí tuệ không thể phát triển được, bởi đó là những môi trường nơi tự do bị bóp nghẹt, nơi các điều kiện sống và điều kiện làm việc bị bóp nghẹtKhông phải là họ không hiểu, trái lại họ hiểu rất rõ nhưng chủ động tạo ra môi trường như vậy nhằm hủy diệt các nguồn lực trí tuệ của quốc gia chỉ với mục đích duy nhất là bảo vệ lợi ích vật chất của họ, với cái giá là năng lực trí tuệ của chính họ cũng cùn mòn đi, tiêu biến đi. Cần hiểu rằng giờ đây, ý thức hệ thuở ban đầu hoàn toàn không còn nữa khi mà bản thân người lãnh đạo cao nhất của đảng thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội là một thứ ảo vọng mà đến « cuối thế kỷ » này cũng chưa thể thấy mặt mũi nó ra sao. Lý tưởng đã hoàn toàn biến mất, cái còn lại chỉ là sức mạnh quái đản của lợi ích vật chất trong một xã hội tiêu thụ.

Điều này góp phần lý giải vì sao Việt Nam càng ngày càng sa sút trên nhiều phương diện, nhưng sự tồn tại của đảng không hề bị đe dọa. Các đảng viên xuất sắc đã dùng sự xuất sắc của họ để làm cho đất nước suy vong, làm băng hoại môi trường học thuật, làm cho trí tuệ của người dân sa sút, và để củng cố sức mạnh của đảng.

Chúng ta thấy rằng các giải pháp được lựa chọn để giải quyết các vấn đề của đất nước này hầu như luôn là những giải pháp đảm bảo cho quyền lợi vật chất của người có quyền quyết định, và quyền lợi của họ lại đi ngược với quyền lợi chung. Do đó mới có chuyện hết công ty này đến công ty kia thua lỗ đến trăm nghìn tỷ này đến trăm nghìn tỉ khác, công ty thua lỗ nhưng các cá nhân lãnh đạo công ty thì được lợi. Do đó mới có chuyện hàng bao nhiêu đại học không đủ tiêu chuẩn vẫn cứ được thành lập, đại học sa sút nhưng những người ký quyết định lập trường thì có lợi. Rồi hàng bao nhiêu dự án thua lỗ trên đất nước này, dự án thì lỗ nhưng người ký quyết định dự án thì lãi. Logic là như vậy, ai cũng có thể tìm thấy vô vàn dẫn chứng cho cái logic này.

Hãy xem xét một lĩnh vực cụ thể là giáo dục. Giám đốc của các đại học quốc gia, hiệu trưởng của các trường đại học, họ có kém không ? Không, không thể nói rằng tất cả họ đều kém cỏi. Trái lại, đa số họ đều là những người có năng lực. Nhưng tại sao giáo dục lại thảm hại đến như vậy, đến mức chính họ là những người đầu tiên gửi con cái đi học nước ngoài ? Bởi lẽ họ đã không dùng trí tuệ của họ, sự xuất sắc của họ để xây dựng một nền giáo dục tiến bộ và hiệu quả, vì chính điều đó làm tổn hại đến đảng của họ, tức là làm tổn hại đến quyền lực và lợi ích vật chất của họ. Trường học càng thối nát, càng trì trệ, giáo viên càng lạc hậu, càng phục tùng, học sinh/ sinh viên càng kém hiệu biết, càng ngoan ngoãn thụ động, thì lợi nhuận của họ càng lớn, quyền lực của họ càng ổn định. Từ đó, phần nào có thể thấy động cơ làm việc của họ là gì, và ý nghĩa của đời sống đối với họ là gì...

Hoặc nhìn sang một lĩnh vực khác mà đại diện là Vinashin và Vinalines. Không thể nói các lãnh đạo của Vinashin và Vinalines là những người kém cỏi. Các công ty này thua lỗ không phải vì năng lực quản lý của người lãnh đạo kém, mà là vì « năng lực » quản lý được dùng cho việc phát triển túi tiền cá nhân nhờ vào sự thua lỗ của công ty.

Câu hỏi là : tại sao các đảng viên « xuất sắc » của Việt Nam không làm lợi cho mình dựa trên sự phát triển của đơn vị, dựa trên sự lớn mạnh của công ty, mà lại làm lợi cho mình dựa trên sự phá sản của công ty ? Tại sao mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung lại được họ xây dựng thành một mối quan hệ mâu thuẫn, lợi ích riêng hủy hoại lợi ích chung ? Tại sao họ không đặt hai loại lợi ích này trong một mối quan hệ tương hỗ, cả hai cùng phát triển ?

Mong muốn các đảng viên (đặc biệt là các đảng viên cao cấp) biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của đảng và lợi ích cá nhân phải chăng chỉ là một mong muốn huyễn tưởng ? Nó tạo ra một viễn cảnh cũng mang tính chất ảo như cái viễn cảnh chủ nghĩa xã hội mà thôi. Không cần đảng đặt quyền lợi của dân tộc cao hơn quyền lợi riêng của đảng, chỉ cần các đảng viên đặt quyền lợi dân tộc ngang bằng quyền lợi riêng của mình, thì có lẽ Việt Nam đã có một hình ảnh khá hơn rất nhiều hình ảnh mà ngày nay chúng ta đang có.

Liệu các đảng viên, nhất là các đảng viên ở cương vị lãnh đạo cao cấp (cũng như mọi người nói chung trong xã hội hiện thời) có thể xoay chuyển tí ti não bộ của mình để điều chỉnh tí ti chiều hướng suy nghĩ : gắn lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc, và không để cho hai loại lợi ích này trở thành đối nghịch, không để cho lợi ích cá nhân đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Chỉ cần một tí ti xoay chuyển đó thôi, vận mệnh của xứ sở này sẽ khác nhiều lắm.

Xin nhắc lại, câu hỏi của tôi là : giữa hai giải pháp, 1) vừa làm lợi cho bản thân vừa làm lợi cho đất nước và dân tộc, 2) làm lợi cho bản thân và làm hại đất nước và cộng đồng, tại sao các đảng viên xuất sắc của Việt Nam lại chọn giải pháp 2, nên khiến cho Việt Nam rơi vào tình trạng bi đát hiện nay ? Nghịch lý là các đảng viên càng « xuất sắc » thì đất nước càng thê thảm.

Một câu hỏi khác, không phải là không liên quan đến câu hỏi trên đây : tại sao cùng một mô hình chế độ chính trị độc tài cộng sản, nhưng đảng cộng sản Trung Quốc, với những vấn nạn mà nó tạo ra vẫn có thể đưa Trung Quốc trở thành một sức mạnh kinh tế, quân sự và khoa học ; trong khi đó đảng cộng sản Việt Nam cùng các đảng viên của mình lại đẩy Việt Nam vào tình trạng lạc hậu, nghèo đói, chậm tiến, suy thoái gần như toàn diện, không có một thành tựu nào đáng kể, và đang lệ thuộc càng ngày càng sâu sắc vào Trung Quốc ???

Paris, 30/10/2014
Nguyễn Thị Từ Huy
Nguồn : Blog RFA

NGƯỜI VIỆT KHÔNG XẤU…
20/10/2014 | Alan Phan

Gần đây tự phát một phong trào đánh hội đồng về người Việt xấu xí, từ dân đen trong nước đến Việt Kiều hải ngoại, từ các mạng lề trái đến báo lề phải. Bị nhiều phóng viên và BCA quay hỏi về đề tài này, ông già Alan xin xác định rõ ràng: chúng ta không xấu.

Trước hết, xấu xí là một tĩnh từ chung chung, nhất là khi nói về con người. Người này có ngoại hình xấu, cô này nhiều tật xấu, anh này thích chơi xấu, thằng bé này xấu ăn, bà lão kia đang “làm” xấu…và tất cả điều đó cũng không bầy tỏ điều gì rõ ràng lắm.

Ngay cả ngoại hình. Cô người mẫu có khuôn mặt hơi xấu (theo định giá chủ quan) nhưng với một bầu sữa tốt thì cũng có thể nổi tiếng với rất nhiều giới trẻ đang dư thừa hormone. Tôi quen biết một phụ nữ giàu đẹp quý phái học thức ở Mexico. Khi cô lấy chồng, cả gia đình bạn bè đều chê là mắt mũi cô để đâu mà ôm phải một ông “xấu đau xấu đớn”; nhưng họ đã sống hạnh phúc với nhau hơn 15 năm. Theo định nghĩa về ngoại hình xấu xí của tôi, người đàn bà chỉ thực là xấu xí nếu sáng tôi ngủ dậy cùng nàng, nhìn nàng qua ánh sáng đầu ngày và chỉ muốn lấy một khẩu súng bắn vào đầu mình cho đỡ ngu và bớt hổ thẹn.

Trong đời, tôi đã có vài lần muốn tự tử kiểu đó, nhưng chưa lần nào ở Việt Nam. Như vậy, tôi tin chắc rằng ít nhất phụ nữ Việt không “xấu”.

Còn về tính xấu nói chung của người Việt? Những từ ngữ thông dụng nhất là lưu manh vặt, tham lam, ăn cắp, chật hẹp, dối trá, thích xin xỏ, ỷ lại, lười biếng, tự ti và tự tôn lẫn lộn. Cụ Tản Đà (1927) thì chê là quan bất nghĩa vô lương, còn dân thì ngu hơn lợn nên bị hút máu. Cụ Phan Khôi (1929) thì nói các sĩ phu ảo tưởng thoái hóa cho mình là Thượng Đế. Còn cụ Lương Thiệp (1944) thì kết luận là Nho sĩ do Trung Quốc đào tạo thì trì trệ, bất lực, hèn kém.

Ngày hôm nay, trên mạng lề phải, không thiếu những câu chuyện và lý do để “tự hào dân tộc” từ bóng đá đến siêu mẫu bị lộ hàng; còn mạng lề trái thì đủ chuyện để làm chúng ta xấu hổ: ăn cắp ở Nhật Bản, ăn tham ở Thái Lan; lưởng gạt ở Mỹ…và ăn rồi chạy ở Việt Nam (hay hạ cánh ở ẩn trong an toàn với biệt thự giá rẻ nhất là vài chục tỷ).

Thực ra, suy cho cùng, những cái gọi là “xấu xí” đều phát xuất từ một nguyên nhân quan trọng nhất: người Việt ta rất nghèo.

Nghèo tiền bạc là một chuyện thấy rõ qua lịch sử. “Bần cùng sinh đạo tặc” nên cả dân tộc và quốc gia loay hoay hoài 80 năm qua với vụ đi xin đi vay. Không được thì cướp giật rồi đổ thừa cho cái “nghèo tiền” của mình.

Nghèo đến độ phải dựng tượng thánh cho những tay bịp bợm quốc tế hay dùng một cuốn sách từ thế kỷ 18 làm kim chỉ nam cho thời đại Internet. Phải ôm chân khóc lóc xin xỏ đủ chuyện từ những ông chồng vũ phu, bần tiện, chuyên lợi dụng…vì bỏ ông thì mất sổ hưu?

Rồi đến những cái nghèo về văn hóa, đạo đức. Hoặc cái nghèo về kiến thức, tư duy. Nghèo về quan hệ gia đình và xã hội. Nghèo khi hành xử theo các thói quen xấu của thế kỷ 19 ở thế kỷ 21. Luôn luôn có những lý giải, biện luận, bào chữa; nhưng tất cả chỉ chứng minh thêm cho một cái nghèo khác cũng khủng khiếp: nghèo về tinh thần, về sự tha hóa dối trá không phương cứu chữa.

Một ông du học sinh (ông khoe vậy) chê là đời sống ở Mỹ như “tù khổ sai”, làm việc quần quật suốt ngày. Ông kết luận là ông và người Việt, dân chủ, à quên, “hạnh phúc” gấp trăm lần bọn tư bản giẫy chết. Dĩ nhiên, một bà già bán vé số ở Việt Nam sẽ hạnh phúc vô cùng, nếu bà có một người con “làm tù khổ sai” gởi tiền về tiếp tế mỗi tháng. Và chắc ông này cũng không biết các lao động Việt trong những khu công nghiệp phải “khổ sai” như thế nào mỗi ngày? Tù khổ sai Mỹ dường như là lựa chọn của phần lớn nhân loại.

Một vài bạn phản biện cho rằng vào thời bao cấp ngoài Bắc, chúng ta đâu có văn hóa chụp giựt như ngày nay? Suy cho kỹ, trong một xã hội chỉ đi xe đạp và ăn bo bo thì cũng không có nhiều thứ để chụp giựt. Tuy tôi không sống qua môi trường này (thank God), tôi vẫn đọc rất nhiều hồi ức từ các nhà văn, các học giả…về một xã hội dối trá, trên lạy dưới đạp, tham nhũng tem phiếu thực phẩm…chỉ đáng vài xu. Chắc họ hoang tưởng hết?

Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Điều khó hiểu nhất với tôi là chúng ta không sống trong hang động thời đồ đá mà tại một thế giới nơi kiến thức toàn cầu tụ tập gần như miễn phí với dấu bấm Google. Các nguyên tắc và hành xử văn minh văn hóa được nhắc nhở liên tục qua những kênh thông tin tự do. Ngoài tiền bạc, tại sao chúng ta phải chứng kiến cái nghèo tàn mạt về kiến thức, văn minh, nhân cách và tinh thần?

Sự nghèo hèn tự nguyện của người Việt là điều chua xót nhiều hơn các quan điểm về xấu xí.

Nhìn ra một bối cảnh xa hơn, khi xã hội “chấp nhận” nghèo hèn để yên ổn thì chúng ta phải suy nghĩ điều gì? Khi một người vợ cam phận sống đời đời kiếp kiếp …vì vài lợi ích cá nhân của ông gia trưởng đã khô xác…thì chúng ta có nên quay mặt đi và thở dài?

Có xấu xí không khi đã nghèo mà còn ngu?

Nguồn: Góc nhìn Alan

Hataipreuk Rkasnuam và Jeanne Batalova | Trần Giao Thủy dịch

Dùng dữ liệu mới nhất của Ban Thăm dò Cộng đồng Hoa Kỳ (American Community Survey, ACS) thuộc Cục Điều tra Dân số Mỹ, và của Bộ Nội An (Department of Homeland Security, DHS), Niên giám Thống kê Di Trú, và dữ liệu về kiều hối hàng năm của Ngân hàng Thế giới, bài tóm lược này trình bày những con số về người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, chú trọng vào số dân, phân bố địa lý, một số đặc điểm kinh tế xã hội.

Nhiều người tị nạn cộng sản trong Chiến dịch Gió lốc (Frequent Wind) còn rất trẻ. Một số em bé cha mẹ đã phải ở lại sau khi đặt con vào trực thăng di tản vì máy bay đã quá trọng tải. 
Nguồn: THE USS MIDWAY MUSEUM

Bốn mươi năm, nhìn lại

Trong gần bốn mươi năm qua, từ một nhóm nhỏ, cộng đồng người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ đã phát triển thành một trong những nhóm cư dân sinh ở nước ngoài lớn nhất nước Mỹ.

Người Việt Nam di cư sang sang Hoa Kỳ trong ba đợt, đợt đầu tiên vào cuối tháng Tư năm 1975, khi Sài Gòn sụp đổ. Trong cuộc di tản do Mỹ tổ chức đó có khoảng 125.000 người tị nạn cộng sản Việt Nam. Làn sóng người tị nạn đầu tiên này phần lớn gồm các nhân viên quân sự và các chuyên viên ở vùng đô thị, những người đã làm việc với quân đội Mỹ hay chính phủ Việt Nam Cộng hòa,  nghiễm nhiên là mục tiêu của cộng sản.

Trong những năm cuối của thập niên 1970, làn sóng thứ hai của người Việt tị nạn cộng sản đến Hoa Kỳ. Đợt sóng người tị nạn này đã trở thành cuộc khủng hoảng “thuyền nhân” tị nạn. Nhóm người tị nạn lần này phần lớn là dân ở vùng nông thôn và thường là người ít có học hơn lớp người tị nạn trước đó; rất nhiều người tị nạn là người gốc Hoa chạy trốn cuộc đàn áp ở Việt Nam.

Người tị nạn Việt Nam gần Hồng Kông (circa 1979); Huân tước Carrington Ngoại trưởng Anh, đã đến thăm trại tị nạn tại thuộc địa cũ đã đề nghị Anh nên đón nhận 10.000 người tị nạn trong khoảng thời gian hai năm. http://www.dailymail.co.uk/

Làn sóng tị nạn thứ ba vào Hoa Kỳ trong suốt những năm 1980 và 1990; không giống như hai đợt sóng tị nạn trước, nhóm thứ ba có ít người tị nạn hơn, và gồm hàng ngàn người con lai Việt Nam (con của quân nhân Mỹ với những bà mẹ Việt Nam) cùng các tù nhân chính trị.

Barry Huntoon (trái), một cựu chiến binh Mỹ, cùng với vợ và con sơ sinh vào năm 1987, cùng đi đón một thiếu nữ hợp chủng mà ông Huntoon tin là con gái của mình, sinh ra sau khi ông rời Việt Nam. Nguồn: http://immigrationinamerica.org/

Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, số cư dân Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể, từ khoảng 231.000 người năm 1980 lên đến gần 1,3 triệu người vào năm 2012, trở thành nhóm cư dân sinh ở nước ngoài lớn thứ sáu tại Hoa Kỳ. Sự tăng trưởng này xảy ra nhanh nhất trong những năm 1980 và 1990, khi dân số di dân Việt Nam tăng gần gấp đôi trong mỗi mười năm. Dù hai đợt di cư đầu gồm những người tị nạn Việt Nam, đợt di cư thứ ba phần lớn là những người nhập cư để đoàn tụ với người thân ở Hoa Kỳ.

Tính đến năm 2012, di dân Việt Nam chiếm khoảng 3% tổng số cư dân Mỹ sinh ở nước ngoài, khoảng 40,8 triệu người.

Hình 1. Dân số Người Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ, 1980-2012. Nguồn: Viện Chính sách Di cư (MPI) lập thành bảng từ dữ liệu rút ra từ ác cuộc thăm dò năm 2006, 2010, và 2012 của Ban Khảo sát Cộng Đồng Người Mỹ (ACS) thuộc Cục Điều traDân số Hoa Kỳ, và năm kết quả thống kê mỗi thập niên, 1980, 1990, và 2000.

Việt Nam là nhóm cư dân Mỹ gốc Á châu, sinh ở nước ngoài, lớn thứ tư, sau Ấn Độ, Philippines, và Trung Quốc.

Hình 1a. Số dân định cư tại Mỹ từ Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Nguồn: MPI

Hình 1b. Các quốc gia có người Việt định cư trên toàn thế giới. Nguồn: MPI.

Mặc dù phần lớn người di cư Việt đi định cư ở Hoa Kỳ, cũng có những nhóm khác đã di cư/tị nạn tại Úc (226.000), Canada (185.000), và Pháp (128.000).

Đến nay, hầu hết người di cư Việt Nam đến Hoa Kỳ là những người ở diện thường trú hợp pháp (lawful permanent residence, LPR) – còn được gọi là nhưng cư dân đã được “thẻ xanh” – qua ngả đoàn tụ gia đình, hoặc là người thân trong gia đình của công dân Hoa Kỳ hoặc là cư dân được gia đình bảo lãnh; có rất ít cư dân Việt Nam sang Mỹ bằng đường tuyển dụng nghề nghiệp.

Tính đến tháng Giêng năm 2012, cộng đồng cư dân Việt Nam có những người nhập cư trái phép lớn thứ mười tại Hoa Kỳ. Ước tính có khoảng 160.000 người Việt Nam đang cư trú tại Mỹ không có giấy phép, bằng 1% của khoảng 11,4 triệu người nhập cư trái phép đang cư trú tại Hoa Kỳ.

 

Định nghĩa

Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ định nghĩa cư dân sinh ở nước ngoài là những cá nhân không có quốc tịch Mỹ khi chào đời. Dân Mỹ sinh ở nước ngoài gồm những công dân nhập tịch, thường trú nhân hợp pháp, người tị nạn (refugees and asylees), không-phải-là-cư-dân nhưng trong tình trạng hợp pháp (gồm những sinh viên, người đi làm, hoặc những người có chiếu khán tạm thời khác), và cả những người ở Mỹ bất hợp pháp.

Hai nhóm chữ “người sinh ở nước ngoài” và “cư dân” được dùng thay thế cho nhau.

So với tổng số dân sinh ở nước ngoài tại Hoa Kỳ, cư dân Việt Nam có thể có trình độ tiếng Anh hạn chế hơn và có lẽ ít theo học đại học hơn. Mặt khác, so với tổng thể dân số nhập cư được nhập quốc tịch Hoa Kỳ, cư dân Việt Nam có thể có thu nhập cao hơn, tỷ lệ nghèo thấp hơn, và có lẽ ít người không có bảo hiểm hơn.

Dùng dữ liệu mới nhất của Ban Thăm dò Cộng đồng Hoa Kỳ (American Community Survey, ACS) của Cục Điều tra Dân số Mỹ, và của Bộ Nội An (Department of Homeland Security, DHS), Niên giám Thống kê Di Trú, và dữ liệu về kiều hối hàng năm của Ngân hàng Thế giới, bài tóm lược này trình bày những con số về người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, chú trọng vào số dân, phân bố địa lý, các đặc điểm kinh tế xã hội.

Dữ liệu tổng hợp từ 2008-2012 của ACS cho biết hầu hết cư dân Việt Nam định cư ở các tiểu bang California (40%) và Texas (12%), tiếp theo là các tiểu bang Washington (4%), Florida (4%), và Virginia (3%). Ba quận lỵ có cư dân Việt Nam nhiều nhất ở California là Orange County, Los Angeles County, và Santa Clara County. Cư dân Việt Nam ở ba quận này chiếm 26% dân số Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ.

Hình 2. Những Tiểu bang có đông cư dân Việt Nam tại Hoa Kỳ, 2008-2012. Nguồn: Viện chính sách di dân (MPI) lập bảng dữ liệu từ tài liệu tổng hợp 2008-2012 củ ACS, Cục Thống kê Dâ số Hoa Kỳ.

Hình 2a: Dân số cư dân Việt Nam tại cái quận lỵ ở California. Nguồn: MPI

Hình 2b: Dân số cư dân Việt Nam tại các quận lỵ ở Texas. Nguồn: MPI

Bấm  vào đây để đọc bản đồ tương tác cho thấy sự phân bố địa lý của người cư dân tại các tiểu bang và quận lỵ khác. Chọn “Việt Nam” ở khung mở “Select Country/Region of origin” để xem phân bố dân số ở các quận lỵ thuộc những tiểu bang khác.

Các khu vực đô thị lớn có mật độ cư dân Việt Nam cao là Los Angeles, San Jose, Houston, San Francisco, và khu vực đô thị Dallas. Cư dân Việt Nam tại năm khu vực đô thị kể trên chiếm 41% số cư dân Việt Nam trong giai đoạn 2008-2012.

Hình 3. Những khu vực đô thị đông cư dân Việt Nam nhất tại Hoa Kỳ. Nguồn: MPI lập bảng dữ liệu từ tài liệu 2008-2012 ACS của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ.

Bảng 1. Các khu vực đô thị có mật độ cư dân Việt Nam cao nhất Mỹ. Nguồn: MPI lập bảng dữ liệu từ tài liệu 2008-2012 ACS của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ.

 

Trình độ tiếng Anh 

Định nghĩa

Đông Nam Á là một vùng của châu Á được Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ coi là khu vực gồm các nước Brunei, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Đông Timor.

