"Chợ Đầu Mối" về Giáo Dục tại Việt Nam
A Clearinghouse on Education in Viet Nam
THƯ TÒA SOẠN - EDITOR’S NOTE

Chào các em sinh viên và các bạn đồng nghiệp,

Năm 1956, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, bút hiệu Vì Dân và là một sĩ quan trong quân đội VNCH, có lẽ đã cảm nhận được cuộc chiến sắp tái diễn, nên đã viết bài “Phiên gác đêm xuân” với những câu mà tôi còn rất ấn tượng: 

          Nếu Xuân về tang thương khắp lối
          Sầu này khó nào vơi 
          Thì đừng đến Xuân ơi

Trần Văn Trạch, tuy nổi danh hơn về các bài ca hài, nhưng đã lột được tình cảm Nguyễn Văn Đông gửi gắm: Phiên Gác Đêm Xuân - Trần Văn Trạch

Chín năm sau,  cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt nhất với sự tham chiến trực tiếp của quân đội Mỹ, đến lượt Trịnh Công Sơn viết bài “Xin Cho Tôi” với những câu thơ này: 

          Xin cho tôi yên ngủ một ngày
          Xin cho đêm không có đạn bay
          ….
          Cho quê hương giấc ngủ thật hiền
          Rồi từ đó tôi yêu em.

Và đây là tiếng hát Khánh Ly : Xin cho tôi - Khánh Ly 

Tết năm nay, thêm gần nửa thế kỷ nữa, và cá nhân tôi sau bốn cái Tết và bốn năm sống & làm việc ở Hà Nội & Sài Gòn, tôi lại thấy Nguyễn Văn Đông và Trịnh Công Sơn còn hiện đại lắm.   

Tết Giáp Ngọ, thay vì chúc tết thân hữu như thường lệ, tôi mạn phép mượn câu ca của Nguyễn Văn Đông, và bóp méo tí chút cho hợp với hoàn cảnh hậu chiến tranh, tiếp nối năm châu bây giờ: 

          Nếu Xuân về tham ô khắp nước
          Dân tộc mất niềm tin
          Thì đừng đến Xuân ơi

Chia buồn cùng đất nước, và không biết nói sao với thế hệ con, cháu. 

Sài Gòn & San Francisco,
Ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014
Vũ-Đức Vượng

(Bài diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh diễn tại nhà hội Việt Nam ở Sài gòn, đêm 19.11.1925)(*)

Thưa các anh em đồng bào!

Tôi lâu nay lưu lạc, bây giờ trở về mới liếc mắt trông qua vài hiện trạng của mước nhà ta, tôi rất lấy làm buồn lắm. Than ôi! Cái đạo đức cũ đã mất từ bao giờ không khác gì trái cây khô, mà đạo đức mới cũng chưa hình thành gì cả. Thử xem các ông cựu học thì bo bo nói rằng phải buộc bọn thiếu niên tân tiến theo đạo đức cũ. Nhưng chán thay, các ông chỉ nói thế thôi, xét ra thì những lễ, nghĩa, liêm, sỉ các ông bỏ mất không biết gì đến rồi, mà đạo đức cũ ông cha ngày xưa để lại cũng theo dòng nước chảy xuôi, Đó là nói các ông không biết giữ gìn đó thôi, chớ như đem ngay cái luân lý cũ kỹ mấy nghìn năm trước mà so sánh với luân lý của thế giới ngày nay thì cũng trái ngược lắm rồi. Còn các bạn thiếu niên thấy ông lù khù như thế lại càng làm giàu thêm cái tính kiêu căng, học được chút ít đã vội tưởng mình hơn các cụ già rồi, không giữ gìn tính nết, thành ra cách ăn ở Tây không ra Tây, mà Nam cũng không ra Nam. Điều này không chỉ tôi nói ra đây mà thôi, chính người Pháp ở thuộc địa lâu ngày viết sách chê đến đã nhiều.