Trong năm 2012, có khoảng 68% cư dân Việt Nam (độ tuổi từ 5 trở lên) có trình độ thông thạo tiếng Anh giới hạn (Limited English Proficient, LEP), so với 47% của các nhóm cư dân sinh ở Đông Nam Á, và 50% của tổng số dân Mỹ sinh ở nước ngoài. Ngoài ra, tỷ lệ cư dân Việt Nam chỉ nói tiếng Anh ở nhà là 7%, so với 11% của cư dân Mỹ sinh ở vùng Đông Nam Á và 15% của tổng số dân Mỹ sinh ở nước ngoài.

(Chú: Cụm từ “trình độ thông thạo tiếng Anh giới hạn” dùng để chỉ bất kỳ người nào, từ 5 tuổi trở lên, đã ghi khả năng tiếng Anh là “không biết gì hết”, “không khá” hoặc “khá” trong bảng thăm dò cá nhân. Những cá nhân ghi “chỉ nói tiếng Anh” hoặc nói tiếng Anh “rất khá” thì được coi là người thông thạo tiếng Anh).

 

Giáo dục và tri thức chuyên nghiệp

Trong năm 2012, khoảng 23% cư dân Việt Nam, tuổi từ 25 tuổi trở lên, đã có bằng cử nhân hoặc cao hơn, so với 37% của cư dân sinh ở vùng Đông Nam Á và 28% của tổng số dân Mỹ sinh ở nước ngoài. (Tỷ lệ đã có bằng cử nhân hoặc cao hơn cho dân sinh ra ở Mỹ là 29%).

Khoảng 83% cư dân Việt Nam ở trong tuổi lao động (18-64), và 13% ở trong độ tuổi từ 65 trở lên. Độ tuổi trung bình của cư dân Việt Nam tại Mỹ là 46 tuổi, cũng như độ tuổi trung bình của những nhóm cư dân khác từ vùng Đông Nam Á, nhưng cao hơn so với tổng số cư dân Mỹ sinh ở nước ngoài (43%), và dân sinh ở Mỹ (36%).

Sáu mươi chín phần trăm (69%) cư dân Việt Nam (độ tuổi từ 16 trở lên) nằm trong số người làm việc trong thị trường lao động dân sự trong năm 2012, tương đương với tỷ lệ trong thị trường lao động của cư dân sinh ở vùng Đông Nam Á (68%), và cao hơn một chút so với tổng số cư dân tại Mỹ (67%) và dân sinh ra ở Mỹ (63%). Cư dân Việt Nam tại Mỹ thường làm việc nhiều hơn trong các ngành nghề dịch vụ (32%) so với cư dân sinh ở vùng Đông Nam Á (26%), hay tổng số cư dân Mỹ sinh ở nước ngoài (25%), và dân sinh ở Mỹ (17%).

Hình 4. Biểu đồ cư dân có việc làm trong lực lượng lao động dân sự (16 tuổi trở lên), phân bố theo bởi ngành nghề. Nguồn: MPI lập bảng dữ liệu từ tài liệu 2008-2012 ACS của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ.

 

Thu nhập và Độ nghèo

Trong năm 2012, thu nhập gia đình trung bình của cư Việt Nam là 55,736 USD, thấp hơn đáng kể so với thu nhập của những cư dân từ vùng Đông Nam Á (65,488 USD), nhưng cao hơn so với tổng số cư dân tại Mỹ (46,983 USD) và dân sinh ở Mỹ (51,975 USD).

Mười lăm phần trăm (15%) cư dân Việt Nam sống ở mức sống tối thiểu trong năm 2012, cao hơn một chút so với tỷ lệ gia đình nghèo của cư dân sinh ở vùng Đông Nam Á (12%), nhưng tương đương với tỷ lệ gia đình nghèo của người dân sinh tại bản địa (15%) và thấp hơn dân số sinh ở nước ngoài nói chung (19%).

 

Đường Di trú và Nhập Tịch

Trong năm 2012, có khoảng 1.259.000 di dân Việt Nam cư trú tại Hoa Kỳ, chiếm khoảng 31% trăm của 4 triệu cư dân sinh ở vùng Đông Nam Á, 11% của 11,9 triệu cư dân sinh ở châu Á, và 3% của 40.800.000 tổng số cư dân sinh ở nước ngoài. Tỉ số cư dân Việt Nam nhập quốc tịch Mỹ (76%) cao hơn so với 67% cư dân sinh ở vùng Đông Nam Á và 46% tổng số dân Mỹ sinh ở nước ngoài.

Hầu hết cư dân Việt Nam đến Hoa Kỳ trước năm 2000 (75%), 20% định cư vào giữa năm 2000 và 2009, và 5% đến Mỹ trong năm 2010 và sau đó.

Hình 5. Biểu đồ cư dân Việt Nam tại Hoa Kỳ phân bố theo thời điểm qua Mỹ định cư. Nguồn:MPI lập bảng dữ liệu từ tài liệu 2008-2012 ACS của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ.

Người Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ bắt đầu bằng dòng người tị nạn cộng sản, theo thời gian chuyển thành lớp người di cư để đoàn tụ gia đình. Kể từ năm 1980, số người Việt Nam tị nạn đến Mỹ hay người được “thẻ xanh” tại Hoa Kỳ có khuynh hướng ngày càng giảm đi.

Hình 6. Biểu đồ người số người Việt Nam tị nạn và cư dân Việt Nam được cấp thẻ thường trú hợp pháp (“thẻ xanh”, LPR), 1975-2012.
Chú: Đường chấm – - – biểu diễn số người Việt Nam đến tị nạn cộng sản trước năm 1982 là ước tính từ Bảng 7.2 trong nghiên cứu “Người Tị nạn Đông Nam Á di cư đến Hoa Kỳ” của Linda W. Gordon. Trong năm 1975, khoảng 125.000 người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ là kết quả của một chương trình di tản do Mỹ thục hiện sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1976 đến năm 1977, số người tị nạn đã giảm đáng kể vì Hoa Kỳ từ chối nhận những cá nhân Việt Nam, trừ trường hợp đoàn tụ gia đình. Vì tình trạng xung đột chính trị và dân tộc trong khu vực Đông Nam Á, số người tị nạn từ Việt Nam và các nước láng giềng đã tăng lên đáng kể bắt đầu vào năm 1978. Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, các nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, lại bắt đầu nhận một số lớn người tị nạn từ khu vực, rất nhiều người đang sống trong các trại tị nạn ử Đông Nam Á.

Nguồn: MPI lập bảng dữ liệu của Bộ Nội An, Niên giám thống kê Di Trú 2012 và 2002 (Washington, D.C.: Văn phòng Di Trú Thống kê, Bộ Nội An), www.dhs.gov/yearbook-immigration-statistics; Vụ nhập cư và quốc tịch Mỹ (INS), Niên giám thống kê của Sở Di Trú và Nhập Tịch cho những năm 1978-1996 (Washington, DC: Ấn quán của chính phủ); INS, 1977, 1976, và 1975 Báo cáo thường niên (Washington, DC: Ấn quán của chính phủ); Linda W. Gordon,“Người Tị nạn Đông Nam Á di cư đến Hoa Kỳ,” Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề di cư, Số đặc biệt, 5 (3) (1987): 153-73; Rubén G. Rumbaut, “Một di sản chiến tranh: người tị nạn từ Việt Nam, Lào và Campuchia,” trong “Cội nguồn và Định mệnh: Nhập cư, chủng tộc, và sắc tộc ở Mỹ,”người biên tập: Silvia Pedranza và Rubén G. Rumbaut (Belmont, CA: Wadsworth, 1996); Gail P. Kelly, “Đối phó với (đời sống) Mỹ: người tị nạn Việt Nam, Campuchia và Lào trong những năm 1970 và 1980,” Biên niên sử của Học viện Chính trị và Khoa học xã hội Mỹ, 487 (1996): 138-49.

Gần như tất cả những cư dân Việt Nam (99%), người đã có “thẻ xanh” vào năm 1982 là những người tị nạn. Trái lại, chỉ có 2% của cư dân Việt Nam có “thẻ xanh” trong năm 2012 là người tị nạn, trong khi đó 96% người được thẻ xanh là vì có quan hệ gia đình. Đa số, những cư dân mới sang Mỹ trong những năm gần đây là người trong gia đình của những người tị nạn trước đó và những người con lai từ Việt Nam.

Hình 7. Biểu đồ cư dân được cấp thường trú hợp pháp (thẻ xanh), 1982 và 2012
Chú: Được gia đình bảo trợ là diện những cư dân là người thân trong gia đình của công dân Mỹ và những cư dân khác được gia đình bảo trợ; Cư dân theo diện việc làm là những người vào Hoa Kỳ để làm việc hoặc đầu tư; Những cư dân loại khác là những người nhập cảnh vào Hoa Kỳ qua chương trình Chiếu khán Xổ số Đa dạng và các chương trình khác. Nguồn: MPI lập bảng từ dữ liệu của 2012 Niên giám thống kê Di Trú, Bộ Nội An (Washington, DC: Văn phòng Di Trú Thống kê, 2013, Bộ Nộ An), www.dhs.gov/publication/yearbook-2012.

 

Bảo hiểm Y tế

Cư dân Việt Nam có bảo hiểm y tế nhiều hơn so với tổng số cư dân sinh ở nước ngoài, nhưng ít hơn so với những cư dân khác từ Đông Nam Á và dân sinh ra ở Mỹ. Khoảng 22% cư dân Việt Nam không có bảo hiểm trong năm 2012, so với 17% cư dân sinh ở Đông Nam Á, 33% của tổng số cư dân sinh ở nước ngoài, và 12% dân số sinh ở Mỹ.

Hình 8. Biểu đồ cư dân Việt Nam tại Hoa Kỳ theo Loại bảo hiểm Y tế, 2012. Chú: Tổng số các loại bảo hiểm có thể lớn hơn 100 bởi vì một số cư dân có thể có nhiều hơn một loại bảo hiểm.Nguồn: MPI lập bảng theo dữ liệu 2012 ACS, Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ.

 

Cộng đồng gốc Viêt tại Hoa Kỳ

Dân số người gốc Việt tại Hoa Kỳ gồm khoảng 2 triệu người hoặc sinh ra ở Việt Nam đã ghi tổ tiên là người Việt Nam, theo bảng dữ liệu tổng hợp 2008-2012 của ACS, Cục Điều tra Dân số Mỹ.

 

Kiều hối

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới tổng số kiều hối gửi về Việt Nam qua đường chính thức tương đương 11 tỷ USD trong năm 2013, chiếm khoảng 6,4% tổng sản lượng (GDP) Việt Nam. Số kiều hối Việt Nam nhận được đã tăng gấp mười lần kể từ cuối những năm 1990.

Hình 9. Biểu đồ kiều hối (tỉ USD) hàng năm chuyển về Việt Nam, 2000-2013. Nguồn: MPI vẽ biểu đồ từ số liệu từ của Nhóm Triển vọng Ngân hàng Thế giới, “Dữ liều về Kiều hối hàng năm,” cập nhật tháng Tư 2014. Cộng đồng người gốc Việt Nam tại Hoa Kỳ chuyển về 5,7 tỉ USD kiều hối về Việt Nam năm 2012.

Hình 9a. Biểu đồ so sánh kiều hối hàng năm chuyển về Philippine, Việt Nam, và Mã Lai 1970-2013. Nguồn: MPI vẽ biểu đồ từ số liệu từ của Nhóm Triển vọng Ngân hàng Thế giới, “Dữ liều về Kiều hối hàng năm,” cập nhật tháng Tư 2014.

 


Nguồn: Vietnamese Immigrants in the United States. By Hataipreuk Rkasnuam and Jeanne Batalova. Migration Policy (MPI), SPOTLIGHT, AUGUST 25, 2014. DCVOnline mịnh họa bổ túc.

 

Nguồn tài liệu

Baker, Bryan and Nancy Rytina. 2013. Estimates of the Unauthorized Immigrant Population Residing in the United States: January 2012. Washington, DC: Department of Homeland Security, Office of Immigration Statistics. Available Online.

Centers for Disease Control and Prevention. 2008. Chapter 1: Vietnamese History and Immigration to the United States. In Promoting Cultural Sensitivity: A Practical Guide for Tuberculosis Programs That Provide Services to Persons from Vietnam. Atlanta: Centers for Disease Control and Prevention. Available Online.

Department of Homeland Security (DHS), Office of Immigration Statistics. Various years. Yearbook of Immigration Statistics. Washington, DC: DHS, Office of Immigration Statistics. Available Online.

Gordon, Linda W. 1987. Southeast Asian Refugee Migration to the United States. Center for Migration Studies special issues 5 (3): 153-73.

Kelly, Gail P. 1986. Coping with America: Refugees from Vietnam, Cambodia, and Laos in the 1970s and 1980s. Annals of the American Academy of Political and Social Science 487: 138-49.

Rumbaut, Rubén G. 1996. A Legacy of War: Refugees from Vietnam, Laos, and Cambodia. In Origins and Destinies: Immigration, Race, and Ethnicity in America, eds. Silvia Pedranza and Rubén G. Rumbaut. Belmont, CA: Wadsworth. 315-33. Available Online.

U.S. Census Bureau. 2012. 2012 American Community Survey 1-Year Estimates. American FactFinder. Available Online.

—. 2010. 2010 American Community Survey: Foreign-Born Regions, Subregions, and Country Codes List. Available Online.

U.S. Immigration and Naturalization Service (INS). Various years. Statistical Yearbook of the Immigration and Naturalization Service. Washington, DC: INS.

—. Various years. Annual Reports. Washington, DC: INS.

World Bank Prospects Group. 2013. Annual Remittances Data, April 2014 update. Available Online.

—. Bilateral Remittances Matrix, May 2013 version. Available Online.

Tớ & Cậu: NHỮNG CHUYỆN VỤN VẶT

(LTS: Tháng này các cụ tản mát đi đâu hết, lùa như lùa mèo cũng không có đủ “túc số” để chém gió  với nhau, nên một cụ mới nẩy ra ý là mỗi cụ viết một tùy bút nho nhỏ, đúc kết lại thì cũng qua được một số.  Tháng sau các cụ sẽ trà dư tửu hậu lại như mọi khi.)

 

Đà Nẵng có nên “ăn mừng” 40 năm giải phóng không?

Tớ ra Đà Nẵng, bỗng dưng thấy nhiều bàn tiệc bầy ra ngoài phố quá, lúc đầu tớ lại tưởng lầm là dân ĐN bây giờ cũng yêu nhạc sĩ họ Trịnh nên áp dụng bài hát “ghế đá công viên, rời ra đường phố…”   Nhưng không phải dzậy, hỏi ra mới biết là TP Đà Nẵng chi ra 19 tỉ đồng tài trợ cho dân phố trong toàn địa phương “ăn mừng” 40 năm giải phóng.

Sai từ chủ trương, phương tiện, và nhất là thiếu tế nhị.

Có cần “ăn mừng” không?  Hay chỉ ghi nhớ một ngày lịch sử của thành phố là đủ?

Và nếu ghi nhớ, có nên mở tiệc ăn (và phải có nhậu) hay nên làm một nghĩa cử nào khác, ý nghĩa hơn?  Trước hết, trong bối cảnh người Việt đã “nổi tiếng” là uống bia nhiều nhất Đông Nam Á –một “danh dự” không hay gì, vì song song với say xỉn, phải mất 16 công nhân Việt mới bằng công  xuất của một công nhân Singapore--  và cũng trong bối cảnh chính phủ đang dự định cấm bán bia sau 20g, và hơn thế nữa, khi mỗi tháng vẫn còn xấp xỉ 1.000 người Việt tử thương vì tai nạn giao thông, và một phần khá lớn là do uống ruou say, v.v. ….  thử hỏi giúp thêm tiền từ công quỹ cho dân chúng ăn nhậu có khôn ngoan chút nào không?

Dựng một công viên mới để kỷ niệm có hay hơn không?  Hay thêm giường trong một nhà thương công? Bao nhiêu là việc khác, hay hơn, ý nghĩa hơn và lâu bền hơn?  Cứ nghĩ xem, nếu mỗi 10 năm Đà Nẵng thêm được một công viên hay trồng thêm được 10.000 cây gỗ tốt trong thành phố, ĐN sẽ đẹp hơn biết bao nhiêu, và con cháu còn hưởng được hàng thế kỷ sau.

Chưa kể đến cái thiếu tế nhị ở thời điểm này.  Đồng ý rằng 40 năm trước đây, bộ đội cụ Hồ đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” và đã thành công rực rỡ.  Nhưng 40 năm sau, cả nước đều nhận ra rằng phải có “kinh tế thị trường” thì đất nước này mới ngoi lên bằng người được; và các chính sách của ta đã phản ánh sự thật đó: Nhà nước cũng phải đi mở doanh nghiệp (gọi là DNNN); tư bản VN đã tạo nên những “tỷ phú đô la” chứ không phải chỉ có biết hợp tác xã là tất cả; Mỹ đã thành đồng minh chiến lược của VN (hai chuyện đủ chứng minh điều này: Biển Đông và PTT); còn những “ngụy” ngày xưa nay cũng thành công khá ở xứ người và bây giờ đang đóng góp xây dựng đất nước, hay ít ra cũng gửi khoảng 10 tỷ USD hàng năm về nuôi người thân trong nước.

Vậy có cần khơi lại đống tro tàn, dương dương tự đắc với những đồng minh chúng ta đang cần lúc này?      

 

Câu chuyện hai dòng sông

Hôm vừa rồi ghé qua Cà Phê Thứ Bẩy ở Sài Gòn, tình cờ thấy một bác râu tóc bạc phơ kể câu chuyện về hai dòng sông; thấy hay nên ghi lại để bà con đọc chơi.

Dòng sông Tô Lịch của Việt Nam nổi tiếng trong lịch sử và văn học, chẩy từ Hồ Tây, vòng ra ngoại ô Hà Nội xưa, rồi đổ ra sông Hồng.   Người dân xưa đánh cá trên sông để sinh sống; thi sĩ ngồi thưởng trăng, uống ruọu, ngâm thơ… Ngay cả vua chúa cũng du thuyền đón gió mát trên sông Tô Lịch.  Người Pháp “thiết kế” thủ đô Hà Nội và bít đầu ra của sông Tô Lịch.  Từ đó, dân hai bên bờ vừa lấn chiếm dòng sông, vừa tuôn rác rưới, phế thải xuống sông…. Và ngày nay, sau bao nhiêu dự án trùng tu, sửa đổi, làm vệ sinh … Tô Lịch chỉ còn là một cái cống khổng lồ không có nắp.

Con sông kia ở bên thủ đô Hàn Quốc, cũng từng chảy lững lờ như Tô Lịch nhà mình ngày xưa, cho đến khi chính quyền HQ “chỉnh trang và kế hoạch hóa” đô thị mới, lấp con sông này để làm xa lộ cho xe hơi.  Cách đây khoảng 20 năm, một ông thị trưởng mới, tiếc cho dòng sông, nên đã huy động để tạo lại con sông cũ, dù phải xây xa lộ khác.

Ông này đã thành công và bây giờ con sông cũ đã trở lại, vẫn chảy lững lờ qua thủ đô, hai bên bờ có cỏ xanh, và công viên cho cả người dân lẫn du khách giải stress.  Ngay giữa một thủ đô toàn bê tông và kính.

Bác kể chuyện không nói ra, nhưng tớ thầm nghĩ biết đến bao giờ thủ đô Hà Nội mới có được một lãnh đạo có tâm và có tài để hồi sinh sông Tô Lịch?

 

“All the tea in China”

Anh ngữ có câu nói “all the tea in China” để chỉ một cái gì đương nhiên và hầu như vô tận.  Thành ngữ này có lẽ đã phát xuất từ thời thuộc địa vì Trung quốc là một nước sản xuất nhiều loại cũng như số lượng trà vào hàng đầu thế giới.

Hôm nọ tớ bay từ Sài Gòn ra Hà Nội trên chuyến bay 9:20 sáng của Việt Nam Airline.  Một chuyến bay bình thường thôi, ngồi ghế hạng phổ thông chật ních không còn một ghế trống.  Cũng là điều mừng cho VNA, nhiều khách thì càng tăng lợi nhuận và may ra đỡ bị áp lực tăng giá vé mãi.

Sau khi các cô cậu tiếp viên phát cho mỗi hành khách một cái “snack” –sandwich, chén      chè, và một gói hạt đậu—nước uống chỉ có hai loại: Coca hay nước suối.  Tớ ăn chén chè xong, thấy vị ngọt cần chút gì nóng và hơi đắng cho thăng bằng, mới vẫy một cậu tiếp viên nhờ mang cho ly trà nóng. 

Các cậu biết cậu này trả lời thế nào không?  “Dạ, không có trà ạ.  Chúng cháu không được cấp trà.”

Từ Thái Nguyên vào đến Bảo Lộc, không biết có bao nhiêu hectare trồng trà, và không biết hiện nay nước ta có bao nhiêu loại trà, bao nhiêu thương hiệu trà.  Và chắc chắn là những nhà sản xuất trà đều muốn tạo một thương hiệu “trà Việt Nam” chen chân với thế giới chứ.  Thay vì chỉ biết “all the tea in China” ta sẽ có “all the tea in Việt Nam” hay “in India” mới phải chứ.

Hãng hàng không quốc gia của ta, nơi khách thập phương sử dụng và tiếp cận với văn hóa Việt, lại không có thể góp một tay củng cố thương hiệu này bằng một chén trà hay sao?

Tin tức trong tháng
13/11/2014 | Ngọc Ha
1

TT - Hiện đã có đến 350 trường ÐH, CÐ có đơn đăng ký gia nhập Hiệp hội các trường ÐH, CÐ VN (VAU&C).
Là thành viên “trẻ” trong hệ thống hơn 600 hiệp hội hiện nay, Hiệp hội các trường ÐH, CÐ VN (VAU&C) được kỳ vọng sẽ mang đến những hiến kế, phản biện mạnh mẽ cho chính sách giáo dục ÐH, CÐ. Song chính những người sáng lập cũng không giấu những trăn trở, lo lắng cho việc vận hành một hiệp hội mới...

28/11/2014 | HẠNH NGÂN
2

88,22% đại biểu bỏ phiếu tán thành thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong phiên họp chiều ngày 28/11 của Quốc hội.
Với việc thông qua Nghị quyết này, sẽ thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

28/11/2014 | P. Thảo
3

Quốc hội thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông với kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo. Không có tổng số kinh phí cụ thể, Quốc hội đồng ý quyết định các khoản chi được nêu trong dự toán ngân sách hàng năm Chính phủ trình.

28/11/2014 | V.V. Thanh
4

TT - Luật giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua chiều 27-11. Trong số 412 đại biểu tham gia biểu quyết, chỉ có 274 đại biểu tán thành (tỉ lệ 55,13%).

13/11/2014 | NGÂN ANH
5

Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2014 diễn ra tối ngày 13/11.
Từ năm 1988 đến năm 2012, qua 12 đợt xét, Chủ tịch nước đã phong tặng 528 Nhà giáo nhân dân và 6735 Nhà giáo ưu tú. Riêng năm 2014, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng 39 Nhà giáo nhân dân và 680 Nhà giáo ưu tú.
Trong số 39 nhà giáo nhân dân được phong tặng hôm nay có 2 nhà giáo là nữ.

21/11/2014 | H.H.
6

(Dân trí) - Ngày 20/11, trường ĐH Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập (1959 – 2014). Tham dự buổi lễ có ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các vị khách quốc tế đến từ ĐSQ Liên bang Nga, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Pháp… cùng đông đảo thầy cô giáo, sinh viên nhiều thế hệ của trường.