Anh em ta đây tất cũng thấy người ta thường nhóm năm nhóm bảy với nhau rằng cái tính của người Tây kiêu ngạo hay khinh người, nhưng ta hãy tự hỏi ta điều đó, ta xem cách ta ăn ở có đáng cho người ta kính trọng không? Sự đó không thiếu gì là gương cũ ta có thể kể ra được. Đã mấy mươi năm nay, nhờ cái phong trào của thế giới xô đẩy mà trong nước ta cũng có đảng Thủ cựu, đảng Duy tân, đảng Hòa bình, đảng Kịch liệt làm ồn ào cả lên mà rút cục lại chẳng thành hiệu quả gì. Đến khi đổ vỡ ra thì thấy toàn những đầu trâu mặt ngựa cả, chỉ bêu xấu cho cái danh giá của dân tộc mình, khiến cho người ta trông vào thấy thế càng khinh dễ thêm, càng vày đạp thêm.

Ông Khổng nói rằng: "Tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi" nghĩa là mình tốt thì trời đất giúp thêm cho, mà mình đã nghiêng đổ thì trời đất lại xô đạp thêm. Ông Mạnh cũng nói rằng: "Nhân tất tự vũ nhi hậu nhân vũ" nghĩ là mình có tự khinh mình thì người ta mới khinh mình. Vậy không trách mình thì còn trách ai! Bữa nay tôi chọn cái vấn đề này mà nói chuyện cùng anh em đồng bào, chính là vì cái chính ý đó.

Xưa nay ta học chỉ đọc ngoài miệng thôi, ít khi chịu tách bạch cho phân minh từng nghĩa nên nhiều khi hiểu lầm. Như chữ đạo đức và luân lý ta thường cho là một nghĩa chớ không biết rằng đạo đức là đạo đức, luân lý là luân lý. Đạo đức gồm cả luân lý mà luân lý chỉ là một phần trong đạo đức mà thôi. Đã là người thì cần có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, cần, kiệm. Nhân là có lòng thương người, nghĩa là làm việc phải, lễ là ăn ở cho có lễ độ, trí để làm việc cho đúng, tín là nói với ai cũng giữ lời cho người ta tin mình mới làm được việc, cần là làm việc siêng năng, kiệm là ăn ở dành dụm trong lúc no để phòng lúc đói, lúc có để phòng lúc không v.v.. Người có đạo đức là người ở trong đạo làm người vậy. Đạo đức như thế thi không có mới có cũ, có đông có tây nào nữa, nghĩa là nhất thiết đời nào, người nào cũng giữ được cái đạo đức ấy mới là trọn vẹn. Dầu nhà bác học xướng ra học thuyết nào khác nữa, dầu chính thể khác nhau hoặc dân chủ, hoặc quân chủ, hoặc cộng sản nữa, cũng không tài nào vượt qua khỏi chân lý của đạo đức nghĩa là đạo đức thì không bao giờ thay đổi được.

Luân lý thì không thế. Luân lý có thể thay đổi được luôn. Luân lý thì mỗi người mỗi khác. Thí dụ như nước ta về thời nhà Đinh lập được năm bà Hoàng Hậu mà đến các đời sau như Lê, Lý, Trần, Tây Sơn, Nguyễn, thì chỉ lập có một hoàng hậu mà thôi; như đời Trần thì người trong họ được lấy nhau mà tục ấy đời sau lại cấm. Đời nhà Trần khi nào trong nước có giặc thì vua triệu những bậc phụ lão trong nước vào điện để bàn bạc, mà đến đời sau thì chỉ một lũ vua tôi làm chuyên chế với nhau mà thôi.

Lại thí dụ như xứ này hễ cha mẹ chết thì đem ăn thịt hoặc đốt đi, mới gọi là hiếu, mà xứ kia thì phải làm đám táng có kèn trống linh đình mới phải đạo làm con. Xem những cớ đó thì đủ biết rằng luân lý có phải là thứ thiên niên bất dịch đâu mà kỳ thật có thể tùy thời mà thay đổi vậy. Người ta có thể thay đổi luân lý mà không thể thay đổi được đạo đức. Ấy luân lý và đạo đức khác nhau là thế. Nói cho rõ hơn là luân lý như cái áo tùy người lớn nhỏ mà thay đổi, nhưng cũng không mất hình cái áo đi, chí như đạo đức là như cơm, như nước, như đồ bổ dưỡng, cần cho mọi người dẫu muốn thay đổi cũng không thay đổi được, nếu thay đổi được là đạo đức giả.