07/11/2014 | Hồng Hạnh
7

(Dân trí) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo xúc tiến hợp tác đầu tư vào Trường Đại học Việt Nhật - ĐHQGHN (VNU-VJU), tại Tokyo, Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho biết, VNU - VJU nhận được sự quan tâm và hỗ trợ đặc biệt của hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. VNU - VJU không chỉ mang lại tiềm năng về hiệu quả kinh tế mà còn góp phần phục vụ các nhu cầu nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

18/11/2014 | N. Hà
8

TT - Đây là điểm thay đổi mới nhất trong quy chế đào tạo sau ĐH tại ĐH Quốc gia Hà Nội được ĐH Quốc gia Hà Nội công bố ngày 17-11.
Theo quy chế cũ, giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội mới là người có thẩm quyền công nhận học vị tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án.

09/11/2014 | Đàn Chim Việt
9

Ngày 30.10, các ủy viên của Hội đồng Trường học khu vực Toronto (TDSB) – nơi giám sát các trường học công với 232.000 học sinh – đã tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử của Trung Quốc, sau khi các phụ huynh, giáo viên và học sinh phản đối bất kỳ sự liên quan nào của Chính phủ Trung Quốc vào các trường học ở Canada. Là một cơ quan phi lợi nhuận do Chính phủ TQ tài trợ, Viện Khổng Tử đã được hy vọng là cầu nối trao đổi văn hóa và ngôn ngữ, nhưng TDSB đã nhận thấy “mối quan hệ đối tác này không phù hợp với các giá trị của cộng đồng” – như lời ủy viên TDSB Pamela Gough phát biểu.
Trong bài viết với tựa đề “Trung Quốc có phạm tội chủ nghĩa đế quốc văn hóa” trên CNN hôm 21.10, ông Tao Xie – giáo sư khoa học chính trị tại Trường Anh ngữ và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Nghiên cứu nước ngoài Bắc Kinh – cho biết, “đến cuối năm 2013, đã có 440 Viện Khổng Tử và 646 lớp học Khổng Tử ở 120 nước. Kể từ khi thành lập Viện Khổng Tử đầu tiên ở Hàn Quốc năm 2004, con số này thực sự là “bước đại nhảy vọt” về văn hóa nhằm vào người nước ngoài” – Giáo sư Tao Xie viết.

03/11/2014 | HẠ ANH
10

Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa chỉ thị các địa phương chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Nhiều lệnh “cấm” đã được ban hành.
Cụ thể, đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày: Hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; Nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; Khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp.
Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học.
Không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ.

27/11/2014 | NGUYỄN HIỀN
11

Tới đây, văn bằng, chứng chỉ bắt buộc phải có thêm địa danh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ đặt trụ sở chính). Dự thảo lần 2 về Quy chế Quản lý văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân vừa Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến.
Theo dự thảo, quy định chung về nội dung văn bằng, chứng chỉ, nội dung chung của các văn bằng, chứng chỉ gồm 8 mục:

05/11/2014 | Vĩnh Hà
12

TT - Chỉ thị ngày 3-11 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về chấn chỉnh dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học nhắc lại nhiều “điều cấm” mà bộ đã ban hành trong nhiều văn bản trước đó.

16/11/2014 | Ngọc Hà – L.C.
13

TT - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Truyền thông về xây dựng xã hội học tập” đến năm 2020.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tuyên truyền, tập huấn, phổ biến về vai trò, mục đích, ý nghĩa, nội dung, thực trạng về xây dựng xã hội học tập và các hình thức học tập suốt đời đối với từng đối tượng.

10/11/2014
14

Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản số 860/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chấp thuận cho Sở GD-ĐT TPHCM triển khai Chương trình dạy Toán - Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam tại các trường công lập do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn.
Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý giáo dục hàng đầu trên cả nước.

10/11/2014 | Vinh Hương
15

Giám đốc Sở GD-ĐT 5 thành phố lớn nhất cả nước đều băn khoăn với việc Bộ không cho phép thi tuyển vào lớp 6. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, chính việc này khiến ngành giáo dục là thủ phạm gây nên tình trạng dạy thm, học thêm.

11/11/2014 | Lê Kiên
16

TTO - Giải trình tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về nội dung đề án đổi mới chương trình, SGK chiều 11-11, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có bài phát biểu mà ông khẳng định “rất thành tâm”.

11/05/2014 | NGÂN ANH
17

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Bộ GD-ĐT nhận được chất vấn về việc quyết toán ngân sách cho giáo dục, đào tạo đạt 93,6%.
Bộ trưởng Phạm vũ Luận cho biết: Theo báo cáo cáo trình Quốc hội, năm 2012, chi sự nghiệp giáo dục đào tạo đạt 93,5% dự toán, số còn lại 8.784 tỷ đồng được chuyển sang năm 2013 để thực hiện các chính sách phát triển giáo dục đào tạo theo quy định. Số dư này bao gồm cả của địa phương và trung ương, trong đó số dư kinh phí của Bộ GD-ĐT là: 287,3 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng số dư kinh phí của toàn ngành.

24/11/2014 | Hoàng Mạnh
18

(Dân trí) - Hai phương án nghỉ Tết Âm lịch 2015 trong 7 ngày và 9 ngày đã được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện nghỉ Tết Âm lịch theo phương án 9 ngày vì phù hợp với phong tục, tập quán người Việt Nam, nguyện vọng của người lao động.

18/11/2014 | Nguyễn Loan
19

186 nhà giáo trẻ là những gương mặt tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của thành phố đã được Thành đoàn TP HCM trao tặng bằng khen.
Đây là những gương mặt tiêu biểu nhất được chọn trong số 550 hồ sơ do 66 trường gửi về. Trong đó có 45 giáo viên mầm non và tiểu học, 71 giáo viên THCS và THPT - trung tâm giáo dục thường xuyên, 8 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 62 giảng viên cao đẳng và đại học.

27/11/2014 | NGÂN ANH
20

Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Nguồn nhân lực Hungary phối hợp tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các đại học Việt Nam – Hungary lần thứ nhất tại Hà Nội.
Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (từ 27-29/11) nhằm triển khai thực hiện thỏa thuận giữa hai nước sau cuộc họp Nhóm công tác chung về giáo dục Việt Nam – Hungary năm 2013 tại Hungary, và cuộc họp về Giáo dục, đào tạo và dạy nghề Việt Nam – Hungary tháng 2 năm 2014 tại Hà Nội.
Được biết, từ những năm 1950 cho đến cuối những năm 1990, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam gần 4000 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư.

17/11/2014 | Hồng Hạnh
21

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh/thành phố.
Báo cáo gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 15/12/2014.

12/11/2014 | Hồng Hạnh
22

(Dân trí) - Ngày 12/11, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt ở Đông Á (BESETOHA) lần thứ 16 với chủ đề “Vai trò của giáo dục đại học đối với tăng trưởng xanh” (The Role of Universities in Green Growth).
Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt ở Đông Á - bao gồm ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), ĐH Tokyo (Nhật Bản) và ĐH Quốc gia Hà Nội (Việt Nam) (gọi tắt là BESETOHA) được luân phiên tổ chức hàng năm tại bốn quốc gia. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức lần đầu tiên năm 1999 tại Nhật Bản.

28/11/2014 | Nguyen Duy
23

Sau phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp) - Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

29/11/2014 | Minh Tien
24

Các hiện vật được trưng bày được chia theo các loại hình tiêu biểu như trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, trang sức, đồ minh khí (chôn cùng người chết). Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến những chiếc trống đồng, biểu tượng nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Những chiếc trống đồng Đông Sơn chính là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp phát triển, thể hiện kỹ thuật luyện kim đồng thau bản địa, nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất Đông Nam Á.
11 trống đồng cùng hàng trăm cổ vật thời đại văn hóa Đông Sơn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

13/11/2014 | Trần Huynh
25

TT - ÐHQG TP.HCM công bố, trao giải và khai mạc triển lãm cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc đô thị đại học” vào sáng 14-11 tại thư viện trung tâm ÐHQG TP.HCM, khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Ðức, TP.HCM.
Theo ban tổ chức, cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc đô thị đại học” là hoạt động chào mừng 20 năm ÐHQG TP.HCM xây dựng, phát triển và hội nhập nhằm ghi lại những khoảnh khắc thể hiện dấu ấn 20 năm xây dựng và phát triển của ÐHQG TP.HCM.

NOV. 28, 2014
26

Of the 43 photographs of the Lubavitch community currently on display in the library’s main branch at Grand Army Plaza, that print of Rabbi Schneerson on Hanukkah most hints at the story behind the images, the story of Chabad Hasidim’s improbable portraitist.
When the photo was taken in 1988, Ms. Nishio had been visiting the Lubavitch movement’s home base in Crown Heights, Brooklyn, for only a few months. Ms. Nishio went on to photograph the community until the grand rabbi, known to followers as the rebbe, died in 1994. The library’s exhibit, which remains on display until February, provides an intimate and expansive view of the Lubavitchers.

10-11 November 2014, Ho Chi Minh City
27

Vietnam is one of the 22 high TB burden countries. The most recent survey in the country shows a prevalence of TB 1.6 times higher than previously estimated, indicating that a significant number of cases remain undiagnosed. Effective TB control does require early diagnosis and immediate initiation of treatment, but delays in diagnosis still represent one of the most difficult barriers in patients’ management. Furthermore, no data on children TB are available in Vietnam, meaning that the impact of the disease on children is not fully understood.
Meeting accommodation: Saigon Hotel Corporation.
Address 41-47 Dong Du St, Dist 1, Ho Chi Minh City,

28

Associate Professor or Assistant Professor in Comparative Sociology with special focus on Asia

The Department of Sociology, Faculty of Social Sciences, University of Copenhagen, invites applications for a position as Associate Professor or Assistant Professor in Comparative Sociology with a special focus on Asia. The position is available from April 1st, 2015 or as soon as possible thereafter.
The department will consider applications from candidates with different profiles within Comparative Sociology and different geographical specializations in the Asian region. However, we are particularly interested in candidates with a strong profile in comparative political sociology and/or comparative economic sociology.
Additional information can be obtained from Head of Department, Janus Hansen,jh@soc.ku.dk, +45 35336937.
The deadline for applications including enclosures is January 18th, 2015
Please note: Applications sent by regular mail will not be accepted.

29

3-year Post Doc Fellowship in the History of Photography

The Department of Art at Smith College invites applications for a three-year postdoctoral fellowship in the History of Photography, to begin July 1, 2015. We welcome candidates working in any region of the world and photographic medium. Candidates must have a Ph.D. in hand or all requirements for the degree fulfilled by the start of the appointment.
Submit application at http://apply.interfolio.com/27997 with a letter of application, curriculum vitae, names and contact information for three confidential references, and a writing sample (approximately 25 pages: an article, dissertation or book chapter). Review of applications will begin January 8, 2015

NOV. 28, 2014 | ELIAS E. LOPEZ
30

Roberto Gómez Bolaños, a Mexican comic actor, writer and director familiar around the world for his characters El Chavo and El Chapulín Colorado, died on Friday in Cancún. He was 85.
Mr. Bolaños, an engineer by training, started writing at an advertising agency when he was 22. He soon tried his hand at radio, television and movie scripts. Success followed, and by the late 1950s he had begun contributing to the highest-rated television shows in Mexico. It was during that time that he earned his nickname, Chespirito, or Little Shakespeare, from Agustín P. Delgado, the television and film director.

by Billie Owens on November 15, 2014
31

The sick and disabled children of Vietnam lost a great champion on Nov. 2 -- an East Pembroke resident who worked tirelessly to help them. Kenneth J. Herrmann Jr. died that day at his home after a short battle with pancreatic cancer. He was 71.
He was an associate professor in the Department of Social Work for the College at Brockport for 37 years. He was also a Vietnam veteran who earned a Bronze Star medal for service in the Army from 1968-1969.
The devastation of Vietnam and victims of the highly toxic chemical herbicide Agent Orange were at the core of his lifetime passion for social work, education and aiding children. He leaves behind the Brockport Vietnam Program, a global, service-learning, study-abroad program, for which he served as director. In addition, he leaves the Danang QuangNam Fund, Inc., (also known as Agent Orange Children), a nongovernmental organization that provides monetary support for direct aid efforts in Vietnam.

01/11/2014 | Hà Đình Nguyên
32

Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh tại Xẻo Đước, làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (bây giờ là Kiên Giang). Cái tên Kiên Giang trở nên quen thuộc trên thi đàn miền Nam từ năm 1955. Ngoài làm thơ, viết tuồng, soạn bài vọng cổ - ông còn là ký giả kịch trường của nhiều tờ báo ở Sài Gòn như: Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lẽ Sống, Lập Trường, Điện Tín... với bút danh Hà Huy Hà. Ông từng là Trưởng ban Mây Tần (chuyên mục thơ ca) trên Đài phát thanh Sài Gòn và đã bị bắt giam khi tham gia Ngày ký giả ăn mày để phản đối luật báo chí cải cách của chính quyền Sài Gòn (1974).
Nhắc đến nhà thơ Kiên Giang, nhiều người thuộc lứa trung niên ở miền Nam vẫn còn nhớ đến bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím do ông sáng tác năm 1958, sau đó nhạc sĩ Huỳnh Anh đã phổ nhạc bài thơ này.
Giới mê cải lương thì nhớ mãi những vở tuồng: Người vợ không bao giờ cưới (tức Sơn nữ Phà Ca) hay Áo cưới trước cổng chùa và hàng trăm bài vọng cổ khác do ông là soạn giả (dưới bút danh Hà Huy Hà). Chính nhờ đóng vai Sơn nữ Phà Ca mà cô đào trẻ Thanh Nga được trao giải Thanh Tâm năm 1958 và bước lên ngôi vị “Nữ hoàng sân khấu”.
“Trái tim là một con tàu suốt
Chẳng có sân ga trạm cuối cùng”.

NOV. 27, 2014 | MARILYN STASIO
33

Phyllis Dorothy James White, who became Baroness James of Holland Park in 1991 but who was better known as “the Queen of Crime” for the multilayered mystery novels she wrote as P. D. James, died on Thursday at her home in Oxford, England. She was 94.
Ms. James was one of those rare authors whose work stood up to the inevitable and usually invidious comparisons with classic authors of the detective genre, like Agatha Christie, Dorothy L. Sayers and Margery Allingham. A consummate stylist, she accumulated numerous awards for the 18 crime novels produced during a writing career spanning a half-century. Seven of her mysteries were adapted for the public-television series “Mystery!” and were broadcast in Britain and the United States.

23/11/2014 | Phạm Vũ
34

TTO - Sáng Chủ nhật ngày 23-11, những người làm báo Tuổi Trẻ, những người làm báo ở TP.HCM hết sức bàng hoàng khi nghe tin nhà báo Võ Như Lanh, nguyên tổng biên tập của báo Tuổi Trẻ đã qua đời.
Được coi là người đầu tiên nắm giữ chức danh tổng biên tập ở Tuổi Trẻ (từ 1977 đến 1983), nhà báo Võ Như Lanh là người đã xác lập và dẫn dắt, xây dựng báo Tuổi Trẻ theo ba giá trị cốt lõi: thông tin nghị luận, bình luận, phản biện; phục vụ người đọc; và làm báo một cách chuyên nghiệp. Ba giá trị ấy, cho đến bây giờ, vẫn là cốt lõi của báo Tuổi Trẻ.
Sau báo Tuổi Trẻ, nhà báo Võ Như Lanh còn mang tinh thần làm báo ấy của mình đến những tờ báo khác: Ủy viên ban biên tập, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng từ 1985-1990; Tổng biên tập nhóm Thời báo kinh tế Sài Gòn từ 10-1990 - 7-2006. Và sau đó, ông giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Thời báo kinh tế Sài Gòn cho đến khi qua đời.

NOV. 3, 2014 | NOAM COHEN
35

Tom Magliozzi, who with his younger brother, Ray, hosted “Car Talk,” for years the most popular entertainment show on NPR, died on Monday at his home outside Boston. He was 77.
The weekly hourlong “Car Talk,” which was broadcast for more than 30 years, was ostensibly about mechanical problems with cars, but the format was mainly an excuse for the brothers, known as Click and Clack, to banter with callers about the mysteries of life, as viewed through an automotive prism: Why does a car suddenly stop working? Should I give this clunker one more chance? Why won’t my husband pay for a mechanic to fix our car?

NOV. 20, 2014 | BRUCE WEBER
36

Mike Nichols, one of America’s most celebrated directors, whose long, protean résumé of critic- and crowd-pleasing work earned him adulation both on Broadway and in Hollywood, died on Wednesday in Manhattan. He was 83.
Dryly urbane, Mr. Nichols had a gift for communicating with actors and a keen comic timing, which he honed early in his career as half of the popular sketch-comedy team Nichols and May. An immigrant whose work was marked by trenchant perceptions of American culture, he achieved — in films like “The Graduate,” “Who’s Afraid of Virginia Woolf?” and “Carnal Knowledge” and in comedies and dramas on stage — what Orson Welles and Elia Kazan but few if any other directors have: popular and artistic success in both film and theater.

30/11/2014 | Thái Bá Dũng
37

TT - Một “tài sản” quý của ngành văn hóa Tây nguyên đã về với Atâu Ba Na (ông bà tổ tiên) ở tuổi 49. Anh Lê Hữu Phong là người nghiên cứu văn hóa Ba Na có tiếng, cha đẻ của cuốn từ vựng tiếng Việt - Ba Na đầu tiên và nhiều công trình nghiên cứu về dân tộc Ba Na có giá trị.
Lê Hữu Phong ra đi đã để lại nhiều công trình lớn cho ngành văn hóa của Tây nguyên, trong đó có những tài liệu quý như Từ vựng Việt - Ba Na dày gần 1.000 trang sách, cuốn Tài liệu tiếng Ba Na, Luật tục và lễ hội...
Đồng bào Ba Na thương Lê Hữu Phong như con cháu và gọi anh là “Kon Kinh Ba Na” - nghĩa là người Kinh nhưng con của đồng bào Ba Na.

NOV. 18, 2014 | THE ASSOCIATED PRESS
38

Ken Takakura, who became a star playing outlaws and stoic heroes in scores of Japanese films, died on Nov. 10 in Tokyo. He was 83.
Mr. Takakura, who because of his quiet, brooding screen presence was often compared to Clint Eastwood, made his screen debut in 1956 and rose to fame in the 1960s in crime films like“Abashiri Prison” (1965). Much of his appeal stemmed from his image as a hero fighting authority figures on behalf of the poor and weak.
He won a best-actor award at the Montreal World Film Festival for his performance in the 1999 film “Railroad Man.” He also appeared in a number of American movies, notably as a police inspector in Ridley Scott’s "Black Rain” (1989), with Michael Douglas, and — in one of his rare comic roles — as a coach in “Mr. Baseball” (1992), with Tom Selleck. His first major American movie was “The Yakuza” (1974), directed by Sydney Pollack and starring Robert Mitchum.

Nghiên cứu tư liệu
07/2014 | Vietnam Education Foundation
1

BÁO CÁO CẬP NHẬT GIÁO DỤC ÐẠI HỌC

Những quan sát về giáo dục Đại học trong các ngành
Khoa Học Nông Nghiệp, Kỹ Thuật Xây Dựng,
Khoa Học Máy Tính, Điện - Điện Tử - Viễn Thông,
Khoa Học Môi Trường, Vật Lý và Giao Thông Vận Tải
tại một số trường Đại học Việt Nam

25/11/2014 | Ngọc Hà
2

TT - Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong báo cáo chính thức đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được công bố ngày 24-11 tại hội thảo quốc tế về hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng sau gần 20 năm đạt tăng trưởng cao trên 7%, mức tăng trưởng của Việt Nam đang bị tụt xuống mốc 5% và nguy hiểm là các nguồn giúp tăng trưởng trước đây bị suy giảm mạnh, làm đất nước tăng nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

16/11/2014 | Trinh Nguyễn
3

(TNO) Kỹ thuật đúc đồng tinh diệu, tâm thức chống Hán Đường đồng hóa. Điều đó đã làm nên những đồ đồng đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn.

30/11/2014 | Ha Phuong
4

Trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ học ở Thạch Lạc (huyện Thạch Hà) các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Viện khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện nhiều hiện vật thời tiền sử thuộc hậu kỳ đá mới có niên đại trên 4000 năm …

18/11/2014 | Quỳnh Trang
5

Ngày 10/11, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã gửi công văn lên Thủ tướng báo cáo niên đại, tên gọi, giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di tích tâm linh đặc biệt thời Lý ở lô E khu vực khai quật khảo cổ học Vườn Hồng (Ba Đình, Hà Nội). Nửa tháng trước, khu di tích này được Viện Khảo cổ học ra văn bản 'kêu cứu' vì bị đơn vị thi công công trình xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình (mới) xâm hại.

12/11/2014 | Hồng Hạnh
6

(Dân trí) - Theo thông tin mới nhất về Bảng Xếp Hạng và Báo Cáo mức độ thông thạo Anh ngữ của các quốc gia không nói tiếng Anh bản địa của EF EPI được công bố ngày hôm nay 12/11/2014 cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia tiến bộ nhanh nhất trên toàn cầu về khả năng tiếng Anh.

Nov. 12, 2014 | Alexandra Sifferlin
7

A recent study found that bilingual speakers may actually process information more efficiently than single-language speakers. Researchers from Northwestern University, in Illinois, and the University of Houston used brain imaging to look at bilingual people’s comprehension abilities. They found that people who speak more than one language are comparatively better at filtering out unnecessary words than monolinguals, whose brains showed that they had to work harder to complete the same mental tasks.

05/11/2014 | Martha Lincoln
8

Ethnographic interviews and experiences of receiving care in both public and private facilities inform my argument that the privatization of Vietnam’s health sector produces racialized, classed, and citizenship-linked forms of medical profit, privilege, segregation, and risk – trends visible both in recent debates over US health policy and recent episodes of pandemic disease outbreak.

14/11/2014 | VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
10

Vụ trưởng Lưu Thị Hồng (Bộ Y tế) cho biết qua tư vấn tại các cơ sở y tế cho thấy đang xuất hiện nhiều trường hợp thanh niên, vị thành niên có quan hệ cùng lúc với nhiều bạn tình.
Trong đó có những trường hợp nữ vị thành niên có thai nhưng không rõ cha của thai nhi là ai trong số các bạn tình, phải đợi em bé sinh ra và giám định ADN để xác định

21/11/2014 | BY KATE KELLAND
11

(Reuters) - - A banking culture that implicitly puts financial gain above all else fuels greed and dishonesty and makes bankers more likely to cheat, according to the findings of a scientific study.

02/11/2014 | Phạm Thị Ly
12

Kiến thức sinh viên học trong trường là những điều họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp, còn những gì thực sự cần thiết mà thế giới việc làm đòi hỏi cho công việc tương lai thì họ lại không được học.
Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện với quy mô gần 3.000 cựu sinh viên (SV) thuộc 5 khóa khác nhau (ra trường từ năm 2006- 2010) của 3 ĐH: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số đáng báo động.

24/11/2014 | Directorate for Science, Technology and Innovation
13

HANOI, November 24, 2014 — Vietnam needs to rely more on productivity gains driven by innovation in order to boost its economy, according to a new joint study by the World Bank and Organization of Economic Co-operation and Development (OECD) released today.
Despite its historical record of scientific research, Vietnam’s innovation system in the modern sense is only emerging. Current science, technology and innovation capabilities are weak and the national innovation system is in a nascent and fragmented state. Research and development both in the public and private sectors still have a lot of room for improvement, according to the report.