Tôi giải rõ hai chữ luân lý và đạo đức khác nhau như thế là cốt ý sẽ bàn về sự thay đổi luân lý của nước ta và đề phòng khi anh em đông vào nghe đến "thay đổi luân lý" khỏi lấy làm giật mình. Trước khi tôi chưa giải rõ nghĩa hai chữ luân lý đạo đức, nếu tôi nói: "Ngày nay ta phải bỏ quân chủ lập dân chủ mới họp thời" thì chắc cũng có mấy ông hiểu lầm hai chữ luân lý là đạo đức đều ứng lên mà la rằng: "Bỏ quân chủ thì nền đạo đức cũ của nhà Nam ta cũng đổ nát theo còn gì!" Nhưng bây giờ thì anh em cũng không đến nỗi hiểu lầm như thế nữa.

Vậy tôi xin bàn qua hai chữ luân lý Đông Tây:

Luân lý của người Âu Tây dạy cho con trẻ phải thờ cha kính mẹ, thương yêu bà con họ hàng, tưởng cũng còn hơn cái luân lý của ta dạy bằng "Tam Tự Kinh" và "Tam Thiên Tự". Luân lý của họ cũng không khác gì mình, duy theo pháp luật thì con trai con gái họ đến 21 tuổi là tuổi trưởng thành, thì có thể lìa cha mẹ mà độc lập được, nghĩa là "đến tuổi có nghĩa vụ mà trách nhiệm đối với luân lý quốc gia tất nhiên phải nhẹ gánh gia đình đi". Người mình thấy luân lý của người ta khác mình và có lẽ lại sơ lược hơn mình thì cho là mọi rợ, chớ biết đâu khi xưa họ cũng như mình. Song từ khi cái tư tưởng quốc gia của họ đã tiến lên thì cái tư tưởng gia đình lần lần nhẹ bớt đi, ấy cũng là lẽ tiến hóa tự nhiên ... Cũng như ngày nay cái phong trào xã hội bên châu Âu mạnh quá, khiến cho lắm nhà triết học đã nghĩ đến cách làm thế nào phá tan cái vòng gia đình chật hẹp kia, cho mọi người trong nước được bình đẳng, nghĩa là kẻ giàu người nghèo đều được giáo dục và sinh hoạt như nhau, không đến nỗi như ngày nay xa nhau một trời một vực, phá cái thành "phân cách" chặn ngang các hạng người như thế, là cốt giữ gìn trật tự trong xã hội và ai ai cũng được bình đẳng như nhau.

Nói về quốc gia luân lý châu Âu

Quốc gia luân lý châu Âu phát đạt từ hồi trung cổ nghĩa là từ thế kỷ thứ XVI nền quân chủ đang thịnh. Vua của họ hồi ấy cũng như vua của ta, nghĩa là tự thánh tự thần làm chuyên chế quá cho nên mới nảyra nhiều nhà đại triết học thuyết minh vua là gì, nước là gì, nói ra có giới hạn, rất phân minh, khiến cho ai nấy đều hiểu quốc gia có quan hệ mà nhẹ bớt gia đình.

Thứ hai là từ thời có dân tộc ở châu Âu đều có tính háo chiến cho nên thường lấy sự thắng trận làm vinh, thua trận mà làm nhục đánh nhau lung tung. Vì tính háo chiến đó, cho nên dân các nước bên châu Âu về thời đó, đều có một nền quốc gia luân lý rất bền chặt vững vàng.

Ấy, quốc gia luân lý của họ mà thành là vì hai cớ đó.

Đến bây giờ thì thời cuộc thịnh như đã suy, từ khi bốn năm đại chiến như vừa rồi, nước thua dân bị lầm than thì đã đành, mà nước được dân cũng lắm nỗi khốn thành ra trăm việc đều hư nát mà nào có ích cho ai! Vì thế nên mấy nhà đại chính trị, đại triết học, đại giáo dục đều biết rằng cái thời đại quốc gia đã qua, không thể duy trì được nữa đành phải bỏ mà tiến lên thời đại xã hội vậy. Tuy nước nào cũng có một đảng thủ cựu phản đối kịch liệt, nhưng cái phong trào xã hội bây giờ cuồn cuộn như nước nguồn đang đổ, thì làm sao ngăn lại được nữa. Cuộc đại thắng của xã hội luân lý sau này cũng là một việc dĩ nhiên.

Ấy là bước tiến lên, bỏ quốc gia luân lý mà bước lên xã hội luân lý, cũng như khi bỏ gia đình luân lý mà tiến lên quốc gia luân lý vậy.

***

Xã hội không phải là cái luân lý cường quyền của chính phủ đối với dân, cũng không phải là sức mạnh của nước nọ đối với nước kia, mà chính là trong nước thì lấy người này đối với người kia, suy rộng ra thế giới thì lấy loài người đối với loài người.

Trong buổi quốc gia luân lý bên Âu châu đang thịnh, có câu nói rằng: Một người đối với một người thì có công lý, còn một dân tộc đối với một dân tộc thì không có công lý, ngày nay lòng người xu hướng về xã hội luân lý thì lại có câu nói trái lại rằng: Một người đối với một người đã có công lý thì mấy trăm nghìn, mấy ức triệu người nhập lại thành một nước, tài nào lại không có công lý.

Đó là tôi tỏ ra rằng chủ nghĩa xã hội luân lý hiện nay bên châu Âu đã mở mang như thế. Muốn cho dễ hiểu câu "trong nước người này với người kia" nghĩa là: người có giúp cho người không, người mạnh giúp cho người yếu như là: bên nước họ mấy nhà giàu bỏ tiền lập nhà thương, trường học cho con nhà nghèo; những kẻ đi đường thấy người yếu bị đè nén thì hết sức bênh vực v.v... Nói tóm lại xã hội luân lý là sự suy tự lòng công đức mà công đức là suy ở tư đức mà ra.

Vì sinh kế, vì lợi quyền, người bên Âu châu họ cũng tranh giành nhau dữ dội lắm, song giành nhau cũng ở trong vòng pháp luật mà thôi. Chí như công đức là giúp đỡ lẫn nhau, kính trọng quyền lợi cho nhau thì họ vẫn không bỏ. Tôi nói như thế chắc anh em nghĩ cho tôi bên Tây lâu rồi nên tán tụng như thế chăng. Xin thưa bên Âu châu họ cũng xấu chán, dân đức của họ cũng chưa đến nỗi hoàn toàn, song dân nào cho dù có 30% hoặc 50% biết giữ luân lý thì tưởng cũng đủ gọi là họ có rồi. Phong tục họ có xấu mặc lòng, nhưng trong nước họ còn có đảng Thượng lưu biết lo đời, như mấy nhà đại chính trị, đại triết học, đại văn hào, đại giáo dục, đứng lên hô hào nào làm sách, nào viết kịch, nào làm báo, nào diễn thuyết. Cốt phá bỏ những chứng hư tật xấu của người đời, rồi bọn thiếu niên xã hội, bọn thiếu niên dân chủ cũng tán thành ó ré theo để lo cứu chữa những đồi phong ác tục trong nước. Chẳng những họ lo ở trong nước họ mà thôi, họ còn lo đến cả thế giới nữa.

Lấy một việc đó mà so với người mình quanh năm trọn tháng chỉ lo cho cái xác thịt, cái tuổi già mà vẫn không xong thì cũng đủ xấu hổ rồi; huống hồ là nói đến việc xã hội nhân quần, họ hơn ta xa như thế thì làm sao ta không kính trọng họ cho được?

Bây giờ tôi xin đem cái luân lý của ta so sánh với luân lý của Tây-Âu.

Trên tôi đã nói luân lý của ta có năm mà thuộc về gia dình hết ba, nghĩa là cha con, anh em, vợ chồng. Nếu nói theo trí tưởng luân lý từ xưa để lại mà làm cho đúng thì tưởng cũng không còn chỗ nào chỉ trích được. Như ông Khổng nói: "Cha con có thân, vợ chồng có biệt, anh em có thứ lớp" nếu ta theo thế mà diễn dịch ra, dẫu gia đình luân lý của ta hẹp hòi, không được rộng rãi chăng nữa, thì đáng lẽ phải tốt lắm mới là phải, chớ đâu có tồi bại thế này! Cái nền luân lý ở Á Đông, nhất là ở nước ta ngày nay đổ nát như thế là bởi các nhà vua chuyên chế làm sai hết cả đạo Khổng mà ra.