21/11/2014 | Hồng Hạnh
14

(Dân trí) - Ngày 20/11, Liên minh ChildFund đã công bố Cuộc khảo sát “Tiếng nói nhỏ Ước mơ lớn” được liên minh ChildFund tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng Năm tới tháng Bảy năm 2014. Trẻ em từ 10 đến 12 tuổi từ 44 quốc gia trên toàn cầu đã tham gia cuộc khảo sát này.
Ông Andrew Johnson, Tổng thư ký lâm thời của liên minh ChildFund cho biết, trẻ em tại các quốc gia như Lào (70%) và Việt Nam (42%) có xu hướng nhận định việc được học hành là một quyền của trẻ em; tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển như Canada và Đức - nơi chỉ có 2% trẻ em đồng tình với quan điểm này.

Nov. 30, 2014
15

This trend includes the 100 higher-education institutions whose leaders attended a widely publicized White House summit in January and signed a pledge to expand the opportunities for low-income students to go to college. In fact, the private universities in that group collectively raised what the poorest families pay by 10%, compared to 5% for wealthier students, according to the analysis byThe Dallas Morning News and The Hechinger Report based on information the U.S. Department of Education released this month covering 2008-09 to 2012-13, the most recent period available.

November 2014
16

Our most recent testing and analysis gave us some new information on the risk of arsenic exposure in infants and children through rice cereal and other rice products. We looked at data released by the Food and Drug Administration in 2013 on the inorganic arsenic content of 656 processed rice-containing products. We found that rice cereal and rice pasta can have much more inorganic arsenic—a carcinogen—than our 2012 data showed. According to the results of our new tests, one serving of either could put kids over the maximum amount of rice we recommend they should have in a week. Rice cakes supply close to a child's weekly limit in one serving. Rice drinks can also be high in arsenic, and children younger than 5 shouldn’t drink them instead of milk. (Learn the new rice rules about weekly servings.)

NOV. 25, 2014
17

Each week in Bookends, two writers take on questions about the world of books. This week, Francine Prose and Benjamin Moser discuss the great Russian writers and their approach to the human heart and soul.

20/11/2014 | Diane Ravitch
18

Who’s Afraid of the Big Bad Dragon? Why China Has the Best (and Worst) Education System in the World
by Yong Zhao
Jossey-Bass, 254 pp., $26.95
At this juncture comes the book that Barack Obama, Arne Duncan, members of Congress, and the nation’s governors and legislators need to read: Yong Zhao’s Who’s Afraid of the Big Bad Dragon? Why China Has the Best (and Worst) Education System in the World. Zhao, born and educated in China, now holds a presidential chair and a professorship at the University of Oregon. He tells us that China has the best education system because it can produce the highest test scores. But, he says, it has the worst education system in the world because those test scores are purchased by sacrificing creativity, divergent thinking, originality, and individualism. The imposition of standardized tests by central authorities, he argues, is a victory for authoritarianism. His book is a timely warning that we should not seek to emulate Shanghai, whose scores reflect a Confucian tradition of rote learning that is thousands of years old. Indeed, the highest-scoring nations on the PISA examinations of fifteen-year-olds are all Asian nations or cities: Shanghai, Hong Kong, Chinese Taipei, Singapore, Korea, Macao (China), and Japan.

DECEMBER 4, 2014 ISSUE | Jonathan Zimmerman
19

The Teacher Wars: A History of America’s Most Embattled Profession
by Dana Goldstein
Doubleday, 349 pp., $26.95
Building a Better Teacher: How Teaching Works (and How to Teach It to Everyone)
by Elizabeth Green
Norton, 372 pp., $27.95
Getting Schooled: The Reeducation of an American Teacher
by Garret Keizer
Metropolitan, 302 pp., $27.00
Of course, our best teachers can and do make a difference in the lives of our least privileged children; you can see Keizer doing that, in small ways, in Getting Schooled, his fine book. Yet every piece of credible social science confirms that, notwithstanding such efforts, schools cannot overcome the crippling effects of poverty. Telling teachers that they can represents yet another insult to their intelligence, all in the guise of bucking them up. Ditto for the perennial promotions of digital technologies, which promise to “revolutionize” teaching very soon. Similar claims greeted film projectors, radio, and television in their own times; in 1922, for example, Thomas Edison predicted that motion pictures would replace textbooks within a few short years.
Computers have a much wider range than these earlier machines, of course, and some American teachers have obviously put them to very good use. But the countries that are outpacing us at school, like Japan and Finland, are noticeably low-tech in their classrooms; they recognize that it’s the teacher that counts, not the technology. In America, by contrast, we’re always looking for the next gadget to improve—and, one suspects, to supplant—our beleaguered teaching profession.

13/11/2014 | By James Risen, Houghton Mifflin Harcourt Publishing | Book Excerpt
20

Perhaps the administrations of George W. Bush and Barack Obama have been prosecuting James Risen for not revealing a confidential source not so much because "classified information" was disclosed, but rather because Risen has a long record of detailing government incompetence and misdeeds. In PAY ANY PRICE, Risen uncovers fraud and malfeasance of massive financial proportions during the war in Iraq – and the cancerous spread of the surveillance-industrial state.

Ý kiến nhận xét
03/11/2014 | XUÂN TRUNG
1

(GDVN) - Ngày 18/5/2004 là ngày quan trọng trong dấu ấn cho sự ra đời của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam, khi chính thức được Bộ Nội vụ công nhận.
Nhưng trước đó cũng phải kể đến từ ngày 19/8/2002 tại Hà Nội, một nhóm nguyên cán bộ Bộ GD&ĐT đã nghỉ hưu, trong đó có những người từng giữ cương vị cao như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Công đoàn …đã cùng nhau trao đổi và đi đến thống nhất thành lập Ban vận động Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.

07/11/2014 | NGUYỄN KHÁNH TRUNG
2

Một điều quan trọng không thấy trình bày trong các văn bản liên quan đến việc "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” là việc cải cách hình thức tổ chức hành chính và nhân sự trong hệ thống giáo dục.

02/11/2014 | M. Khanh
3

Quỹ giáo dục VN (VEF) tối 31.10 đã công bố báo cáo “Những quan sát về giáo dục ĐH trong các ngành khoa học nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng, khoa học máy tính, điện - điện tử - viễn thông, khoa học môi trường, vật lý và giao thông vận tải tại một số trường ĐH VN”.

22/11/2014 | Hồ Thu
4

Được biết, cả nước có khoảng 1,2 triệu giáo viên - giảng viên, trong đó giáo viên phổ thông- mầm non chiếm số lượng áp đảo. Tuy nhiên, trong số 39 thầy, cô phong tặng danh hiệu NGND năm nay thì giới phổ thông - mầm non chỉ có hai đại diện.
Trong số 680 cá nhân được phong tặng danh hiệu NGƯT năm nay, có 381 người đang làm việc ở các đơn vị thuộc Sở GD-ĐT các địa phương. Có rất nhiều địa phương hoàn toàn không có bóng dáng nhà giáo nào được phong danh hiệu NGƯT đợt 2014.

01/11/2014 | Võ Tòng Xuân
5

Chừng nào học sinh, sinh viên VN có năng lực cạnh tranh với thế giới?
Người quen của tôi có con học trung học thuộc dạng xuất sắc. Sau khi con nhận học bổng ở ĐH Sydney (Úc), người cha lên đường theo con để quan sát môi trường học tập mới. Khi về nước, anh than rằng, phải qua bên đó mới thấy học sinh ta lép vế. Nhất là so về độ hoạt bát, linh hoạt.

19/11/2014 | Mặc Lâm, RFA
6

Bây giờ, từ các cán bộ nhà nước cho đến các cơ quan báo chí, người ta sợ bị “mất ghế” cho nên người ta không dám dũng cảm để nói lên sự thật mặc dù sự thật đó rất có lợi cho đất nước.
Nghị quyết của đảng, của chính phủ, quốc hội đang đặt vấn đề tham nhũng lên hàng đầu. Thế nhưng khi đặt bút viết chống tham nhũng của các vụ lớn thì các nhà báo rất e ngại, rất sợ, chùn tay. Điều đó làm cho tham nhũng hoành hành và dẫn đến nhiều hệ quả của đất nước.
Vấn đề nợ công, nợ xấu, những vấn đề mà cả đất nước và rất nhiều người dân quan tâm thì không làm được. Tôi nghĩ không phải là các nhà báo kém, thiếu chuyên nghiệp nhưng mà người ta ngại. Lãnh đạo các tờ báo thì sợ “mất ghế. Còn phóng viên thì ngại từ kiểm duyệt.
Tôi nghĩ nền báo chí như thế nó rất có hại, tai hại cho một đất nước đang phát triển. Sự công khai minh bạch của báo chí giúp cho sự phát triển của đất nước rất nhiều.

16/11/2014 | Quốc Linh
7

TT - Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan thanh niên thi đua dạy tốt, học tốt lần 2-2014, nhiều tọa đàm, hoạt động đã được mở để cả người dạy lẫn người học cùng đi tìm phương pháp dạy, học tốt nhất.
Xuyên suốt trong các diễn đàn ấy, ước mong gặp được người thầy giỏi, biết ứng dụng phương pháp mới trong giảng dạy và tìm thấy học trò ngoan biết chủ động, sáng tạo trong quá trình học đã cùng hội ngộ ở nhiều ý kiến phát biểu.

17/11/2014 | VĂN CHUNG
8

Lâu nay việc đào tạo giáo viên vẫn dựa trên quan điểm cung cấp kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật nhất định để sau đó người thầy thực hiện như một công việc, quy trình. Trong khi đổi mới giáo dục đòi hỏi đào tạo con người có hệ thống giá trị phù hợp với nghề dạy học. Từ đó giáo viên có thể tự cập nhật, tự phát triển được trước những thay đổi trong giáo dục.

13/11/2014 | Ngọc Đông
9

TT - "Ở Việt Nam trí thức mất quá nhiều thời gian vào tìm kiếm các bằng cấp nên đầu tư cho sáng tạo còn thấp. Việt Nam có thể học Thụy Điển ở tinh thần sáng tạo, khuyến khích sáng tạo".
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, viện trưởng Viện Khoa học công nghệ phát biểu tại hội thảo “Tinh thần sáng tạo” tổ chức ở TP.HCM sáng 11-11.

18/11/2014 | Trần Hinh
10

Bản thân tôi, phải đến tận khi chính thức hoàn tất gần 40 năm sự nghiệp của mình, mới tìm được câu trả lời tạm coi là có thể chấp nhận được: làm nghề thầy giáo với người này có thể là dễ, nhưng với một số người khác thì đúng là khó. Nói dễ bởi nhìn bề ngoài, so với nhiều nghề nghiệp khác, nghề nhà giáo không cần đến "cơ bắp”, công việc có vẻ “nhàn nhã”, “ăn trắng, mặc trơn”: không phải lao động chân tay, không phải đến công sở hàng ngày, được nhiều người trong xã hội trọng vọng” (không “trọng vọng” sao được gọi là thầy giáo?
Nhưng làm nghề giáo cũng thật khó. Bởi lẽ, một khi đã chấp nhận công việc này, cũng có nghĩa phải chấp nhận sự hi sinh: người ta không thể giàu có khi làm nghề thầy giáo (trừ một số người giỏi giang, xuất chúng). Trong dân gian từ lâu đã tồn tại câu cửa miệng “phi thương bất phú”.

18/11/2014 | Thanh Y
11

"Các cô giáo lương thấp đã có chồng lo, nhưng tôi là con trai, là trụ cột gia đình. Vì thế, tôi cũng như bao thầy giáo trẻ khác đành ngậm ngùi nhìn người yêu lên xe hoa với những chàng trai khác mà chưa chắc họ đã yêu, nhưng họ có nhiều tiền hơn", thầy giáo Thanh Y viết.

07/11/2014 | Hoài Nam
12

(Dân trí) - Ở nhiều trường đại học, không khó để thấy các nữ sinh mặc những chiếc áo mỏng tang, áo ren hở hang... phản cảm đến mức gây bối rối cho người đối diện.

15/11/2014 | Ngọc Hà
13

Một thạc sĩ từ nước ngoài về nước giảng dạy phổ thông, dẫn dắt đội tuyển tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tham gia các cuộc thi khoa học quốc tế, đạt được một số thành tích lại bị trượt kỳ thi tuyển dụng vào biên chế chính thức.
Nhưng người bị loại khỏi hệ thống viên chức thủ đô ấy vừa được mời vào vị trí phó hiệu trưởng một trường THPT ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

OCT. 31, 2014 | Suki Kim
14

I taught them how to speak English, these children unaware of the world outside. Yet I hope they have forgotten everything and have simply become soldiers of the regime. I do not want to imagine what might happen if they retained my lessons, remembered me, began questioning. I cannot bear the idea that any of my students might end up somewhere dark and cold, in one of the gulags. The thought keeps me awake at night still.

Trà dư tửu hậu
13/10/2014 | Nguyễn Hùng
1

(Dân trí) - Mặc dù một số phụ huynh vẫn chưa tán thành với việc các quỹ mà Ban phụ huynh đưa ra nhưng Trường tiểu học thị trấn Lâm (huyện Ý Yên, Nam Định) vẫn quyết định triển khai. Bức xúc với cách làm của nhà trường, các phụ huynh đã gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng.

29/10/2014 | Đ.Nguyên - M.Luân - X.Phương - T.Vạn
2

Có đến 33,7% phụ huynh cho biết con họ không dám đi vệ sinh trong trường học vì quá bẩn. Đây là kết quả khảo sát phụ huynh của 20 trường tiểu học, THCS và THPT ở 9 quận, huyện tại TP.HCM trong tháng 10 năm nay do PV Báo Thanh Niên thực hiện.

15/11/2014 | Tr. Đặng
3

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM vừa tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho 356 thạc sĩ và 32 tiến sĩ thuộc 38 chương trình đào tạo sau ĐH; đồng thời làm lễ khai giảng cho 433 học viên cao học, 68 nghiên cứu sinh vừa trúng tuyển bậc đào tạo sau ĐH năm 2014.

11/11/2014 | NGÂN ANH
4

Lễ công bố quyết định thành lập và cấp phép hoạt động cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội diễn ra ngày 11/11.
Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập cấp phép hoạt động cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm) vào ngày 4/11. Đây là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên trong cả nước.

13/11/2014 | LÊ HUYỀN
5

Ngày 13/11 Bộ GD-ĐT trao quyết định thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG TP.HCM). Đây là một trong hai Trung tâm kiểm định chất lượng giáo đầu tiên cả nước được thành lập.
Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG TP.HCM) có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng. PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm.

14/11/2014 | Trần Huỳnh
6

Tại hội thảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH: con đường hội nhập quốc tế” do ĐHQG TP.HCM tổ chức sáng 13-11, TS Phạm Xuân Thanh - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho biết hiện có hai tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập và được cấp phép hoạt động, 55 kiểm định viên được cấp thẻ hành nghề.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thành lập thêm các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước. Sau năm 2015 bắt đầu cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

13/11/2014 | Huy Lân
7

Từ năm 2016-2020, trên 95% cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục phải được đánh giá ngoài và xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng

08/11/2014 | Hoài Nam
8

Hầu hết giáo viên thờ ơ với việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cho rằng đó không phải công việc của mình. Áp lực chạy theo chương trình và thêm rào cản khi họ không được đào tạo để giáo dục kỹ năng sống.

11/11/2014 | Hoài Nam
9

Không biết tự mặc quần áo, không biết đổ rác, học trò phổ thông phải “đánh vật” để pha tô mì… Ngược đời ở chỗ, đó vẫn là những đứa trẻ được hun đúc kỳ vọng sau này sẽ “thành tài”.

13/11/2014 | Hoài Nam
10

Làm thay con tất cả mọi thứ, thậm chí đến những việc thuộc quyền cá nhân của đứa con mà nhiều phụ huynh cũng “xâm phạm”.

13/11/2014 | Nguyên Ánh Lịch - Luân Quyên Bích
11

Trong khi dạy dỗ con cái, nhiều phụ huynh tưởng rằng đã hết mực thương con, nhưng thực tế lại rơi vào tình cảnh “thương con như thế bằng mười hại con”.

13/11/2014 | KIM MINH
12

“Ở nhà thì cha mẹ ép ăn đến phát phì mới thôi. Đến trường sáng tối học thêm cắm mặt vào sách, chả có thời gian vận động. Nuôi trẻ như nuôi gà công nghiệp thì vài chục năm nữa người Việt vẫn thấp còi”, chị Hà bày tỏ.
Lùn không phải do di truyền!
Theo thông tin mới đây từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á. Cụ thể, trong 30 năm qua, người Việt cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được 1cm. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164cm, thua 8cm so với Nhật và 10cm so với Hàn Quốc.

10/11/2014 | Văn Chung
13

Khảo sát nhanh ở quy mô nhỏ của thầy giáo dạy toán tại Hà Tĩnh về hiểu biết của trò về các kỹ năng sống đưa ra một lát cắt đáng suy ngẫm về giáo dục.

24/11/2014 | Hoài Nam
14

(Dân trí) - Không chỉ có sự nở rộ của các chương trình kỹ năng sống cho trẻ, gần đây còn xuất hiện nhan nhản các khóa học dành cho cha mẹ, thu hút rất nhiều phụ huynh tham gia.

08/11/2014 | Đình Phú
15

(TNO) Ngày 8.11, tại TP.HCM, lần đầu tiên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giáo dục đào tạo phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo, cho biết các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã thành lập 269 trường, 905 nhóm, lớp mầm non. Các cở sở này hàng năm đã giải quyết nhu cầu học tập cho hơn 125.000 trẻ (không phân biệt tôn giáo), chiếm tỷ lệ hơn 3% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc. Có những cá nhân, tổ chức tôn giáo đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp.

18/11/2014 | Tấn Vũ
16

Để văn hóa bản địa của người Cơ Tu không bị mai một, chính quyền và ngành giáo dục huyện Tây Giang (Quảng Nam) quyết định đưa bản sắc văn hóa Cơ Tu vào trường học.
Bây giờ 90% trường học đều có đội cồng chiêng, trống, và một nhà gươl sạch đẹp trong khuôn viên trường.

16/11/2014 | LÊ ANH DŨNG – HẠ ANH
17

Cuối thế kỷ 19, hệ thống giáo dục Việt Nam từ Nho giáo của triều Nguyễn đã dẫn được thay thế dần bằng giáo dục do người Pháp mang tới.
Qua hai lần cải cách, nền giáo dục "tân học" đã được kiến tạo với cách tổ chức ba cấp học, thêm các trường đào tạo kỹ thuật, nghề nghiệp, thiết lập hệ thống trường tư, đặt nền móng cho khoa học thống kê, và đặc biệt là xây dựng các ngôi trường mà hiện nay vẫn còn đang duy trì ở khắp nơi trong cả nước.

06/11/2014 | NGÂN ANH
18

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã đặt vấn đề như vậy tại diễn đàn "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông: Thách thức và những giải pháp thực hiện" sáng ngày 6/11.

20/11/2014 | Hoàng Thùy
19

Các đại biểu cho rằng, để kiểm soát và đảm bảo lộ trình đổi mới, Bộ Giáo dục nên tham gia viết một bộ SGK, tuy nhiên phải công bằng với các tổ chức, cá nhân khác tham gia.

12/11/2014 | Châu Như Quỳnh
20

(Dân trí) - Về việc Bộ GD-ĐT biên soạn sách giáo khoa (SGK), các đại biểu Quốc hội cho rằng không khách quan. Theo các đại biểu, Bộ GD-ĐT nên chủ trì, định hướng, quản lý và tổ chức thẩm định, nếu Bộ này biên soạn SGK thì không khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

07/11/2014 | Hồng Hạnh
21

Theo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) đang trình Quốc hội xem xét, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì viết một bộ SGK. Bên cạnh đó, Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK. Bộ GD-ĐT cho rằng, việc Bộ biên soạn SGK nhằm đảm bảo tính chủ động khi triển khai chương trình mới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tại diễn đàn chưa đồng tình với quan điểm này và cho rằng như vậy sẽ khó tạo ra sự cạnh tranh, khó khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách khi Bộ GD-ĐT cũng có SGK.

07/11/2014 | Tuệ Nguyễn
22

Chuẩn chương trình mới ra sao, việc cấp tiền biên soạn sách giáo khoa rồi phát hành thế nào vẫn là điều khiến nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục băn khoăn, trăn trở.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nghiên cứu dự thảo chuẩn đầu ra phẩm chất và năng lực chung của các cấp học theo đề án đổi mới vẫn chung chung, không định lượng. Chẳng hạn, chuẩn đầu ra về phẩm chất “nhân ái, khoan dung” ở cấp tiểu học được quy định “tôn trọng các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa trên thế giới”. Còn ở cấp THPT: “Có ý thức học hỏi các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa trên thế giới”. Những phẩm chất này rất khó cho người biên soạn SGK, người chỉ đạo và người dạy.

13/11/2014
23

TTO - "Cơ bản chúng ta cần có một triết lý giáo dục rõ ràng, mới mong có được sách giáo khoa (SGK) phù hợp." - ý kiến của bạn đọc Nguyễn Quốc Giang về câu chuyện biên soạn SGK.

10/11/2014 | Hồng Hạnh
24

Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn góp ý về Đề án một chương trình và nhiều bộ SGK với nhiều vấn đề như: Nếu Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn 1 bộ SGK và Bộ lại tổ chức thẩm định thì có công bằng và khách quan? Việc đầu tư ban đầu cho cho bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK dự kiến là 321 tỷ đồng (nhiều việc, không phải chi toàn bộ cho tác giả). Vậy, các bộ SGK do cá nhân và tổ chức khác biên soạn có được đầu tư ban đầu thế không?

13/11/2014 | Hoàng Điệp
25

Vấn đề sách giáo khoa được các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.
Bộ GD-ĐT lo rằng nếu để các nhóm làm sách tự làm sách, muốn làm sao thì làm thì đến lúc cần, không có bộ sách nào đạt tiêu chuẩn, lúc ấy mọi chuyện lại đổ lên đầu bộ, bởi vai trò có đủ sách giáo khoa cũng như đảm bảo chất lượng sách giáo khoa là trách nhiệm của bộ.
Nhưng xã hội, các nhóm làm sách và các đại biểu Quốc hội cũng có một nỗi lo khác: nếu bộ vừa tham gia làm sách, vừa là hội đồng thẩm định thì chẳng khác nào bộ vừa đá bóng vừa thổi còi, và như vậy các nhóm làm sách sẽ không thể nào “cạnh tranh” được với bộ.

13/11/2014 | ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY
26

TTO - Nói với Tuổi Trẻ, ông Trương Quang Ngọc, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lạc Hồng (TP.HCM) cho rằng từ nhiều bộ sách giáo khoa, người giáo viên sẽ chọn lựa những bài hay nhất để làm giáo án.

13/11/2014 | Theo GDVN
27

Bộ Giáo dục lý giải sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa "chuẩn" âu cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng khổ nỗi bây giờ nhiều người không tin vào bộ.

12/11/2014 | Hoàng Thùy
28

Cho rằng phải thẩm định lại sách giáo khoa hiện hành, kế thừa những điểm tốt, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra khung chương trình, giao việc viết sách giao khoa cho các tổ chức rồi tiến hành thẩm định.

10/11/2014 | Nguyễn Minh Thuyết
29

Thay đổi toàn bộ sách giáo khoa hay chỉ thay những quyển, nội dung không phù hợp; thay đổi ngay một lúc hay có lộ trình; ai có quyền lựa chọn sách giáo khoa... là những câu hỏi của GS Nguyễn Minh Thuyết về đề án.

21/11/2014 | Quang Phong
30

(Dân trí) - Nêu ý kiếu về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, chủ trương có một bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn có khách quan, có “vừa đá bóng vừa thổi còi” hay không.

24/11/2014 | Yến Anh
31

Phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa khiến nhiều chuyên gia lo lắng vì việc này rất có thể khiến việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa không đạt kết quả như kỳ vọng.
Dù Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận khẳng định trước Quốc hội “tuyệt nhiên không có vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong việc biên soạn sách giáo khoa (SGK)”, tuy nhiên, một giáo sư của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẳng thắn cho rằng việc Bộ GD-ĐT đứng ra biên soạn một bộ sách sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa Bộ GD-ĐT với các tổ chức, cá nhân cùng làm sách khác.

26/11/2014 | Trần Đình Duy
32

TT - Từ khung chương trình, Bộ Giáo dục Đào tạo xây dựng cơ chế đấu thầu đặc biệt và triển khai mời thầu rộng rãi biên soạn sách giáo khoa mới trong năm 2016.

27/11/2014 | NGAN ANH
33

Bên cạnh chương trình tiếng Anh do Bộ GD-ĐT biên soạn, các trường tiểu học, THCS, THPT còn sử dụng hàng chục giáo trình tiếng Anh khác, với mục đích ... để học sinh giao tiếp được.

28/11/2014 | ĐĂNG DUY
34

Là môn tự chọn, chương trình thí điểm không được thu phí nên phần lớn các trường tiểu học đều chọn dạy 1-2 hoặc nhiều hơn các chương trình liên kết tiếng Anh để có thể thu thêm các khoản phí từ phụ huynh.

23/11/2014 | Đặng Trinh
35

Ông Trần Đức Huyên, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một trong những người trực tiếp tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK) môn toán, cho biết cuốn sách mới của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) được biên soạn theo hướng tích hợp, mang tính thực tiễn và ứng dụng, nhất là ứng dụng về kinh tế.

24/11/2014 | LƯU TRANG - HỒNG NHUNG
36

Rất nhiều cuốn sách dành cho trẻ em có nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí vô giáo dục như thế đang được bày bán tràn lan trong các nhà sách hiện nay.
Sách dạy làm người nhưng lại khuyến khích trẻ làm điều ác, truyện cổ tích nhưng lại vẽ hình kinh dị, phản cảm, trắc nghiệm IQ cho trẻ nhưng câu hỏi và đáp án đều nhảm nhí... Những cuốn sách nhảm bán tràn lan trên kệ sách của cả những nhà sách có tiếng tại TP.HCM.

25/11/2014 | Lưu Trang – Hồng Nhung
37

Các nhà nghiên cứu, chuyên viên tâm lý bày tỏ sự trăn trở, lo ngại vì trẻ em hiện nay có thể bị “đầu độc” dễ dàng từ những sản phẩm sách, truyện, tranh ảnh không lành mạnh.

11/11/2014 | Quốc Thanh
38

TTO - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi cấp thẩm quyền TP về kết quả triển khai chương trình thí điểm dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh của Hội đồng khảo thí quốc tế Cambridge - CIE.

05/11/2014 | MAI TÂN
39

GS.TS Ngôn ngữ học Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 2, tập 1 chia sẻ quan điểm về đoạn trích bài thơ “Thương ông” đang xôn xao trên mạng những ngày qua.

05/11/2014 | PHẠM MAI
40

Mở cuốn Tiếng Việt lớp 2, tập một, của con ra xem, chị Nguyễn Thị Hương (Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) "tá hỏa" vì thấy bài thơ “Thương ông” trong sách hoàn toàn khác so với bài chị đã từng được học.
“Tôi thấy mọi người bàn tán xôn xao trên mạng internet nên cũng tìm sách của con mở ra đọc. Đúng là bài thơ “Thương ông” trong sách hiện nay quá khác so với thời chúng tôi học. Đây là bài thơ rất hay và vần nên dù đã mấy chục năm, tôi vẫn thuộc lòng,” chị Hương chia sẻ.

06/11/2014 | VĨNH HÀ - L.TRANG
41

TT - Đoạn trích bài thơ Thương ông (Tú Mỡ) trong sách Tiếng Việt lớp 2, tập 1 đang gây xôn xao dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng sự mộc mạc, dễ gần, dễ cảm của đoạn trích cũ rõ ràng mang lại hiệu quả tiếp nhận cao hơn, nhất là đối với trẻ nhỏ. Trên mạng xã hội, nhiều người phản ứng cách cắt ghép này vì cho rằng SGK đã không tôn trọng tác giả bài thơ.

07/11/2014 | Một Thế Giới -- Dạ Thảo
42

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng sự giản lược nhằm giảm bớt gánh nặng về học thuộc các câu chữ cho học sinh lớp 2 vì trước đâybài thơ Thương ông này nằm ở phần Tiếng Việt của lớp 4.

24/11/2014 | Bích Thanh - Đình Tuấn
43

Học sinh đang tiếp cận với sách giáo khoa trong đó có những kiến thức, thông tin quá lạc hậu so với thực tế khiến cả học sinh và giáo viên đều lúng túng.

18/11/2014 | Bích Thanh
44

Kiến thức lạc hậu, học mà không biết để làm gì vì giờ không ai còn sử dụng là thực trạng việc dạy môn tin học trong trường phổ thông hiện nay.
Nhắc đến việc hằng ngày phải dạy những kiến thức lạc hậu, hầu hết giáo viên đều bức xúc. Một giáo viên nói: “Hiện nay, trẻ em có cơ hội tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm. Nếu cứ dạy những kiến thức mà học sinh biết là lỗi thời thì sao còn hứng thú? Bên cạnh đó, là thầy, lẽ ra phải nói cái mới mà cứ đi dạy cho trò những điều trò đã biết thì ngay bản thân chúng tôi cũng thấy băn khoăn”.

19/11/2014 | CHI MAI
45

Trong cuộc trao đổi với VietNamNet, nhà giáo đã từng có thời gian rèn luyện trong quân ngũ luôn khẳng định, một giảng viên đại học mà chỉ biết dạy những điều xưa cũ, lạc hậu là có tội với sinh viên.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc là một trong 39 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2014.

25/11/2014 | B. Thanh – M. Luân
46

Không chỉ lạc hậu về kiến thức trong sách giáo khoa mà sự phân phối chương trình, cân đối giữa lý thuyết và thực hành chưa hợp lý ở tất cả các bậc học khiến nhiều giờ học trở nên buồn chán, học sinh không tin tưởng.

26/11/2014 | Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc
47

Chưa có cách hiệu quả để cập nhật kiến thức trong sách giáo khoa là điều khó chấp nhận. Nhưng mấu chốt không phải ở chỗ có cập nhật hay không mà phải thay đổi quan điểm lạc hậu về cách làm, vai trò của sách giáo khoa để người dạy và người học chủ động tiếp nhận kiến thức.

NOV. 1, 2014 | JO BECKER and STEVEN LEE MYERS
48

MOSCOW — The purge began in late winter. One by one, hundreds of textbooks that Russian schoolchildren had relied upon for years were deemed unsuitable for use in the country’s 43,000 schools. The reasons varied, but they shared a certain bureaucratic obstinacy.
One publisher saw all of his company’s English-language textbooks barred because he had failed to include their subtitles on the paperwork required for government approval. More than three dozen books that use a popular creative teaching style were dropped from a list of authorized titles because the publisher had submitted copies of supporting documents, rather than the originals.

18/11/2014 | D. Kim Thoa
49

TT - Số sinh viên nước ngoài đăng ký học tại Mỹ không chỉ tăng ở cấp đại học, mà còn tăng ở cấp đào tạo sau đại học.
Hiện Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu về số sinh viên tham gia các chương trình đào tạo sau đại học tại Mỹ nhằm tránh các thủ tục ngặt nghèo về thị thực ở Úc và Anh. Không quá lời khi tờ Wall Street Journal nhận định: nước Mỹ đang phụ thuộc nhiều vào các sinh viên châu Á.

04/11/2014 | Phạm Hiệp
50

Khái niệm MOOCs (Massive Open Online Courses – Các khóa học đại trà mở trực tuyến) xuất hiện lần đầu năm 2008, và lên đến đỉnh điểm thu hút sự quan tâm của công luận bốn năm sau đó, đến mức tạp chí New York Times gọi năm 2012 là “năm của MOOCs”. Cũng trong năm đó, nhiều người thậm chí so sánh MOOCs với những phát minh lớn của loài người trước kia như việc tìm ra lửa hay sự ra đời của Internet. Hai năm sau “đỉnh cao”, MOOCs vẫn phát triển nhưng không bùng nổ đúng như kỳ vọng trước đó. Tại sao vậy?

22/10/2014 | VĨNH HÀ (còn tiếp)
51

TT - Sau một tuần triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, nhiều giáo viên đã có những sáng kiến khác nhau để vượt qua khó khăn về khối lượng công việc đội lên.

02/11/2014 | TĂNG THỊ THÙY
52

Quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét vào thực tế đang có tranh luận về tính khả thi. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Tăng Thị Thùy (Nghiên cứu sinh Khoa Giáo dục So sánh và Quốc tế, Đại học Chi Nan – Đài Loan) với tham chiếu kinh nghiệm quốc tế để có cách nhìn công bằng hơn....

06/11/2014 | ANH MINH
53

(GDVN) - Liệu có hay không việc Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên tiến hành thu tiền xã hội hóa trước rồi mới chờ công văn chấp thuận từ phía UBND quận Thanh Xuân?

28/11/2014 | NGÂN ANH
54

Trong một nhóm trên Facebook, các giáo viên tiểu học chia sẻ những bản nhận xét của từng lớp học - lớp 1, lớp 2, lớp 3… Những email gửi cho nhau “văn mẫu” cũng được không ít giáo viên ngày ngày chia sẻ.

27/11/2014 | LÊ HUYỀN
55

Đến thời điểm này giáo viên tiểu học tại TP.HCM đã nhận được sổ sách đánh giá học sinh tiểu học. Nhiều giáo viên “choáng” vì số lượng sổ phải nhận và nhận xét nhiều kênh chữ.

29/11/2014 | Thien Thu
56

Ngày 28/11, Hội nghị Giao ban Công tác phổ cập giáo dục mầm non ở 32 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, tại Tây Nguyên và ĐBSCL chưa có tỉnh nào phổ cập xong giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

29/11/2014 | Tung Anh
57

Sau gần 1 tháng Bộ GD-ĐT ban hành lệnh cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, nhiều em hàng ngày vẫn phải chong đèn làm bài tập đến tận khuya, khác hẳn với viễn cảnh được thả sức vui chơi vì… giảm tải.

17/11/2014 | Duy Tuyên
58

“Trong quá trình dạy dỗ các cháu, về nghiệp vụ, phần múa là khó và ngại nhất, nhưng rồi dạy miết cũng quen. Nhưng theo tôi, khi trong trường mầm non có cả thầy và cô thì độ cân bằng về giới tính hợp lý hơn”, thầy Bình chia sẻ.
Với thầy Bình, công việc đứng lớp trong vai trò là thầy giáo dường như đã quá quen thuộc. Ngay cả đến ngày mùng 8/3, hay ngày 20/10, phụ huynh còn tặng hoa cả thầy, và thầy coi đó là một niềm vinh dự lớn lao…

06/11/2014 | NGÂN ANH
59

Một nội dung sôi nổi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 5/11 là phân công thực hiện quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp.

05/11/2014 | NGỌC QUANG
60

Thảo luận về Luật Dạy nghề sáng nay (5/11), đa số Đại biểu Quốc hội đồng loạt đề nghị khi đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, cần giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quản lý thống nhất về mặt nhà nước, không giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH).

29/11/2014
61

TT - Dù được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, nhưng Luật giáo dục nghề nghiệp vẫn để ngỏ cơ quan quản lý nhà nước chung cho hệ thống các trường cao đẳng (CĐ), CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề sau khi đã hợp nhất về một đầu mối.

03/11/2014 | Quỳnh Phạm
62

Đối với giáo dục đại học, việc người học phải đóng đủ học phí ở mức mà các trường có thể trang trải chi phí đào tạo được cho là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, ở các trường công lập Việt Nam, điều này chỉ có thể thực hiện sớm nhất vào năm 2018, khi Nghị định quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được ban hành, có hiệu lực. Để chuẩn bị, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo nghị định để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

08/11/2014 | Minh Giang
63

TT - Hàng loạt trường ĐH, CĐ đã xin đổi tên sau hàng chục năm gắn bó..
Có trường đổi tên hoàn toàn, có trường vì tuyển sinh khó khăn nên bỏ đi những chữ không còn phù hợp để thu hút thí sinh...

11/11/2014 | LÊ HUYỀN
64

Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy hàng loạt sai phạm trong hoạt động đào tạo của Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM.
Trước đó, một phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh của nhà trường đã có đơn kiến nghị làm sáng tỏ những sai phạm của lãnh đạo trường như chỉ đạo tiêu cực trong kì thi nâng ngạch Chuyên viên của tổng cục thuế năm 2012; Mướn cơ sở đào tạo với giá cao để dư luận đặt vấn đề; Lập quỹ đen, khoản chi sai quy định; Bộ nhiệm lãnh đạo, kiêm nhiệm, tuyển dụng không đúng quy định....

04/11/2014 | NGÂN ANH
65

Qua kiểm tra 18 trường ĐH, CĐ về việc tự xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014, Bộ GD-ĐT phát hiện sai phạm và đã có văn bản tước quyền tự xác định chỉ tiêu năm 2015 đối với 4 trường.

10/11/2014 | Hoài Nam
66

(Dân trí) - Đến nay, chỉ có 16 tổ chức dịch vụ tư vấn du học được Sở GD-ĐT TPHCM cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Còn lại có thể có đến hàng trăm đơn vị đang hoạt động tư vấn du học “chui”.

04/11/2014 | Hoàng Lam
67

(Dân trí) - Báo cáo kết quả kiểm tra, thẩm định cho thấy các bước triển khai thực hiện gói đào tạo giáo viên tiếng Anh của Sở GD-ĐT Nghệ An không đúng quy trình và quy định của Luật Đấu thầu.

25/11/2014 | Ngọc Hà
68

TT - Chín lớp đại học chính quy thuộc các khoa kiến trúc, đô thị, quản lý đô thị Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội vừa nhận được thông báo sẽ bị cắt hoàn toàn các suất học bổng của học kỳ 1 năm học 2014-2015.
Ông Phạm Đình Khuê, trưởng phòng chính trị - công tác sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, khẳng định việc cắt học bổng tại chín lớp ĐH chính quy hoàn toàn không phải là xử lý ngẫu hứng, đột ngột mà được đưa ra sau cuộc họp xét thi đua, khen thưởng do lãnh đạo nhà trường chủ trì. “Ba năm nay, trường đã ra quy định các lớp phải tổ chức sinh hoạt chính trị chuyên đề, sinh hoạt lớp định kỳ khoảng 4-5 lần/năm.

16/11/2014 | Văn Định
69

TTO - Chiều 16-11, ông Trần Đình Hùng, trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho biết vì phản đối chuyện sáp nhập trường mà đến nay còn gần 500 học sinh ở xã Hương Bình (Hương Khê) vẫn chưa đến trường học.

26/11/2014 | VAN CHUNG
70

Ngay sau buổi làm việc tại Văn phòng Chính phủ sáng 25/11 về vụ việc hàng trăm học sinh ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh phải nghỉ học do phụ huynh phản đối sáp nhập trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Từ giữa tháng 10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp có ý kiến yêu cầu phải đảm bảo để các cháu học sinh đến trường, tuyệt đối không được để ảnh hưởng xấu đến việc học tập của các cháu. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã một sốlần trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trên tinh thần đó.

Cấp ủy, chính quyền địa phương phải tìm mọi cách để thực hiện bằng được điều này trong thời gian sớm nhất, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương án về thời gian, giáo viên, kinh phí cho việc dạy thêm, học bù để các em học sinh hoàn thành chương trình học đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

10/11/2014 | Trương Nguyễn
71

(Dân trí) - Vừa qua, Trường ĐH Tây Nguyên vừa ra thông báo thôi học và cảnh cáo kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2013 - 2014 theo hệ thống tín chỉ đối với 961 sinh viên tại trường.
Trong đó, có tổng số 352 sinh viên (SV) bị buộc thôi học vì lý do tự ý bỏ học và cảnh báo quá 2 lần; 609 SV bị cảnh cáo kết quả học tập vì có kết quả trung bình học kỳ dưới 1,00 điểm và nếu bị cảnh cáo 2 lần sẽ bị buộc thôi học.
Khoa Kinh tế có số SV bị thôi học nhiều nhất toàn trường với 104 SV, khoa Nông lâm 94 SV, khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 81 SV, khoa Sư phạm 47 SV...

13/11/2014 | Nguyễn Hùng
72

(Dân trí)-Theo kết luận của Phòng GD-ĐT huyện Ý Yên (Nam Định), Trường tiểu học thị trấn Lâm chưa bám sát các văn bản quy định của nhà nước về công tác quản lý thu-chi, vì vậy đã lẫn lộn giữa khoản thu theo quy định và khoản huy động thu từ nguồn xã hội hóa giáo dục.

05/11/2014 | L. Thoa
73

Đây là 1 trong số những lý do khiến trường ĐH Ngân hàng TPHCM đưa ra thông báo lấy ý kiến toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên về việc mặc đồng phục và quẹt vân tay để chấm công.
Theo thông báo ngày 27/10, nhà trường lấy ý kiến của toàn thể giáo viên, cán bộ công nhân viên trường về quy định: Nam mặc quần tây đen, áo sơ mi trắng, đeo bảng tên, thắt cà vạt, mang giày khi đến lớp. Nam giảng viên phải mặc thêm áo vest đen trong các buổi hội thảo, hội nghị và các buổi họp quan trọng của trường. Giảng viên nữ mặc áo dài màu sắc tự do, kín đáo, phù hợp thuần phong mỹ tục và môi trường giáo dục, đeo bảng tên, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trong trường hợp mặc thêm áo khoác ngoài, giảng viên nữ phải mặc áo vest đen.

15/11/2014 | Minh Giảng
74

TT - Một số sinh viên ngành điều dưỡng Trường CĐ Bách Việt phản ảnh đã đóng học phí học kỳ I hơn 8 triệu đồng, nhưng mới đây trường thông báo sinh viên phải đóng thêm 2 triệu đồng tiền cơ sở vật chất.

27/11/2014 | Minh Giảng
75

TT - Dù đã có hướng dẫn miễn phí các hoạt động giáo dục liên quan đến di sản, di tích lịch sử, di tích cách mạng... nhưng các trường đưa học sinh đến vẫn bị thu phí.

07/11/2014 | Hoai Nam
76

(Dân trí) - Việc tham gia điều hành hoạt động giáo dục tập thể (chào cờ đầu tuần và sinh hoạt lớp cuối tuần) là thuộc nhiệm vụ quản lý của Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp, không tính vào giờ dạy tiêu chuẩn.

28/11/2014 | Phong Dien
77

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đã nói như vậy tại buổi gặp gỡ giữa đại diện sinh viên với lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức chiều 27/11.
Đáng chú ý, sinh viên bày tỏ bức xúc cho rằng bộ phận bảo vệ, giữ xe ứng xử thiếu văn hóa và có lời lẽ xúc phạm sinh viên khi vào gửi xe. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng trả lời: “Nếu nhân viên, bảo vệ của trường đã có lời lẽ không hay như vậy, với tư cách hiệu trưởng nhà trường tôi xin lỗi các em. Tôi cam kết trong chiều hôm nay sẽ chỉ đạo phòng Hành chính chấn chỉnh các hành vi của bảo vệ mà các em vừa phản ánh.

14/11/2014 | Hoàng Hương
78

TTO - Đó là nội dung chính trong văn bản do Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi (TP.HCM) báo cáo chủ tịch UBND huyện về việc cô giáo Q. tự tử tại phòng hiệu trưởng Trường tiểu học Trung An.

28/10/2014 | Trần Chánh Nghĩa
79

Chuyện cô giáo làm tổng phụ trách đội uống thuốc trừ sâuquyên sinh trước mặt hiệu trưởng là đề tài sôi động nhất của các nhóm phụ huynh chờ đón con trước trường tiểu học Trung An (xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM) vào trưa 28/10.

06/11/2014 | XUÂN HÒA
80

(GDVN) - Mặc dù không học trung học phổ thông nhưng để đủ điều kiện để học đại học bà Đinh Thị Hồng Vân – Hiệu trưởng trường mầm non xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã gian lận bằng cách dùng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của người khác để hợp thức hóa việc này.
Theo sự thừa nhận của bà Đinh Thị Hồng Vân với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam: Bà học tiểu học và trung học cơ sở tại xã Xuân Lĩnh. Đến độ tuổi học trung học phổ thông do điều kiện bệnh tật nên bà không tiếp tục đi học.
Đến năm 1983 thì bà được nhận vào dạy hợp đồng cho Trường mầm non xã Xuân Lĩnh. Trong thời gian công tác này bà Vân đã đi học lớp sư phạm mẫu giáo hệ 9+1 và tốt nghiệp năm 1988. Năm 1998 bà Vân tiếp tục hoàn thành chương trình học trung cấp sư phạm tại Trường trung học sư phạm Nghệ An.

21/11/2014 | Nguyễn Tình - Nguyễn Duy
81

(Dân trí) - Sau khi xem xét vi phạm của bà Đinh Thị Hồng Vân (Hiệu trưởng Trường mầm non xã Xuân Lĩnh) sử dụng bằng tốt nghiệp THPT của người khác trong quá trình công tác và học tập. Huyện ủy, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã ra quyết định kỷ luật giáo viên này.
Theo đó kỷ luật với hình thức cách chức hiệu trưởng Trường mầm non xã Xuân Lĩnh đối với bà Đinh Thị Hồng Vân do sai phạm việc sử dụng bản sao bằng tôt nghiệp THPT của người khác trong quá trình học tập và công tác của bản thân. Thời hạn kỷ luật là 12 tháng kể từ ngày ban hành quyết định.

07/11/2014 | ĐĂNG DUY
82

Thông báo do Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh - vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng - Bộ GD-ĐT nêu rõ: Hiện tượng này xảy ra tại đợt tập huấn giảng viên giáo dục quốc phòng an ninh các trường ĐH, CĐ 2014.
Đáng chú ý có nhiều bài thu hoạch số liệu chưa chính xác, nội dung còn sơ sài; phần liên hệ chưa sát với chức trách, nhiệm vụ của bản thân, còn vi phạm quy chế như làm hộ bài, chép 100% bài của nhau...

14/11/2014 | Hoàng Lộc
83

Tối 12-11, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã bắt quả tang ngay tại phòng thi 24 người làm giả giấy tờ để thi hộ cho sinh viên của trường.

21/11/2014 | Lê Phương
84

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Bắc - Trưởng Phòng Công tác Học sinh Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng xác nhận, sáng nay Hội đồng khen thưởng kỷ luật của nhà trường đã họp và quyết định đình chỉ học tập một năm đối với 24 sinh viên nhờ người thi hộ hôm 12/11.