Chẳng những vua quan chuyên chế mà thôi, họ còn lập mưu khép cả kẻ làm cha, kẻ làm chồng vào cái cạm độc ác ấy nữa để cho tiện việc chuyên chế của bọn họ. Một bọn hủ nho mắc cạn còn vẽ rắn thêm chân vào, đem những tư tưởng rất nông nỗi truyền bá ra để trói buộc dân gian. Như là: "Quân thần chí nghĩa bất khả đào ư thiên địa chi gian", nghĩa là mình sinh ra xứ này phải đội ông vua lên đầu. Tư cách ông vua thế nào, các ông không cần biết đến. Hễ có cái huy hiệu là ông vua thì các ông đội lên thôi! Các ông đã tôn vua lên, tất nhiên các ông phải tôn cha lên mà nói: "Thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu" nghĩa là trong trời đất không có cha mẹ nào quấy. Ôi hủ nho! Hủ nho! Cũng vì mấy câu tà thuyết của các ngươi mà gia đình luân lý của nước nhà ta ngày nay trụy lạc đến thế này.

Tôi xin kể ra đây một chuyện rất tầm thường, mắt ta thường thấy, nhưng tưởng ít ai chủ ý đến. Chuyện ấy là chuyện bài ca và mấy bức tranh Nhị Thập Tứ Hiếu lòe loẹt trên nóc nhà người Nam ta ngày nay, những bức tranh gai mắt ấy, những câu ca rười tai ấy tả ra câu chuyện rất vô lý dị đoan bày rõ một cái án tội nhân của đạo đức Khổng Mạnh. Kẻ tốt quá, người xấu quá đã không nhằm vào đâu, mà những việc tả ra đó y như là quỷ thuật, không phải là sự ăn ở thật của loài người. Các anh em nghĩ thử bụi tre mùa đông lá đã rụng khô hết, khóc thế nào mà mọc được măng; nằm trên giá thế nào mà cá nhảy lên được? Những chuyện hoang đàng ấy tự là Quách Thủ Chính đời Minh làm ra chớ không phải đã lâu. Nhiều người mắc mưu của Thủ Chính đem các bức tranh ấy treo vào vách thay mặt cho đạo Nho, thế mà không ai dám chê bai đến. Luân lý gia đình như thế thì làm sao mà càng ngày càng không lụn bại cho được. Ta thử nghĩ xem gia đình của ta bây giờ thì cha mẹ coi con như của, nói rằng của mình đã sinh ra, mình muốn thế nào thì phải thế. Đại khái cha mẹ không muốn lo việc đời, thì cũng không muốn cho con lo việc đời, cha mẹ không muốn đi xa nên cũng không muốn cho con đi xa, cha mẹ muốn lòn cúi các ông lớn này, ông lớn nọ để con làm các sở cho vẻ vang thì cũng bắt con như thế, thật không còn gì là cho con một chút tự do. Ấy là tôi nói mấy nhà giàu, còn như các nhà nghèo thì dạy con thì tát, thì chửi, thì đánh thì nói rằng thương con cho roi cho vọt, mà không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ. Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.

Trong luật ta cho cha mẹ và chồng có quyền nhiều. Đạo cha con xem ra thì chỉ còn thấy những kẻ tay lấm chân bùn còn biết cắm cúi lo làm để nuôi cha nuôi mẹ, chí như bọn thượng lưu trung lưu thì ta không còn thấy chữ hiếu nữa.

Bọn ấy thường nhiều mượn những lốt lễ nghĩa rất kỳ khôi của bọn tà nho mang vào để che miệng thế gian, chớ không có một chút gì gọi là hiếu là thuận cả. Nào là nằm đường, nào là chống gậy, nào là khóc mả, nào là ở dơ, nhưng kỳ trung có thương xót, có yếu đuối gì đâu, chỉ đem một trò giả dối diễn ra trước mặt mọi người mà thôi vậy. Chẳng những bọn ấy giả dối trong khi cha mẹ họ tử hậu mà trong lúc sinh tiền họ cũng không ăn ở thật lòng.

Về đạo vợ chồng thì ta vẫn nói là "Phu xướng phụ tùy" là "Thiếu phụ dĩ thuận vi chính" hoặc "xuất giá tùng phu" song ta rút cuộc lại nhà nào thuận hòa tức là vợ chồng nhà ấy có đạo đức có tính cách ngang nhau mới được thế. Nếu nhà nào vợ khôn hơn chồng thì vợ làm chủ. Xem đó thì cũng đủ biết rằng cái sự gầy dựng ra không theo tính tự nhiên của loài người thì dẫu có quyền chuyên chế mạnh đến đâu cũng không buộc người ta theo được.