21/11/2014 | Duy Tuyên
85

(Dân trí) - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đã ra quyết định cách chức hiệu trưởng đối với ông Đỗ Hồng Đãi - Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú vì để xảy ra nhiều sai phạm trong vấn đề quản lý kinh tế tại trường.

04/11/2014 | Đại Dương
86

(Dân trí) - Sáng 3/11, Trường Đại học Khoa học Huế (thuộc Đại học Huế) đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014 - 2019.
Tại buổi lễ, PGS.TS.Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Huế đã trao Quyết định số 1973/QĐ-ĐHH ngày 31/10/2014 của Giám đốc Đại học Huế, bổ nhiệm PGS.TS.Hoàng Văn Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học nhiệm kỳ 2014 - 2019. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương những cống hiến của PGS.TS.Nguyễn Văn Tận, nguyên hiệu trưởng nhiệm kỳ trước.

07/11/2014 | Đại Dương
87

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Huế đã trao Quyết định số 1972/QĐ-ĐHH ngày 31/10/2014 của Giám đốc Đại học Huế bổ nhiệm TS. Bảo Khâm, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ giữ chức vụ Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ nhiệm kỳ 2014 - 2019, thay cho PGS.TS. Trần Văn Phước, nguyên Hiệu trưởng trường 2 nhiệm kỳ trước - từ khi thành lập trường đến nay.
Trong cùng ngày, Đại học Huế cũng đã trao Quyết định số 1970/QĐ-ĐHH ngày 31/10/2014 của Giám đốc Đại học Huế, bổ nhiệm lại TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật nhiệm kỳ 2009 - 2014 giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật nhiệm kỳ 2014 - 2019.

12/11/2014 | Nguyễn Thùy
88

(Dân trí) -Gần 20 khoản thu mang danh nghĩa “tự nguyện” được Trường THCS Quang Trung (TP Thanh Hóa) đặt ra khiến không ít phụ huynh bức xúc. Sau khi báo Dân trí phản ánh, Phòng GD-ĐT TP Thanh Hóa chỉ đi kiểm tra và góp ý “rút kinh nghiệm” mà không kết luận thanh tra vụ việc.

11/12/2014 | Hoài Nam
89

(Dân trí) - Nhà trường tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu - chi tiền học thêm từ học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn về thu, sử dụng tiền dạy thêm, học thêm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập từ năm học 2014 - 2015.
Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh không không dạy thêm đối với học sinh (HS) tiểu học, trừ các môn: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống được áp dụng theo khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

11/11/2014 | TTO
90

TTO - Trong khi cấm giáo viên đang dạy trong trường học dạy thêm thì ở các trung tâm luyện thi ở bên ngoài vẫn rầm rộ dạy thêm. Vì vậy tạo nên sự bất công giữa các giáo viên.

11/11/2014 | Lưu Trang
91

TT - Để thích ứng với quy định mới của Sở GD-ĐT TP.HCM về dạy thêm học thêm, nhiều trường THPT trên địa bàn TP đã tìm cách lách để thu hút học sinh học thêm tại trường.

17/11/2014 | Phạm Anh
92

Xiết dạy thêm bằng cách cho phép các trường dạy thêm đồng loạt trong giờ chính khóa, tự nguyện thành bắt buộc, không được tự chọn môn học… khiến vấn đề dạy thêm trong nhà trường ngày càng phức tạp. Đó là thực tế đang diễn ra tại hầu hết trường THPT ở TPHCM.
Trả lời phóng viên về việc bắt HS học thêm, bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Hưng Hòa, than vì mặt bằng trình độ chung HS của trường rất yếu. Ngay từ tháng 7 trường đã tổ chức dạy hè nếu không các em sẽ không thể bắt kịp các bài học.
“Nếu để các em tự học ở nhà thì không bao giờ tốt hơn được” - vị hiệu trưởng nói.

18/11/2014 | Vũ Thơ
93

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ không được phép đào tạo chính quy ngoài nhà trường. Tuy nhiên, không ít cơ sở đào tạo công khai tuyển sinh và đào tạo trái phép.

26/11/2014 | Tuệ Nguyễn
94

Sở GD-ĐT Hải Dương vừa có văn bản thông báo kết quả kiểm tra đột xuất hoạt động dạy thêm, học thêm tại một số trường THPT.

11/11/2014 | Minh Giang
95

TTO - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa ký quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị (Hà Nội).

11/11/2014 | Nguyễn Hùng
96

(Dân trí) - Trước việc Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) bị “tố” có dấu hiệu vi phạm tài chính cũng như tổ chức các hoạt động, Hiệu trưởng nhà trường đã lên tiếng khẳng định: “Thông tin đó là không đúng sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo nhà trường”.
Trao đổi với Dân trí sáng ngày 11/11, cô Nguyễn Thị Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình bức xúc cho hay: “Trong khi toàn trường đang háo hức chuẩn bị khí thế kỷ niệm 40 năm thành lập cũng như kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam thì lại có những thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cán bộ quản lí, mọi hoạt động của nhà trường bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng”.

30/10/2014
97

Ở các tỉnh, nhà vệ sinh trường học càng nhếch nhác, xập xệ và dơ bẩn, kể cả các trường xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia.

01/11/2014 | Đăng Nguyên
98

Hiện nay tại VN, khoảng 60% công trình nhà vệ sinh trường học sử dụng được, hợp vệ sinh. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh.
Công bố của Ngân hàng Thế giới vừa qua về việc trẻ em VN thấp còi do NVS bẩn cũng là dựa trên nghiên cứu do UNICEF hỗ trợ. Dựa trên nghiên cứu đó, họ lấy chỉ số chiều cao trẻ em với tình trạng nhà tiêu hộ gia đình. Kết luận chuẩn xác ứng với các tỉnh miền núi VN là nếu sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chiều cao trẻ em sẽ nâng lên đến 3,7 cm nữa.

28/11/2014 | Trần Huỳnh
99

TT - Hàng ngàn sinh viên nội trú tại ký túc xá khu B - ĐHQG TP.HCM (Q.Thủ Đức, TP.HCM) phản ảnh chất lượng WiFi ở ký túc xá quá kém gây ảnh hưởng đến việc học tập, giải trí và quyền lợi của sinh viên.
“Tình trạng rớt mạng WiFi liên tục xảy ra, có khi cả buổi tối sinh viên không thể lên mạng được. Nhiều sinh viên đã có ý kiến với bên kỹ thuật nhưng tình trạng cũng chẳng khá hơn. Sự việc này kéo dài nhiều ngày qua vẫn chưa được khắc phục, trong khi sinh viên phải trả tiền WiFi mỗi tháng là 110.000 đồng/sinh viên” - nhiều sinh viên bức xúc.

NOV. 21, 2014 | By THE ASSOCIATED PRESS
100

The Los Angeles Unified School District will pay $139 million to end all remaining litigation involving an elementary school teacher convicted of committing numerous counts of lewd conduct against his students, according to a settlement announced Friday. The deal involving 82 students puts a legal end to the episode that began when Mark Berndt, a teacher at Miramonte Elementary School, was arrested in 2012 and accused of blindfolding students and feeding them his semen on cookies.

08/11/2014 | THU PHƯƠNG
101

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã xảy ra liên tiếp những vụ bê bối liên quán đến tình dục ở giảng đường đại học,một môi trường vốn dĩ phải trong sáng, sạch sẽ và cần được tôn trọng nhất.

01/11/2014 | ĐÔNG HÀ
102

TTO - Ngày 1-11, tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Vườn Quốc gia Côn Đảo đã đón nhận bằng công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế do tổ chức công ước Ramsar trao tặng.

26/11/2014 | M. Vọng
103

Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WAR hôm 25.11 cho biết sẽ phối hợp với Khu bảo tồn biển Phú Quốc và Phòng Giáo dục - đào tạo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ hội bảo vệ dugong 2014 vào sáng 30.11 tại thị trấn Dương Đông.
Loài này cũng được Sách đỏ thế giới (IUCN) xếp vào loài sắp nguy cấp. Dugong chỉ còn lại không quá 100 con tại 2 vùng biển của VN là Phú Quốc và Côn Đảo (theo WWF, 2013).

25/11/2014 | AFP
104

Vietnam’s environmental police have seized a record haul of over 1,000 endangered sea turtles which were being prepared for illegal export to China, an official said on Tuesday.

25/11/2014 | Đình Phú
105

(TNO) Ngày 25.11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo các sở ngành chức năng của thành phố khẩn trương lập quy trình chăm sóc đặc biệt, bảo tồn cây cổ thụ trên địa bàn.

06/11/2014 | Lâm Hoài
106

TTO - Ông Nguyễn Xuân Hưng (phó giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội) đã xác nhận tại cuộc họp về chỉnh trang đô thị, thay thế cây xanh do Sở xây dựng Hà Nội tổ chức sáng 6-11.
Ông Trần Trọng Hiếu - Trưởng phòng quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng) khẳng định số lượng cây chặt hạ đều được thành phố cấp phép đúng quy định.

08/11/2014 | Trung Chuyên
107

(TNO) Ngày 8.11, tại tiểu khu 471 thuộc Vườn quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk), người dân phát hiện nhiều cây gỗ quý đã bị đốn hạ trái phép từ nhiều ngày trước đó.

23/11/2014 | Nguyên Phong - Hùng Phong
108

Trong tiềm thức của đồng bào Pa Cô miền Tây Quảng Trị, hai loại gạo nếp quý đệp a-hăm và đệp cù-cha là món quà vô giá của Giàng (trời) ban tặng cho họ từ thuở lập bản, lập làng giữa đại ngàn Trường Sơn. Nhưng nay, những “hạt ngọc” ấy đang ít dần…
Đệp a-hăm, đệp cù-cha là nguyên liệu chính làm nên hương vị đặc trưng của các loại bánh truyền thống như “peng a-chooih”, “peng ta-măr”, “peng a-koat”… và rượu cần men lá trong các dịp lễ hội Puh Boh (lễ canh giữ rẫy), A-ya (lễ hội mùa), Ariêu Piing (lễ cất bốc mồ mả)… của người dân tộc Pa Cô tự bao đời.

20/11/2014 | PBS NEWSHOUR
109

There are still ongoing lethal consequences of the Vietnam War that ended in 1975. Undetonated "bomblets," dropped by the U.S. military during the conflict, are killing and maiming people who discover them by accident. To help close a painful chapter in history, American veteran Chuck Searcy has made bomb removal and education his humanitarian mission. Special correspondent Mike Cerre reports.

11/11/2014 | John Vidal
110

Thousands of rats will be fed Monsanto maize diets in a $23m, three-year ‘Factor GMO’ study into long-term health effects of GM food and associated pesticides

NOV. 17, 2014 | By LIZA GROSS
111

Less than 20 years ago, a billion butterflies from east of the Rocky Mountains reached the oyamel firs, and more than a million western monarchs migrated to the California coast to winter among its firs and eucalypts. Since then, the numbers have dropped by more than 90 percent, hitting a record low in Mexico last year after a three-year tailspin.

05/11/2014 | Quang Khai
112

TTO - Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn đang xuất hiện triều cường, đỉnh triều dự báo vượt báo động 3 (1,5m), đạt 1,59m.
Đỉnh triều có thể đạt mức cao nhất 1,55m và 1,59m vào 4g sáng và 18g chiều 8-11.
Khoảng 60% diện tích tại TP.HCM ở khoảng cao độ 1,5m nên sẽ có nhiều khu vực bị ngập do triều cường xâm nhập.

04/11/2014 | Chi Quốc
113

TTO - Cơn mưa lớn kéo dài hơn hai giờ chiều tối 4-11 đã khiến hầu hết các khu vực ở TP Cần Thơ bị ngập nặng chưa từng có từ trước tới nay.
Theo Công ty cấp thoát nước, toàn thành phố hiện có 62 điểm thường xuyên ngập khi có mưa lớn và triều cường.
Nhiều ý kiến phát biểu của đại diện cơ quan hữu quan tại cuộc họp cho thấy ngoài nguyên nhân của một đô thị cũ, tình trạng ngập nặng tại TP Cần Thơ còn do việc đấu nối các cống thoát nước chưa phù hợp và đặc biệt là thành phố có hiện tượng lún (khoảng 1,2cm/năm) nhưng những nguyên nhân này vẫn chưa được đặt ra để có giải pháp khắc phục phù hợp.

04/11/2014 | Xuân Hoài dịch
114

Nhiều thành phố lớn ở châu Á đang điêu đứng vì bị bão lụt hoành hành, trong đó Jakarta đứng đầu danh sách. Thủ đô của Indonesia đang ngày càng lún sâu hơn. Một phần vùng duyên hải phía bắc thành phố với 10 triệu dân mỗi năm có thể bị lún tới 14 cm - trong vài thập niên tới, mức lún có thể lên tới nhiều mét.
Một tường thành khổng lồ dài 35 km băng qua vịnh Jakarta có nhiệm vụ bảo vệ thành phố trước nạn lụt. Dự án này đã được chính thức khởi công. Khoản tiền đầu tư xây dựng cho cái gọi là đại tường thành Jarkarta có thể lên tới 40 tỷ đôla. Ngoài ra sẽ hình thành thêm 17 đảo nhân tạo để xây dựng nhà ở. Chính phủ Indonesia hợp tác chặt chẽ với Hà Lan trong việc triển khai dự án này.

04/11/2014 | Đức Cường - Thành Nhân - Đại Dương
115

(Dân trí) - Huyện miền núi A Lưới - một trong những khu vực có độ che phủ rừng cao nhất nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế - đang đứng trước nguy cơ mất dần tài nguyên đất rừng nếu vẫn có kiểu quản lý “đem con bỏ chợ” như thời gian qua.
Thực hiện Quyết định số 184 – HĐBT năm 1982 và nghị định 2-CP năm 1994, đến năm 2011, UBND huyện và Hạt Kiểm lâm A Lưới đã hoàn tất việc bàn giao đất rừng cho cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình. Tuy nhiên việc thực hiện sao cho đúng với tinh thần chủ trương của Chính phủ vẫn còn nhiều khúc mắc.

14/11/2014 | Dương Út
116

TTO - Khoảng 20g tối 13-11, trong lúc đi thăm đáy đặt trên sông Sở Thường, người dân ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã bắt được một con cá tra dầu “khủng”.

NOV. 12, 2014 | SIMON ROMERO
117

In piranha-infested waters, fishermen go in search of the pirarucu, which can grow as long as seven feet and weigh more than 400 pounds, placing them in the ranks of freshwater megafish like the Giant Pangasius (often called the dog-eating catfish) and the Mekong giant catfish, both found in the distant Mekong River basin.
With overfishing and habitat degradation threatening such Goliaths in different parts of the world, riverbank dwellers and biologists in the Amazon are working together to save the pirarucu (pronounced pee-rah-roo-KOO) by prohibiting outsiders from catching the fish and overhauling their own methods of pursuing it.

16/11/2014 | David Smith
118

Masai told to leave historic homeland by end of the year so it can become a hunting reserve for the Dubai royal family
Tanzania has been accused of reneging on its promise to 40,000 Masai pastoralists by going ahead with plans to evict them and turn their ancestral land into a reserve for the royal family of Dubai to hunt big game.

10/11/2014 | Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
119

Đi đâu ở các tỉnh miền Trung, từ Phú yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... đều nhan nhản các nhà nuôi yến mà trên thực tế là các chuồng nhử yến bằng âm thanh để tận thu sản vật thiên nhiên. Điều này tạo ra cơn rối loạn thị trường yến sào tại Việt Nam.
Một người có ba nhà nhử yến tại Quảng Ngãi, tên Ngãi, chia sẻ: "Thì người Trung Quốc họ qua đó. Chi phí ít nhất trên tỷ, tiền xây thì bình thường nhưng tiền máy nhử yến đó, nhiều tiền lắm. Nói chung là nhiều lắm chứ không phải đơn giản đâu."

27/11/2014 | Hoàng Vũ - Quốc Huy
120

Đám cưới vợ chồng trẻ được tổ chức vào ngày 23/11, tại ấp Tân Xuân, P.Trường Lạc (Q.Ô Môn). Cô dâu là Đặng Thị C.N. (SN 2000), chú rể là Trần Văn C. (21 tuổi, trú tại P.Châu Văn Liêm, Q.Ô Môn).
Lễ cưới được tổ chức tại nhà cô dâu, với hơn 10 bàn tiệc (trên 100 người), cùng với dàn nhạc sống linh đình.

29/11/2014 | L. Anh
121

TT - Đây là thông tin từ cuộc khảo sát trên 3.000 nữ sinh đang theo học tại 30 trường học ở Hà Nội, thực hiện vào tháng 3-2014.
Theo khảo sát, 78% các em tham gia trả lời cho biết từng nhận ít nhất một hình thức bạo lực giới tại trường học.
Hình thức bạo lực thường gặp nhất là bạo lực tinh thần, cụ thể là đánh giá về ngoại hình, gia cảnh; gán ghép tên nữ sinh kèm các biệt danh xấu, bị sỉ nhục bằng ngôn ngữ xúc phạm, bị phạt tại lớp học...

11/11/2014 | MARGARET TALBOT
122

To this day, the pill is the only medication we refer to as if it were the only medication. In fact, it’s probably the only object we label quite so generically. As Jonathan Eig points out in his new book, “The Birth of the Pill: How Four Crusaders Reinvented Sex and Launched a Revolution,” there is “no such thing as The Soap or The Vacuum or The Car,” but the oral contraceptive is different. The crusaders of Eig’s book referred to it in that singular way because it was a dream they had chased for so long, a silver bullet that actually turned out to be one. Some of the women who began asking their family doctors for the oral contraceptive when it first went on the market, in 1960, under the brand Enovid, called it “the pill” because it made the request more discreet. But the oral contraceptive—not penicillin or Prozac or Viagra—is still the pill, because it matters so much, in ways both thrillingly intimate and sweepingly sociological.

NOV. 4, 2014 | RUXANDRA GUIDI
123

CAÑAR, Ecuador — For the 60,000 residents of this rural county of green hills and small villages, migration is something of a rite of passage. The share of Cañar’s people leaving the country is greater than that of any other district in Ecuador. More than 70 percent of its households receive remittances every month, and rely on them to cover basic necessities.
The costs can be great, especially on children, who are left behind by their parents or also embark on the perilous treks, sometimes alone. But beyond the cautionary tales, Cañar also stands for one of the great overlooked benefits of migration: unprecedented access to education and jobs, freedom of movement and financial independence for women, especially indigenous women, whether they left and returned, or never left.

NOV. 19, 2014 | WAQAR GILLANI
124

LAHORE, Pakistan — A Pakistani court sentenced four men to death on Wednesday for the murder of Farzana Parveen, a pregnant woman who was bludgeoned to death in May for marrying the man of her choice.
Her father, a brother and two cousins were found guilty of the killing by the court, said Abdul Samad, a senior state prosecutor, after Wednesday’s hearing. Another cousin was sentenced to 10 years in prison on charges of abetting the crime.

NOV. 28, 2014 | DIONNE SEARCEY
125

Saudi Arabia’s oil reserves have helped make it one of the wealthiest countries in the Gulf region. At the same time, the Muslim nation is socially conservative, with rigid cultural attitudes and restrictions on women that include preventing them from driving.
Saudi Arabia is home to 20 million Saudi citizens, as well as several million foreigners. As of last year, roughly 680,0000 Saudi women were employed, less than 11 percent of adult women, in contrast to about four million Saudi men at work, or 60 percent, according to government figures.
The effort to find jobs for women could have big implications for Saudi society, which is why it is bound to stir controversy among the more traditional elements of the kingdom. If more women join the work force, overall attitudes about them could begin to change, much the same as happened in America decades ago when women went to work in huge numbers, said Patricia Cortes, associate professor of markets, public policy and law at Boston University.

NOV. 10, 2014 | SALMAN MASOOD
126

ISLAMABAD, Pakistan — A network of private schools on Monday unleashed a scathing public attack on Malala Yousafzai, the teenage Nobel laureate, in the most concerted assault yet on her reputation in her home country.
The All Pakistan Private Schools Federation, which claims to represent 150,000 schools across Pakistan, declared that Monday would be “I am not Malala” day and urged the government to ban her memoir, “I Am Malala,” because it offended Islam and the “ideology of Pakistan.”

NOV. 10, 2014 | LAURIE GOODSTEIN
127

Mormon leaders have acknowledged for the first time that the church’s founder and prophet, Joseph Smith, portrayed in church materials as a loyal partner to his loving spouse Emma, took as many as 40 wives, some already married and one only 14 years old.
The church’s disclosures, in a series of essays online, are part of an effort to be transparent about its history at a time when church members are increasingly encountering disturbing claims about the faith on the Internet.
Smith probably did not have sexual relations with all of his wives, because some were “sealed” to him only for the next life, according to the essays posted by the church. But for his first wife, Emma, polygamy was “an excruciating ordeal.”

NOV. 29, 2014 | Timothy Egan
128

Considering that it took the Mormon Church more than a century to acknowledge what scholars have long known to be true, it may take another hundred years for the elders in Salt Lake City to proclaim that the prophet, seer, revelator and founder of their religion was the kind of guy who would have to register with the police today before moving into a neighborhood.

03/11/2014 | Rebecca Solnit, TomDispatch | Op-Ed
129

And here’s what it all means: the winds of change have reached our largest weathervanes. The highest powers in the country have begun calling on men to take responsibility not only for their own conduct, but for that of the men around them, to be agents of change.

NOV. 1, 2014 | TAMAR LEWIN
130

NEW HAVEN — A sexual harassment case that has been unfolding without public notice for nearly five years within the Yale School of Medicine has roiled the institution and led to new allegations that the university is insensitive to instances of harassment against women.

NOV. 28, 2014 | By CLAIRE CAIN MILLER
131

Men generally expect that their careers will take precedence over their spouses’ careers and that their spouses will handle more of the child care, the study found — and for the most part, men’s expectations are exceeded. Women, meanwhile, expect that their careers will be as important as their spouses’ and that they will share child care equally — but, in general, neither happens. This pattern appears to be nearly as strong among Harvardgraduates still in their 20s as it is for earlier generations.

NOV. 19, 2014 | By VANESSA FRIEDMAN
132

Hyperbole aside, and now that the dust has somewhat cleared, whether you agree that it is ridiculous to pay attention to an ill-advised shirt when scientific enlightenment is in question, or you view the garment as a symptom of the problem of female underrepresentation in the sciences — and both positions have merit — I think the real moral of this particular story exists beyond personal politics and is fairly straightforward and universal: What you wear in public matters. Whomever you are, and whatever you do.

NOV. 26, 2014 | ALISON SMALE
133

BERLIN — Germany’s coalition government pledged Wednesday to introduce a bill mandating quotas for women on the supervisory boards of the country’s top companies, after a feud erupted this week when a leading conservative lawmaker told the minister of family affairs, a woman, to “stop whining” about the proposal.

NOV. 24, 2014 | By SEBNEM ARSU
134

ISTANBUL — President Recep Tayyip Erdogan on Monday used an international conference on justice and rights for women to declare that women should not be regarded as equal to men and that pregnancypresented an obstacle to equal opportunity in the workplace.
Mr. Erdogan also condemned feminists for rejecting motherhood.

NOV. 24, 2014 | By ROD NORDLAND
135

KABUL, Afghanistan — Afghan women have been systematically excluded from the government’s efforts to start peace talks with the Taliban, according to a report released on Monday by the international aid group Oxfam.
The report, “Behind Closed Doors,” echoes complaints made by many female leaders here. Among the issues they cite are that they have long felt marginalized in the country’s nascent peace process, and that they are worried that Afghanistan’s leaders will reach an agreement to reconcile with religiously conservative insurgents that will wipe out gains made by the nation’s women.