***

Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi xin thưa rằng, nước ta tuyệt nhiên không có. Tôi xin nói tạm rằng quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của vua và tôi. Không nói đến "dân và nước" vì dân không được bàn đến việc nước!

Vua là gì? Vua là người cầm quyền chính trong nước, là người đầu sỏ trong bộ lạc ấy hoặc là người anh hùng thấy dân đồ thán ra đánh đổ cường quyền, khôi phục lấy đất nước của ông cha để lại rồi tự đặt lên làm chúa tể cả muôn người; hoặc người gian hùng nhân thời ly loạn dùng mưu quỷ chước thần đánh đổ con cháu một dòng vua rồi tự đặt mình lên cái địa vị ấy; hoặc người cùng một nước đánh nhau đặng cầm quyền chuyên chế; hoặc người nước ngoài lấy sức mạnh đến đánh đặng cầm lấy chìa khóa quyền lợi. Nói tóm lại vua là người lấy quyền người làm quyền mình, lấy công quyền làm quyền tư, lấy đất người làm đất mình, lấy đất công làm đất tư vậy.

Tôi là gì? Tôi là người tùng phục vua (vua chư hầu) hoặc là ngươi làm nô lệ cho vua, hoặc là người làm công cho vua. Đem mình ra đầu tên mũi đạn đổi lấy một mảnh giấy vàng, một dấu ấn đỏ; dang đầu ra giữa trận mưa dầu nắng lửa để đổi lấy chung rượu lạt, tiếng ban khen. Nói tóm lại, tôi là người tôi mọi, bán rẻ vừa hồn lẫn xác cho vua vậy.

Quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ gồm có thế, cho nên dân trong nước không biết quyền dân là gì, nghĩa vụ là gì. Vua của ta ngày xưa là thế, tôi của ta ngày xưa là thế, sử sách của ta gọi nước là thế! Cho nên dân không biết vua và nước có có cái giới hạn gì khác nhau không. Vì thế cho nên dân chỉ biết tôn quân mà không biết nghĩa ái quốc, gặp vua tử tế làm nhiều công bình thì dân thương, dân liều chết ra đánh giặc giúp vua; gặp vua tàn bạo làm nhiều điều độc ác thì dân ghét, muốn rửa hờn mở cửa thành cho giặc vào. Thí dụ như hồi nước Pháp đánh Bắc Kỳ chỉ có 90 tên lính mà trong 24 giờ thì hạ được bốn thành, mà lính Nam không ai bắn trả lại một phát súng. Hồi ông Nguyễn Huệ kéo quân ở Huế ra Thăng Long, Nguyễn Chính có quân đóng ở đó, song chưa đánh đã thua, khiến vua Chiêu Thống phải chạy, đi đường bị dân bóc lột. Ông Mạnh có nói rằng: "Vua coi dân như cỏ rác, thì dân coi vua như người đi đường", đã coi như người đi đường thì còn luân lý gì. Việc gì mà chẳng bóc lột.

Xem như thế thì xưa nay nước ta không có quốc gia luân lý, chỉ có một cái luật vua tôi bắt buộc dân phải theo. Vua với dân không có luân lý gì dính nhau, chẳng qua vua và tôi tớ của vua hiệp nhau lấy sức mạnh để đè nén dân mà thôi vậy.

Trừ ra đời nhà Trần thì vua với dân gần nhau lắm. Con vua cũng đi chơi với con dân, những phụ lão đều dự bàn việc nước, và những vua đã truyền ngôi cho Hoàng Thái Tử rồi thì thường đi khắp nhân gian xem xét phong tục, chính trị để sửa sang cho hiệp với lòng ước vọng của dân; cho nên dân mến đức mà cảm phục, mấy lần tử chiến với giặc Mông Cổ, mấy phen hiệp sức để giúp vua mới thắng trận một cách vẻ vang như thế.

Ngày nay đọc một đoạn vinh dự sử của nhà Trần đều lấy làm vui; ta đọc đến khúc bi thảm sử của nhà Lê, nhà Nguyễn thì đều lấy làm buồn, nhưng có mấy khi ta chịu xét đến cái gốc rễ của lẽ thắng bại đâu.