NOV. 27, 2014 | RICK ROJAS
136

GILBERT, Ariz. — The textbook, the one with the wide-eyed lemur peering off the cover, has been handed out for years to students in honors biology classes at the high schools here, offering lessons on bread-and-butter subjects like mitosis and meiosis, photosynthesis and anatomy.
But now, the school board in this suburb of Phoenix has voted to excise or redact two pages deep inside the book — 544 and 545 — because they discuss sexually transmitted diseases and contraception, including mifepristone, a drug that can be used to prevent or halt a pregnancy.

NOV. 14, 2014 | BILL CARTER
137

Criticism of one of television’s most beloved stars, Bill Cosby, is escalating with renewed attention to allegations that he sexually assaulted women in several incidents decades ago.
The latest indication is the cancellation of a planned appearance by Mr. Cosby, scheduled for Wednesday, on David Letterman’s late-night show on CBS.

NOV. 25, 2014 | JENNIFER STEINHAUER and RICHARD PÉREZ-PEÑA
138

CHARLOTTESVILLE, Va. — Shocked, tearful and at times defensive, members of the board that oversees the University of Virginia insisted that they would combat the problem of sexual assault on campus after a magazine article reported a gang rape at a campus fraternity and allegations that the university was more concerned about its reputation than a history of sexual assault embedded in its hard-drinking social life.
Experts in campus safety say that colleges and universities could cut down on binge drinking, and put a dent sexual assault and hazing, by expelling students and shutting down organizations for the most serious alcohol-related offenses. But moves like that would invite a backlash from parents and alumni, and administrators are unwilling to take the risk.

NOV. 16, 2014 | MONA ELTAHAWY
139

Egyptian government figures put therate of female genital mutilation among women ages 15 to 49 at 91 percent. Among teenagers 15 to 17, it is 74 percent. Unicef estimates that of the 125 million women worldwide who have undergone genital cutting in the 29 countries where it is most prevalent — mostly in Africa and the Middle East — one in five lives in Egypt.

18/11/2014 | Kate Hodal
140

The test is listed publicly as a requirement to enter the force and performed as part of the chief of police’s health inspection guidelines for new candidates, which requires women to complete an “obstetrics and gynaecology” exam.
While female recruits are also expected to be single and not marry until they have been in the force for a few years, Indonesia’s national police website claims they must also undergo virginity tests in addition to general medical and physical examinations, with the added warning: “So all women who want to become policewomen should keep their virginity.”

11/11/2014 | AP/The Guardian
141

Footage of Russian president wrapping a shawl around the chilly wife of Xi Jinping disappears from Chinese TV and internet
It was a warm gesture on a chilly night when Vladimir Putin wrapped a shawl around the wife of Xi Jinping while the Chinese president chatted with Barack Obama. The only problem: Putin came off looking gallant, the Chinese summit host gauche and inattentive.

NOV. 30, 2014 | THE EDITORIAL BOARD
142

Under a plain reading of the Pregnancy Discrimination Act, and also as a matter of fairness, pregnant workers should be treated no worse than employees who are injured on the job, and the Supreme Court should use the Young case to say so.

NOV. 30, 2014 | ADAM LIPTAK
143

The Supreme Court’s decision has the potential to affect the lives of millions of women, who make up 47 percent of the labor force and often work during and late into their pregnancies. According to the Census Bureau, an estimated 62 percent of women who had given birth in the previous year were in the labor force.
Women are the sole or primary breadwinners in 40 percent of American families with children, according to a Pew Research Center study. Whether employers are required to make accommodations for their pregnancies, women’s groups say, will make a tangible difference in the lives of many families.

NOV. 28, 2014 | JONATHAN SOBLE
144

TOKYO — The Yomiuri Shimbun, the conservative newspaper that is the largest-circulation daily in Japan, has apologized for using the term “sex slaves” to refer to the women many historians say were coerced into working in a sprawling network of brothels supervised by the Japanese military during World War II.
The Yomiuri’s apology Friday for the use of the term “sex slave” in its English-language edition over more than two decades came as the newspaper campaigns to correct what it sees as unduly negative portrayals of Japan’s wartime behavior.

20/11/2014 | CHUNG HOÀNG
145

YOU get older and you let things go. You say goodbye to the most isolating parts of your pride and, if you’re lucky, you slough off some of your pettiness.
You finally appreciate the wisdom of doing so, and you come to recognize that among multiple vantage points and an array of responses to a situation, you really can elect the most positive one.

24/11/2014 | H. NHI
146

Cán bộ xã đã nghỉ việc sẽ được tăng 8% lương hưu từ 1/1/2015. Thủ tướng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh lương hưu đối với cán bộ xã đã nghỉ việc, theo đó sẽ tăng 8% đối với toàn bộ đối tượng (không phân biệt thời điểm nghỉ hưu), thực hiện từ ngày 1/1/2015.

20/11/2014 | Nam Phương
147

Từ 1/1/2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 16 năm của lao động nam.
Sáng 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với tỷ lệ tán thành hơn 71% dù trước đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đề nghị không thông qua dự án luật tại kỳ này. Luật gồm 9 chương, 125 điều; dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

NOV. 8, 2014 | Frank Bruni
148

YOU get older and you let things go. You say goodbye to the most isolating parts of your pride and, if you’re lucky, you slough off some of your pettiness.
You finally appreciate the wisdom of doing so, and you come to recognize that among multiple vantage points and an array of responses to a situation, you really can elect the most positive one.

NOV. 3, 2014 | RAPHAEL MINDER
149

“This is an example of how the highest levels of Portuguese justice, besides being disconnected from society, insist and persist in denying the most basic rights of women that they should protect,” said Rosa Monteiro, vice president of the Portuguese Women’s Studies Association.
The widow in question, Maria, now 69, is a former house cleaner who has battled with the courts for nearly 20 years. She did not wish to reveal her full name because “she feels huge shame and also feels diminished as a woman,” said her lawyer, Vítor Manuel Parente Ribeiro.

Nov. 1, 2014 | Josh Sanburn
150

"In a way, the Death with Dignity movement has been waiting years for someone like Brittany Maynard"
“Goodbye to all my dear friends and family that I love,” she wrote on Facebook before dying. “Today is the day I have chosen to pass away with dignity in the face of my terminal illness, this terrible brain cancer that has taken so much from me … but would have taken so much more. The world is a beautiful place, travel has been my greatest teacher, my close friends and folks are the greatest givers. I even have a ring of support around my bed as I type. … Goodbye world. Spread good energy. Pay it forward!”

Nov. 2, 2014 | Dan Hirschhorn
151

Brittany Maynard, who moved to Oregon when diagnosed with terminal brain cancer so she could take advantage of the state’s physician-assisted suicide law, and whose eloquence in describing her decision to do so made her the new face of the right-to-die movement, died Saturday. She was 29 years old, and her death wasconfirmed by People on Sunday night.

05/11/2014 | THẾ PHÚ
152

Đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày Hội đồng quản trị (HĐQT) mới của trường ĐH Hoa Sen do đại hội cổ đông bất thường bầu lên (hôm 2/8). Vậy nhưng, cho tới nay, lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM vẫn chưa có bất cứ hành động nào để công nhận HĐQT này.

13/11/2014 | Quốc Anh
153

(Dân trí) - Việc Hội đồng khảo thí Quốc tế Cambbridge (CIE) đột ngột chấm dứt chương trình thí điểm dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh tại thành phố Hồ Chí Minh mà không có lý do gây bức xúc trong dư luận thời gian qua được lý giải bởi yếu tố lợi nhuận.

17 tháng 3 2014 | Bùi Văn Phú
154

Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay đã có trên 450 suất học bổng VEF cấp cho sinh viên Việt Nam. Ngân sách VEF hiện nay là 5 triệu đôla để tài trợ cho 40 sinh viên mỗi năm. Quỹ sẽ chấm dứt hoạt động vào năm 2018 nếu không được quốc hội gia hạn.

05/11/2014 | Joe Pinsker (Hoàng Tuấn Anh dịch)
155

Khung pháp lý hoàn chỉnh và truyền thống hiến tặng được xem như những lý do chủ yếu giúp các đại học tư thục ở Mỹ phát triển theo định hướng nghiên cứu. Tuy vậy, thực tế này không phải là không có những bất cập. Bài viết dưới đây của nhà báo Joe Pinsker, đăng trên The Atlantic ngày 21/10 vừa qua chỉ ra những bất cập này.

NOV. 27, 2014 | By SAM ROBERTS
156

After Philippe de Montebello agreed at breakfast two decades ago to name the Metropolitan Museum of Art’s Roman Sculpture Court, in perpetuity, for the philanthropists and antiquities collectors Leon Levy and his wife, Shelby White, Mr. Levy predictably, but politely, posed an impertinent question.
“I asked him, How long is ‘in perpetuity’?”
“For you, 50 years,” Mr. de Montebello, the museum director, replied.
The couple’s daughter was only in her 20s then, so to spare her any bruised feelings if the family name were supplanted during her lifetime, Mr. Levy proposed to redefine perpetuity at 75 years. Mr. de Montebello agreed; the Metropolitan got its $20 million gift, the largest cash donation up to that time.
“It’s like in ‘Alice in Wonderland’: ‘When I use a word, it means just what I choose it to mean — neither more nor less,’ ”

NOV. 20, 2014 | RICHARD PÉREZ-PEÑA
157

The university’s Board of Regents voted, 14-7, to approve tuition increases of up to 5 percent in each of the next five years, a compounded increase of as much as 27.6 percent. The elected officials on the board, led by Gov. Jerry Brown, opposed the plan, which had been proposed and championed by Janet Napolitano, the president of the university system.

11/11/2014 | Marian Wang, ProPublica
158

The North Carolina State Board of Education has issued a warning to a charter-school chain for failing to comply with an agency order to disclose the salaries of school administrators. The schools have been put on "financial probationary status," which could lead to sanctions if their board does not comply within 10 business days.

NOV. 19, 2014 | JOHN SCHWARTZ
159

A group of Harvard students, frustrated by the university’s refusal to shed fossil fuel stocks from its investment portfolios, is looking beyond protests and resolutions to a new form of pressure: the courts.
The seven law students and undergraduates filed a lawsuit on Wednesday in Suffolk County Superior Court in Massachusetts against the president and fellows of Harvard College, among others, for what they call “mismanagement of charitable funds.” The 11-page complaint, with 167 pages of supporting exhibits, asks the court to compel divestment on behalf of the students and “future generations.”

NOV. 9, 2014 | GINANNE BROWNELL
160

Opportunities for higher secondary and university placement do not come easily for students who live in poor and rural communities in Nepal, one of the world’s poorest countries. Passing the S.L.C. — a requirement to go on for higher secondary school — is the first barrier. According to Nepal’s Central Bureau of Statistics, the total passing rate this year was 43.9 percent, of which 78 percent came from private schools.
Fewer than 30 percent of public school students passed the exams. For those who did pass and who live in poor rural communities, public higher secondary schools are often too far away for a daily commute.

02/11/2014 | George Joseph, The Nation
161

While Teach For America may lack insider influence in certain progressive media outlets, the organization, which represents less than 0.2 percent of America’s teaching force, enjoys disproportionate sway in the political realm, from local school districts to federal agencies. Sixty-three percent of recruits work, as Teach For America puts it, “full time in education,” yet a 2010 study found that 80 percent of Teach For America recruits quit after three years. The disparity suggests that while TFA recruits may not be able to stomach teaching, they do feel up to the task of other education-sector activities, like policy reform and foundation management. In fact, TFA founder Wendy Kopp designed the organization to facilitate just such a transition for corps members.

NOV. 24, 2014 | RACHEL ABRAMS
162

Minnesota’s attorney general has accused Savers Thrift Stores of pocketing more than $1 million that should have gone to charities including the Lupus Foundation of Minnesota and Vietnam Veterans of America.
The legal office said that Savers, a privately held company based in the Seattle area, routinely misrepresented how much money it raised for nonprofit groups through clothing drives and other donations from customers. Savers would keep nearly all the money it raised from the sale of such items, the attorney general said in a report released on Monday.

13/11/2014 | Ngọc Hậu
163

TT - Thời gian qua, nhiều sinh viên đang học ĐH hệ cử tuyển của tỉnh Tây Ninh theo học không nổi hoặc ở lại lớp khiến nhiều người nghi ngại.
Đơn cử trong năm học 2013-2014, UBND tỉnh Tây Ninh cử 17 sinh viên đi học theo chế độ cử tuyển nhưng có đến sáu sinh viên lưu ban. Trong đó có hai trường hợp phải cho nghỉ học, một trường hợp không theo học nổi xin nghỉ học và một trường hợp xin xuống hệ CĐ học, nhưng trường không có hệ CĐ nên Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh phải cho nghỉ.

08/11/2014 | Vũ Thơ - Mỹ Quyên
164

Một số trường ĐH thông báo tuyển sinh hệ liên thông chính quy chỉ cần xét tuyển học bạ THPT. Trong khi đó, quy định của Bộ GD-ĐT yêu cầu đối với hệ đào tạo này thí sinh buộc phải dự thi.

28/11/2014 | Thu Hang
165

22 sinh viên bị “đình chỉ” thi tốt nghiệp sau 4 năm theo học bởi một quyết định vào phút chót của ĐH Y dược Thái Nguyên. Bức xúc, họ kéo lên hội đồng thi phản đối thì Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược Thái Nguyên cho biết: “Tôi không có chức năng, thẩm quyền giải quyết và trả lời các câu hỏi”.

08/11/2014 | Khánh Hiền
166

(Dân trí) - Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) sẽ đề xuất đặc cách tuyển thẳng cho thí sinh đặc biệt là ông Lê Phước Thiệt (ở Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) - thí sinh 81 tuổi vừa nộp hồ sơ đăng ký thi cao học tại trường.

14/11/2014 | HOÀI LINH
167

Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu mọi máy bay ngừng cất cánh, hạ cánh, dẹp đường, dừng các cuộc tập trận... để học sinh thi đại học trong yên tĩnh.
DailyMail đưa tin, hôm 13/11, khoảng 650.000 thí sinh dự kỳ thi đại học đầu vào hàng năm. Đây là kỳ thi vô cùng quan trọng đối với người trẻ tại Hàn Quốc, vì nó không chỉ ảnh hưởng tới nghề nghiệp tương lai mà còn tới cả hôn nhân của họ sau này.

16/11/2014 | THU PHƯƠNG
168

Theo AFP đưa tin, tối 12/11, buổi tối ngay trước ngày diễn ra kỳ thi đại học ở Hàn Quốc, một học sinh 17 tuổi đã nhảy lầu tự sát ngay tại thủ đô Seoul. Cha mẹ của nạn nhân cho biết cậu bé đã trở nên vô cùng căng thẳng và sa sút tinh thần khi kỳ thi ngày một tới gần.
Từ sáng 13-11, ở Hàn Quốc, gần 650.000 học sinh bắt đầu kỳ thi đại học tại 1.257 địa điểm trên toàn quốc. Ở quốc gia này, việc thi đỗ đại học, đặc biệt là đỗ vào những trường đại học danh tiếng được ví như là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn tới một tương lai tươi sáng ổn định và cả... hạnh phúc trong hôn nhân.

29/11/2014 | Minh Viet
169

Việc chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này được bắt đầu ngay từ khi học tiểu học. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, các bậc cha mẹ đã chi tới 17,5 tỷ USD, khoảng 1,5% GDP của quốc gia này vào việc học thêm của con mình trong năm 2013.
Người Hàn Quốc có câu nói rằng “tứ đang ngũ lạc” có nghĩa là nếu ai chỉ ngủ 4 tiếng một ngày thì sẽ thi đỗ và ghi tên bảng vàng còn nếu như ngủ tới 5 tiếng một ngày thì sẽ chẳng đỗ đạt gì hết. Áp lực về thi đại học cũng là nguyên nhân khiến không ít sinh viên Hàn Quốc bị trầm cảm và thậm chí một số còn tự kết liễu đời mình.

24/11/2014 | THEO AFP
170

Tờ AFP đưa tin, ngày hôm nay 24/11, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc đã lên tiếng xin lỗi toàn thể người dân và người đứng đầu giám sát các kỳ thi cũng đã nộp đơn từ chức do đề thi đại học có sai sót.
Bộ Giáo dục cho biết sẽ chấp nhận đáp án “gần đúng”. Giới truyền thông Hàn Quốc dự báo với quyết định này, khoảng 4.000 học sinh sẽ được nâng điểm. Ông Kim Sung-Hoon, chủ tịch Viện Giáo trình và đánh giá (KICE), cơ quan giám sát các kỳ thi, cho biết đã nộp đơn từ chức để nhận trách nhiệm.

18/11/2014 | Hà Ánh
171

Bộ GD-ĐT cho phép một số địa phương ngoài khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ) được hưởng chính sách đặc thù về đào tạo nhân lực cho địa phương, nhưng lại e ngại chính sách này bị lợi dụng.
Bản thân Bộ cũng rất lo ngại về điều này, bởi nếu không cẩn thận chính sách sẽ bị lợi dụng. Đó là lý do Bộ gắn trực tiếp và toàn bộ trách nhiệm lên địa phương, mà cụ thể là UBND tỉnh. Tỉnh phải đứng ra khảo sát nhu cầu, đề xuất với Bộ, trực tiếp tuyển lựa người học theo đúng quy định cho đến khâu sử dụng lao động.

05/11/2014 | VÕ HƯƠNG - QUANG QUÝ
172

TTO - “Chạy đua” cho con vào các trường chuyên, nhiều phụ huynh đã tìm mọi cách "nạp" kiến thức các em bằng việc cho đi học thêm, luyện thi từ nhỏ.

07/11/2014 | LÊ HUYỀN
173

Trước quy định mới của Bộ GD-ĐT về việc không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6, lãnh đạo Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, sẽ chờ kế hoạch của UBND TP.HCM.

03/11/2014 | Thùy Trang
174

TT - Học sinh học giỏi, đoạt giải ba toán Olympic và giải nhất vở sạch chữ đẹp vẫn bị cô giáo đề nghị phụ huynh đưa con đến nhà học thêm...
Học phí mỗi tháng từ 350.000-400.000 đồng, tuần học ba buổi từ 6g-8g30 đối với học sinh lớp 2, 3, 4. Còn học sinh lớp 1 và 5 học phí từ 450.000-500.000 đồng.
Thậm chí có phụ huynh vẫn đóng tiền cho con học thêm nhưng không đưa con đến học. Phụ huynh thắc mắc phần lớn học sinh đều học hai buổi ở trường sao vẫn không thể tiếp thu đủ bài vở?

06/11/2014 | KIỀU OANH
175

Chiều tối 5/11, phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Đức Hữu đã có trao đổi với VietNamNet về quy định: Cấm các trường tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 và làm rõ hơn về việc tổ chức các sân chơi trí tuệ cho học sinh tiểu học.

05/11/2014 | Mỹ Dung
176

TT - Việc học trường công nửa chừng chuyển sang trường quốc tế, tư thục... chưa phải hiện tượng phổ biến, nhưng nó thể hiện nhu cầu người học cần một nền giáo dục cao hơn.
Theo lời của các hiệu trưởng trường công lập, sở dĩ các trường yêu cầu học sinh phải học ngày học đêm là do áp lực thi cử. Học sinh công lập phải thi tuyển từ lớp 9 lên lớp 10, thi tuyển sinh vào đại học.

06/11/2014 | Thái Lộc
177

TT - Các phòng giáo dục cấp huyện, thành phố của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang loay hoay xử lý tình trạng thừa giáo viên (GV).
Còn GV thì hoang mang không biết thuộc diện ở lại trường hay phải điều chuyển đi nơi khác.
Sự việc xuất phát từ quy định mức học sinh (HS) tối thiểu mỗi lớp do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành vào tháng 7-2014.
Tại TP Huế, tỉnh quy định cấp tiểu học tối thiểu 33 học sinh/lớp, THCS và THPT 42 HS/lớp. Hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông, cấp tiểu học tối thiểu 24 HS/lớp, THCS và THPT 31 HS/lớp.

29/11/2014 | Hai Binh
178

Bốn điểm yếu của sinh viên sư phạm được PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - thẳng thắn chia sẻ. Nhìn thẳng vào những điểm yếu này, các trường sư phạm sẽ có những cách thức đổi mới hoạt động đào tạo phù hợp trong bối cảnh hội nhập.

28/11/2014 | Tran Van Tuan
179

Cái quan trọng nhất không phải chúng ta không muốn sử dụng nhân tài mà là chúng ta không có khả năng sử dụng họ.

28/11/2014 | Nguyễn Anh Thi
180

Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nếu muốn đi làm công nhân cũng chưa chắc đã "đắt", bởi nhà tuyển dụng sẽ nghi ngại nhiều thứ.

26/11/2014 | NGÂN ANH
181

Ba học sinh đoạt huy chương trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2014 vừa được tặng học bổng tiếng Anh, trị giá 104 triệu đồng/ suất, để thực hiện mong muốn sang Mỹ du học.
Tất cả 6 học sinh tham gia đội tuyển Olympic Toán quốc tế năm 2014 đều chọn Mỹ là điểm đến cho mong muốn du học của mình. Đến thời điểm này, Phạm Tuấn Huy đã nhập học tại ĐH Stanford với học bổng toàn phần. Hồ Quốc Đăng Hưng đang làm hồ sơ. Vương Nguyễn Thùy Dương cũng đang chuẩn bị cho hành trình du học.

03/11/2014 | Phạm Hiệp – Đàm Quang Minh
182

Lời tòa soạn: Trong bài viết mang tựa đề “Thu nhập thực của giảng viên đại học Việt N¬am ở mức khá cao so với thế giới”, các tác giả Phạm Hiệp và Đàm Quang Minh đã nêu ra những kết quả sơ bộ của một điều tra gần đây do một nhóm các nhà khoa học đang làm việc và học tập tại Trường Đại học FPT và Trường Đại học Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan) thực hiện.Dưới đây là nội dung bài viết.

04/11/2014 | Hồng Hạnh
183

(Dân trí) - Sau khi Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT và tác giả Phạm Hiệp công bố nghiên cứu khảo sát về lương giảng viên Việt Nam có thu nhập cao nhất hơn 1 tỷ đồng/năm gây bất ngờ lớn, liệu khảo sát này có đúng với mức thu nhập thực tế, có khách quan? Nguồn thu nhập từ đâu?... PV Dân trí đã có trao đổi với TS Đàm Quang Minh về vấn đề này.
Còn đối với trường tư, ví dụ như ĐH FPT thì mức lương như thế nào, thưa ông?
Trường Đại học FPT khá minh bạch trong việc lương giảng viên. Chúng tôi coi trọng giảng viên và so với thu nhập chung thì lương giảng viên ở mức cao so với các cán bộ trong trường. Tổng mức thu nhập của giảng viên nằm trong khoảng 200 - 700 triệu đồng một năm trong đó mức thu nhập tối thiểu cam kết là 136 triệu cho giảng viên cơ hữu. Mức tối thiểu là mức dành cho giảng viên kể cả khi giảng viên không dạy bất kỳ giờ nào.
Ngoài ra, khi các giảng viên nghiên cứu cũng sẽ có thêm thu nhập. Người có thu nhập từ nghiên cứu lớn nhất của chúng tôi đến nay là khoảng 400 triệu.