Người nào có học chữ Pháp một chút thì cũng biết rằng trong sách ấu học hoặc sách tiểu học, bắt đầu đều dạy: phải thương nhà, thương người đồng loại; thế mà ngày nay không có ai dám mở miệng ra nói một tiếng "thương nước" thì nghĩ có đáng chán không! Hơn sáu mươi năm nay ở dưới quyền một nước bảo hộ rất văn minh, rất tự do mà cái mầm tự do không nẩy ra được là bởi tự đâu?

Không phải cái độc chuyên chế từ xưa đã thâm căn cố đế trong óc người nước ta rồi đấy ư? Tiếng thương nước đã có luật Gia Long cấm (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh). Những kẻ học trò và dân gian không được nói đến việc nước, lo việc nước.

Thương nước thì phải tù tội (!) cho nên những nhà thế phiệt giữ mình cho đến nỗi uốn nắn con từ trong nhà, lấy sự lo việc đời, sự thương nước làm sợ. Sợ quá! Hình như nói đến sự đó thì phải bị khinh, bị nhục như kẻ cắp kẻ trộm vậy. Rất đỗi bây giờ người Nam đã ở dưới chính trị Pháp là giống người cho sự thương nước làm tính tự nhiên của loài người mà cũng không ai dám nói tới; xem chừng còn lo sợ hơn khi còn ở dưới quyền chuyên chế nữa. Có người cho lời tôi nói là chuyện chiêm bao, cãi lại rằng: ở bên Pháp người ta dạy thương nước như thế, chớ bên này thì người ta không dạy như thế đâu. Hễ ai nói đến thương nước thì trong sổ kín của sở mật thám đã ghi tên vào rồi; họ cho là phản Tây làm loạn, như thế bảo người Nam không sợ sao được?

Việc đó tôi cũng đã biết chán, tôi xin thưa rằng cái lỗi ấy bởi ông cha ta để lại. Cái "dây xiềng sắt" ấy chính tay ông cha ta đã làm ra để buộc ta. Người ta nhân lấy đó mà cột mình, nào có phải người ta bày đặt ra hay là mang ở bên Pháp qua mà cột mình đâu! Họ làm như thế vì họ thấy mình không trả lời được. Nay mình trả lời như thế này thì họ cấm sao được: "Một nòi dân cùng một giọt máu xẻ ra, cùng một thứ tiếng nói, ở trong miếng đất mà ông cha nó đã đổ máu, đổ mồ hôi, đổ nước mắt để vỡ vạt ra, thành ra một nước lưu truyền từ bốn nghìn năm đến giờ, thì cho phép được hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy, được sống ở đó chết chôn đó, giàu nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì làm không ai cấm đoán được. …  Một loài như thế mà bảo chúng đừng thương "Tổ Quốc" thì bảo chúng thương ai?". Nếu ta trả lời hẳn hoi như thế thì dầu gặp kẻ tàn bạo thế nào cũng không thể bỏ ta được. Thế thì sao ta không dám nói thương nước?

Cái thương nước tôi nói đây không phải là xúi dân "tay không" nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác để phá hoại trong nước đâu! Tôi xin thưa: Nước ta đã hư hèn bị mắc trong tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau. Hễ người ta làm việc gì bất công thì mình phải hiệp sức nhau lại mà chống, còn làm việc gì phải chăng thì mình cũng phải nhìn nhận, chớ có thấy chính quyền mình mất rồi mà đem lòng căm tức không kể đến việc hay của người ta. Thế thì lòng thương nước của dân Việt Nam có làm gì hại đến quyền lợi người Pháp không? Tôi xin thưa rằng: không! Dân Việt Nam thấy người nào làm hại cho nước nó thì nó ghét, ấy là lẽ tự nhiên.

Tôi nói đây thật chưa hết nhưng đã dài lắm rồi, vậy xin anh em cho phép tôi tóm lại đoạn đã nói ở trên.

"Từ nay dân Việt Nam ta phải biết thương nước là tính tự nhiên trời đã phú cho, không thù nghịch gì với người Pháp. Phải có quốc gia luân lý in sâu vào óc thì sự ước ao tự do độc lập của dân tộc ta sau này mới thành tựu được. Tôi ở Pháp về mà nói như thế chắc anh em lấy làm lạ, vì nay người bên Âu châu đã đào sâu chôn chặt cái ái quốc chủ nghĩa rồi, nay tôi lại đem về tuyên bố trong dân gian hóa ra trái ngược với phong trào bên ấy lắm ru? Xin thưa rằng không phải.