04/11/2014 | Hạ Anh
184

“Báo cáo cập nhật giáo dục đại học tháng 7/2014” của 7 ngành khoa học kỹ thuật tại 14 trường ĐH lớn của Việt Nam do các GS Hoa Kỳ thực hiện đã đưa ra một số quan sát đáng lưu tâm, đặc biệt là những vấn đề về đội ngũ giảng viên.
Theo phản hồi của các điều tra, lương trung bình của giảng viên có bằng cử nhân là 183 USD/tháng, 250 USD/tháng (thạc sĩ) và 368 USD (tiến sĩ); còn mức lương trung bình của cán bộ quản lý là 407 USD.
“Tuy nhiên, lương cũng chưa nói lên thu nhập. Lương của giảng viên tại VN được tính theo số giờ lên lớp, chính vì vậy các giảng viên có xu hướng dạy quá nhiều, dạy thêm ở các trường khác” – báo cáo viết.

04/11/2014 | NGÂN ANH
185

"Thiếu chuyên nghiệp và thu nhập cao hơn đồng nghiệp nước ngoài” là nhận định của ông Đàm Quang Minh - hiệu trưởng Trường ĐH FPT - một trong hai tác giả tải bài viết “Thu nhập giảng viên cao nhất lên đến hơn 1 tỷ/năm.VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Minh.
- Sau khi công bố kết quả này, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi cả ủng hộ và cả hoài nghi. Chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu 40 nhà khoa học, giảng viên ở các nhóm trường khác nhau để tìm ra câu trả lời. Những người được phỏng vấn đều rất nghiêm túc và có dẫn chứng từ việc đóng thuế thu nhập cá nhân.

04/11/2014 | Thu Trang
186

Hội nhập kinh tế khiến xuất hiện hàng trăm công ty Việt có người Tây làm thuê. Đây cũng là lúc bắt đầu xuất hiện những rào cản ngôn ngữ rất lớn, dù sếp Việt đã có vốn tiếng Anh được gọi là khá ổn.

23/11/2014 | Hoàng Mạnh
187

(Dân trí) - “Lao động Việt Nam chiếm 1/4 lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc, mỗi năm gửi về nước khoảng 700 triệu USD. Hiện nay, tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hợp đồng lên tới 39%, khiến nguy cơ phía Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động trong năm 2015 rất lớn”.

15/11/2014 | Theo NLD
188

Trước tình hình Nhật Bản gia tăng tuyển dụng lao động Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam đã chuyển hướng khai thác thị trường này
Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam, đến hết tháng 10-2014, đã có 16.282 lao động (LĐ) Việt Nam đến Nhật Bản để làm việc. Đây là năm đầu tiên Việt Nam vượt mốc đưa 15.000 LĐ sang Nhật Bản.

09/11/2014 | VĂN CHUNG
189

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong sớm thống nhất với Bộ Nội vụ điều chỉnh Nghị định 29 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức hoặc quy chế 25/2006 của Bộ GD-ĐT về đào tạo ĐH-CĐ chính quy.
Cụ thể, Điều 12 tại Nghị định 29/2012 của Chính phủ quy định Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1.

08/11/2014 | LÊ LAN THẢO
190

Một nhân viên kỹ thuật người nước ngoài có lần vào kiểm tra nhà vệ sinh nữ, đã nhún vai: "Chúng mày không khá nổi là vậy!".
Tôi là cán bộ nhân sự ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM. Tôi ăn lương của chủ nên như người ta nói: "Ăn cơm chúa, phải múa tối ngày" hoặc "Ăn cây nào rào cây ấy". Tuy nhiên, tôi không mù quáng bênh vực những việc làm sai trái mà muốn có một tiếng nói công bằng.

22/11/2014 | Mỹ Quyên
191

Sinh viên hiện phải học rất nhiều thứ nhưng lại xa rời thực tiễn. Chính vì vậy, khi ra trường họ không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
N.D, cựu sinh viên (SV) ngành kế toán của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hiện đang làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN, cho biết: “Trong suốt gần 3 năm học đầu tiên, tụi em hằng ngày cứ đến lớp học lý thuyết rồi về. Đến cuối năm 3 mới bắt đầu làm bài tập lớn và năm 4 mới đi thực tập. Những bài thực hành để trải nghiệm về nghề hầu như không có”.

NOV. 7, 2014 | By SHARON OTTERMAN
192

Seven of the eight professors who were dismissed in late September from the General Theological Seminary, the nation’s oldest Episcopal seminary, will return to their classrooms on Monday.
The conflict that led to their departure, however, remains far from resolved.

NOVEMBER 24, 2014 | Robert Reich
193

Last year, Americans with four-year college degrees earned on average 98 percent more per hour than people without college degrees. In the early 1980s, graduates earned 64 percent more.
But here’s the qualification, and it’s a big one.
A college degree no longer guarantees a good job. The main reason it pays better than the job of someone without a degree is the latter’s wages are dropping.

NOV. 21, 2014 | JENNIFER MILLER
194

There are 250 Jewish private schools in New York City, and though some schools, like Ramaz on the Upper East Side, have intensive secular curriculums, many do not. Nearly one-third of all students in Jewish schools are “English language learners,” according to the city’s Department of Education. Yiddish is the Hasidic community’s first language, and both parents and educators report that many boys’ schools do not teach the A B C’s until children are 7 or 8 years old. Boys in elementary and middle school study religious subjects from 8 a.m. to 3:30 p.m. followed by approximately 90 minutes of English and math. At 13, when boys formally enter yeshiva, most stop receiving any English instruction.

25/11/2014 | NGAN ANH
195

Khi GS Lê Quang Long nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2014, đã có rất nhiều ý kiến thắc mắc tại sao, một nhà giáo có 65 năm tận tuỵ với nghề, có đóng góp to lớn với sự nghiệp khoa học kĩ thuật… đến lúc này mới được phong tặng?
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ từng bày tỏ: “Thầy Lê Quang Long là thầy dạy, sau này là đồng nghiệp của tôi. Tôi kính trọng tài năng, đạo đức và mong muốn thầy trở thành Nhà giáo nhân dân trong nhiều năm về trước. Nhiều lần tôi đã đề nghị thầy làm thủ tục theo cơ chế của Nhà nước nhưng thầy Long không làm vì cho rằng phục vụ nhân dân tốt là được rồi…”.
Thủ tục giấy tờ được một số nhà giáo chia sẻ là nguyên nhân khiến nhiều người “ngại” khi được đề nghị làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.
Bởi theo Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân (NGND), nhà giáo ưu tú (NGƯT), có tới cả trăm quy định, thủ tục để các nhà giáo được phong tặng các danh hiệu này

21/11/2014 | Mạnh Minh
196

Với cô Nguyễn Thu Quyên, giáo viên môn Lịch sử của trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), năm 2014 là năm nhiều tin vui khi cô liên tiếp nhận được các giải thưởng cấp ngành ghi nhận các sáng kiến giảng dạy môn Lịch sử của một giáo viên trẻ tâm huyết với nghề.
Gần đây nhất, tháng 8/2014, sáng kiến “Sử dụng phim tư liệu trong dạy học Lịch sử” của cô đoạt giải Nhất cấp ngành ở tỉnh; tháng 9/2014, sáng kiến “Bài giảng trực tuyến về phong trào Tiếng sấm Đường 5” tiếp tục giải Nhất và được gửi dự thi cấp Quốc gia.

11/11/2014 | Mai Viết Tăng
197

(Dân trí) - Rời quê hương Thanh Hóa đến với vùng kinh tế mới Đăklăk từ năm 19 tuổi và gắn bó với nghề suốt 37 năm qua, thầy Nguyễn Hữu Tuân Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở xã Cư Pui, được nhiều người dân và đồng nghiệp biết đến không chỉ là một “con chim đầu đàn” của ngành giáo dục huyện Krông Bông, mà còn là một gia đình có 3 thế hệ cùng làm nghề dạy chữ.

6/11/2014 | Hoàng Thùy
198

Nhận thấy thạc sĩ Đặng Minh Tuấn là người có chuyên môn vững vàng và uy tín, trường THPT FPT đã mời về làm việc theo diện "cầu hiền". Đây là diện tuyển dụng đặc biệt dành cho những cá nhân có chuyên môn cao.
Trước đó, thạc sĩ Đặng Minh Tuấn - người từng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Toán học, Vật lý như: Giải nhì quốc gia môn Vật Lý, nhận học bổng của ĐH Paris XI, thạc sĩ tại ĐH Lyon I và thực tập tại Trung tâm năng lượng nguyên tử châu Âu... nhưng lại thi trượt viên chức khiến nhiều người tiếc nuối. Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng chuyện người học thạc sĩ ở Pháp không thi đỗ viên chức là bình thường.

18/11/2014 | Hoàng Thùy
199

"Trường hợp thạc sĩ Đặng Minh Tuấn thi vào THPT chuyên Amsterdam, nếu Sở Giáo dục xem xét, thấy đủ điều kiện thì tuyển thẳng đặc cách đều phù hợp với quy định của pháp luật", Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói.

Chén trà thứ 2
NOV. 24, 2014 | By YASCHA MOUNK
1

A new lawsuit filed on behalf of Asian-American applicants offers strong evidence that Harvard engages in racial “balancing.” Admissions numbers for each racial and ethnic group have remained strikingly similar, year to year. Damningly, those rare years in which an unusually high number of Asians were admitted were followed by years in which especially few made the cut.

01/11/2014 | THU PHƯƠNG
2

Gần đây, nhiều tờ báo của Trung Quốc đã ‘lên tiếng’ cáo buộc Doraemon – nhân vật hoạt hình nổi tiếng thế giới của Nhật Bản đang hủy hoại tư tưởng của giới trẻ nước này.
Kể từ khi ra mắt cách đây 45 năm, chú mèo Doraemon đã trở thành một trong số những nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất ở châu Á.
Nhà bình luận Vương Đức Hoa của tờ Hoàn Cầu Thời báocòn cảnh báo: “Nhân vật Doraemon rất đáng yêu, nhưng cũng là đại diện cho quyền lực mềm của Nhật Bản. Chúng ta không thể để một con mèo máy điều khiển tâm trí của chúng ta được.”

NOV. 20, 2014 | DAN BILEFSKY
3

The French are fulminating over the game, Assassin’s Creed Unity, not because of excessive violence as Americans might, but over its historical inaccuracy and political slant. Critics on the left say the game undercuts a cherished narrative of the French Revolution — the miserable masses rising up against an indulged nobility.
Set in a meticulously rendered three-dimensional Paris during the French Revolution in 1789, the game is part of a popular series whose previous versions have been set during events like the Crusades and the American Revolution. The series, made by the French company Ubisoft, has sold nearly 80 million copies since it was introduced in 2007.

11/11/2014 | VAUHINI VARA
4

Alibaba, it turns out, has discovered a holiday of its own to exploit for commercial purposes. It’s called Singles’ Day, and, according to its own lore, it began in 1993, when a bunch of uncoupled students at Nanjing University, in China, decided to throw themselves a party to celebrate their bachelorhood. They called it Bachelors’ Day at first, and chose the date on the calendar most imbued with singleness—November 11th, or 11/11.

17/11/2014 | Gary Nunn
5

It’s not just pigs, the onomatopoeia we apply to most animal sounds varies delightfully across different tongues. What does this reveal about our relationship with language?
Just try, for example, not to smirk when you discover that dogs bau bauin Italian and guf guf in Spanish. Or that the sound for cows begins with ‘m’ in every language where records exist except Urdu, where theybaeh. Similarly, Japanese is the only language where a cat mewing doesn’t begin with ‘m’. Instead, cats go nyan nyan

21/11/2014 | ĐĂNG DUY
6

Chương trình Quà tặng cuộc sống của VTV3 tối 19/11 phát câu chuyện "Nhặt xương cho thầy" khiến nhiều nhà giáo bức xúc cho rằng hình ảnh người thầy méo mó.

21/11/2014 | VTV VN
7

Báo điện tử VTV lúc 18h18 ngày 21/11 đăng tải phản hồi chính thức về việc phát sóng chương trình Quà tặng cuộc sống với câu chuyện "Nhặt xương cho thầy".

21/11/2014 | PV
8

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, dù với bất cứ động cơ nào thì phim “Nhặt xương cho thầy” phát ngày trong dịp 20 -11 gây phản cảm, xúc phạm tình cảm nhiều người. Chúng tôi sẽ xem xét xử lý.

21/11/2014 | ICT NEWS
9

Trưa ngày 21/11/2014, Bộ TT&TT ban hành quyết định xử phạt Đài truyền hình Việt Nam (VTV) 30 triệu đồng vì đã phát sóng câu chuyện "Nhặt xương cho thầy" gây phản cảm, xúc phạm các thầy cô giáo.

15/11/2014 | VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG
10

Không hiểu vì sao tình thầy trò giờ không còn ấm áp như xưa nữa? Xã hội thay đổi chăng? Ngày nhà giáo đến, hàng ngàn ý kiến gửi gắm về ngày 20-11…
Chỉ trong vài ngày, hàng ngàn chia sẻ gửi về Tuổi Trẻ. Nhiều bạn đọc trong đó có cả những người đang làm thầy cô giáo cho biết họ cảm thấy rất chạnh lòng khi mỗi độ ngày nhà giáo Việt Nam đến gần. Quà cáp, phong bì… khiến hình ảnh, không khí của ngày dành riêng cho những người làm nghề cao quý trở nên nhạt nhòa.
PH học sinh Trần Minh Quang (Q.3, TP.HCM) thừa nhận: “Đúng là bây giờ, ngày nhà giáo, không còn cảnh các em hồn nhiên rủ nhau đến nhà thầy cô để chúc vui như ngày xưa. Ngày nay, PH chúng tôi quá bận rộn, các em phải học hành liên tục, việc chúc mừng thầy cô thật qua loa chiếu lệ. Nhiều PH gởi phong bì đến trường, xem như xong!”.

16/11/2014 | Vĩnh Hà
11

"Bộ GD-ĐT chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ và Cơ quan Đại diện của Bộ tại TP.HCM nhân dịp 20-11".

17/11/2014 | Hoài Nam
12

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh có suy nghĩ đi quà 20/11 thầy cô bằng phong bì thì con mình sẽ được quan tâm, ưu ái hơn. Ít ai nhìn trực diện rằng - nếu điều đó có thật - cũng không hề tốt cho trẻ.
Khi tặng quà cho giáo viên của con ngày 20/11, không ít phụ huynh có mục đích rất rõ ràng: để con được thầy cô quan tâm, ưu ái. Việc phụ huynh đi quà thầy cô bằng “phong bì” phần lớn cũng xuất phát từ mong muốn này của phụ huynh.

18/11/2014 | NGÂN ANH
13

Mặc cho Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT ra thông báo không tiếp khách hay chỉ nhận bưu thiếp, hoa điện tử..., phụ huynh thành phố vẫn náo nhiệt chuẩn bị những món “quà thật” tặng giáo viên, như một điều không thể không làm.
“Phong bì” là lựa chọn hàng đầu của đa số phụ huynh. “Ngày chưa có con ghét nhất là nghe các chị bàn chuyện đi phong bì cho cô dịp lễ tết. Nhớ hồi còn bé, ngày 20/11 cả lớp mua cân cam với bó hoa đến nhà cô chơi, cô ngồi cắt cam cho ăn, lại còn tốn thêm bánh kẹo, vui tưng bừng. Sau này về thăm thầy, cô giáo cũ cũng chỉ hoa hoặc một món quà nhỏ.

19/11/2014 | Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
14

Và khi hỏi về một vị thầy của các thầy giáo tốt, người ta buộc phải nói đến hệ thống tư tưởng trong giáo dục cũng như cái lõi, hạt nhân tư tưởng của nó. Hay nói khác đi là một nền giáo dục tốt phải có một hệ thống triết lý giáo dục thật tốt, khoa học và coi trọng nhân tính. Nếu một hệ thống giáo dục chỉ mãi miết chạy theo thành tích, bằng cấp và doanh thu thì đến một ngày nào đó, cả hệ thống giáo dục này sẽ chuyển hoá thành một thế lực phản giáo dục, và đây là thời điểm Việt Nam đang nổi trội tính phản giáo dục của mình.
Chính vì thiếu một hệ thống triết lý giáo dục xuyên suốt và nhầm tưởng tư tưởng Mác - Lê Nin là triết lý giáo dục nên càng ngày, cơ chế giáo dục Việt Nam càng lún sâu vào thực dụng, coi trọng vật chất nhưng lại thiếu vắng sự cao quí của tinh thần thông tuệ. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyện Việt Nam hiện tại rất khó tìm ra một người thầy đáng kính cho học sinh.

19/11/2014 | Hòa Ái, phóng viên RFA
15

Cô giáo Xuân Mai ở Vĩnh Long tâm sự với Hòa Ái những gì cô đang trãi qua trong cuộc đời dạy học hơn 30 năm:
“Cô có nỗi buồn là những việc mình làm là vì cộng đồng, vì đất nước, vì quê hương của mình rõ ràng vậy nhưng thầy cô giáo không hiểu. Những giáo viên đảng viên thì nghĩ mình là phản động. Còn những thầy cô giáo hiểu biết thì cũng không dám lên tiếng. Người ta biết những việc làm của mình là đúng nhưng người ta không dám nói vì sợ hãi. Chỗ cô ở là nông thôn, người ta đâu có đọc báo trên internet này kia nọ. Em tưởng tượng giáo viên dạy toán giờ này mà còn nói ‘yêu nước là phải chống Mỹ’. Giáo viên dạy văn thì không biết ‘Nhân văn Giai phẩm’ là gì, bây giờ vẫn nói Lê Văn Tám là anh hùng liệt sĩ. Thầy cô ít tai chịu đọc báo trên internet lắm. Quan niệm của thầy cô giáo là báo chí phản động không nên đọc, không nên xem, chỉ xem những báo trong nhà trường quy định. Cho nên trong mắt những thầy cô đó cho rằng cô là phản động”.

16

Vậy thì vì sao mọi người phải đặt nặng chuyện quà cáp cho thầy cô trong ngày này đến vậy ?
Các bậc Cha Mẹ hãy dạy con mình biết ơn ai đó một cách chân thành, hãy dạy con mình rằng không phải tiền là sức mạnh quyền năng, hãy cho con mình hiểu rằng ngoài Cha Mẹ ra, các Thầy Cô chính là bệ phóng tương lai của chúng , là những người không cùng máu mủ nhưng luôn sẵn lòng yêu thương chúng bất vụ lợi. Các vị hãy cùng chúng tôi giúp cho con quý vị trưởng thành với một trái tim nguyên vẹn không méo mó vì đồng tiền .Bởi vì một ngày nào đó chúng cũng sẽ dùng đồng tiền thay thế cho tình yêu của chúng dành cho Cha mẹ.

20/11/2014 | Quỳnh Trang
17

Từng coi việc nhận phong bì là nghiễm nhiên, xứng đáng với công sức mình bỏ ra, khi thay đổi môi trường, cô Thu mới hiểu, giá trị của mình bị đồng tiền hạ thấp. Không nhận phong bì ở trường mới nữa, cô thấy hạnh phúc nhân lên nhiều lần.

20/11/2014 | VÂN HÀ
18

“Tặng hoa cũng được, tặng quà cũng được, tặng gì thì tặng nhưng vẫn phải cài thêm cái phong bì” – một phụ huynh bày tỏ.

20/11/2014 | HOA LÊ
19

Ngày 20/11 hằng năm, mỗi thầy cô giáo đều rộn ràng trong không khí của ngày tri ân. Nhiều học sinh, sinh viên gửi tới thầy cô những món quà để tỏ lòng biết ơn, nhưng chính sự trưởng thành của học trò là lời cảm ơn mà thầy cô trân trọng nhất.

20/11/2014 | Thùy Linh
20

Tặng hoa cẩm chướng, tổ chức các bữa tiệc tri ân, hay dành tặng giải thưởng cống hiến là những hình thức thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn giáo viên ở một số quốc gia.
Ngày nhà giáo thế giới
Ngày nhà giáo thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đề xướng năm 1994, được tổ chức vào ngày 5/10 hàng năm. Theo UNESCO, ngày nhà giáo thế giới thể hiện nhận thức, sự cảm thông và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của giáo viên, giảng viên đối với lĩnh vực giáo dục và phát triển xã hội.

11/11/2014 | Trí Nhiên
21

Một phụ huynh vừa đưa lên trang Facebook của mình bảng thông báo của một trường mầm non tư thục: "trong dịp 20-11, nhà trường xin không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào".

10/11/2014 | Phi Khanh
22

TT - Là giáo viên, càng gần đến Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi càng mong phụ huynh hãy tôn vinh thầy cô giáo bằng tình cảm chứ không phải bằng phong bì như những năm gần đây.

11/11/2014 | Phan Tuyết
23

TT - Năm nay con trai tôi vào lớp 1. Ngay buổi học đầu tiên đưa con đến lớp, tôi đã khéo léo hỏi và biết được địa chỉ nhà cô giáo chủ nhiệm của con.

12/11/2014 | Hoài Nam
24

(Dân trí) - Thay cho sự trân trọng, chân thành thì những món quà tặng thầy cô mang nặng dáng dấp của sự toan tính, hơn thiệt. Quà tặng 20/11 cho thầy cô lẽ ra cần được nâng niu lại trở nên vô cùng “nhạy cảm”.

13/11/2014 | Hoàng Hương
25

TT - 1. Cách đây mấy ngày, chúng tôi được đọc một thư ngỏ “Kế hoạch chào mừng tri ân thầy cô giáo” của giáo viên chủ nhiệm lớp (một trường THCS ở TP.HCM) gửi phụ huynh.

17/11/2014 | Đõ Sông Hương
26

"Chồng nghĩ giáo viên nhàn hạ, ngày vài tiết ở trường, nhiều thời gian lắm đây. Vợ sẽ chu toàn tề gia nội trợ, hầu nội hầu ngoại. Chồng tha hồ thảnh thơi bù khú bạn bè. Nhưng chồng đã nhầm to", cô giáo Đỗ Sông Hương viết.

22/11/2014 | ĐĂNG DUY
27

Mới đây, Võ Thị Mỹ Linh (nickname Va Li) cô gái sinh 1989 đã có chia sẻ về việc học tiếng Anh của học sinh Nepal.

25/11/2014 | VĂN CHUNG
28

Trao đổi với VietNamNet ngày 25/11, phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Vũ Thị Tú Anh hồi đáp nội dung bức thư của cô gái Việt đang ở Nepal.
Theo bà Tú Anh, không có bộ SGK nào là hoàn hảo vì cuộc sống và thực tiễn luôn luôn thay đổi mà một bộ SGK thì không thể thay đổi nhanh như cuộc sống.

24/11/2014 | ĐĂNG DUY
29

Bức thư của cô gái Việt ở Nepal gửi Bộ trưởng Giáo dục đang nhận được hàng ngàn bình luận, chia sẻ - thậm chí tranh cãi. Một nhà giáo, người viết sách nêu quan điểm: Nhiều điều Linh nói là đúng. Tất nhiên trong cái chê ấy có chuyện chưa đầy đủ, hiểu thấu đáo cũng là bình thường…

24/11/2014 | NGÂN ANH
30

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên là thành viên Ban Chỉ đạo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT), chia sẻ về bức thư của Võ Thị Mỹ Linh gửi Bộ trưởng GD-ĐT về việc học tiếng Anh.

27/11/2014 | THU PHƯƠNG
31

Tờ North Korea Times vừa đưa tin, kể từ năm nay, tất cả học sinh cấp 3 của Triều Tiên sẽ phải dành ra 81 giờ học để nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un như là một môn học bắt buộc.