Chúng ta phải biết rằng: "Một loài dân trong một nước cũng như bọn học trò trong trường học, phải có thứ lớp, phải tuần tự mà tiến tới, phải qua lớp dưới mới lên lớp trên, không bao giờ nhảy lớp được, nghĩa là phải do gia đình luân lý tiến lên quốc gia luân lý, rồi do quốc gia mà tiến lên xã hội vậy." Thế thì chúng ta cũng phải bước qua cái nền quốc gia luân lý trong đôi ba mươi năm đã, rồi mới có thể mong tiến lên xã hội luân lý được.

***

Xã hội luân lý thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luân lý thì người mình còn dốt nát hơn nhiều. Một tiếng bè bạn không thể thay cho xã hội luân lý được, cho nên không cần cắt nghĩa làm gì.

Tuy trong sách Nho có câu: "Sửa nhà trị nước rồi mới yên thiên hạ". Hai chữ "thiên hạ" đó tức là xã hội. Ngày nay những kẻ học ra làm quan cũng võ vẽ nhắc đến hai chữ đó nhưng chỉ làm trò cười cho kẻ thức giả đấy thôi. Cái chủ ý bình thiên hạ mất đi đã từ lâu rồi.

Cái chủ nghĩa xã hội bên Âu châu rất thịnh hành như thế, thế mà người bên ta điềm nhiên như kẻ ngủ không biết gì là gì. Thương hại thay! Người nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn ở với loài người đã đành, đến cái nghĩa vụ mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả. Bên Pháp mỗi khi người có quyền thế hoặc chính phủ lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay của một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận động kỳ cho đến được công bình mới nghe.

Vì sao mà người ta làm được như thế? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy. Họ nghĩ rằng nếu nay để cho người có quyền lực đè nén người này thì mai ắt cũng lấy quyền lực ấy đè nén mình, cho nên phải hiệp nhau lại phòng ngừa trước. Người ta có ăn học xét kỹ thấy xa như thế, còn nước mình thì sao? Người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không liên quan đến mình.

"Đã biết sống thì phải bênh vực nhau" ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến. Cho nên mới có câu: "Không ai bẻ đũa cả nắm" và "Nhiều tay làm nên bộp." Thế thì dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể, biết công ích, cũng có góp gió làm bão, giụm cây làm rừng, không đến nỗi trơ trọi lơ láo, sợ sệt, ù lỳ như ngày nay.

Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích là bởi bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bã vinh hoa của các triều vua mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua mà chẳng biết có dân. Bọn ấy muốn giữ túi tham mình được đầy mãi, địa vị mình được giữ mãi, bèn kiếm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân.

Dầu trôi nổi, dầu cực khổ thế nào mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưỡng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong! Dân khôn mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý! Chẳng những thế mà thôi, "một người làm quan một nhà có phước", dầu tham, dầu nhũng, dầu vơ vét, dầu rút tỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy lúa của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được. Quan đời xưa đời nay của ta là thế đấy! Luân lý của bọn thượng lưu, tôi chỉ mượn hai chữ thượng lưu nói cho anh em dễ hiểu mà thôi - ở nước ta là thế đấy!

Ngày xưa thì bọn ấy là bọn Nho học đã đỗ được cái bằng cử nhân, tiến sĩ, ngày nay thì bọn ấy là bọn Tây học đã được cái chức ký lục thông ngôn; có khi bồi bếp dựa vào thân thế của chủ cũng ra làm quan nữa. Những bọn quan lại đã nói ở trên này chỉ còn một tiếng chỉ đúng hơn là lũ ăn cướp có giấy phép vậy.

Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược, nào chạy xuôi, dầu cố ruộng, dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cầu được lấy chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi. Những kẻ như thế mà không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ thay! Thương ôi! Làng có một năm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lý cả. Đó là nói người trong một làng đối với nhau, chí như đối với dân kiều cư ký ngụ thì lại càng hà khắc hơn nữa. Ôi! Một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở trong óc chúng làm sao được!

Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam ta không có là cũng vì thế (xã hội chủ nghĩa ở đây Phan Chu Trinh dùng theo nghĩa tinh thần và ý thức xã hội, khác với cụm từ XHCN của đảng CSVN-HVCD).

Nay muốn một ngày kia nuớc Việt Nam được độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã. Mà muốn có đoàn thể thì có chi hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này.

Nói về đạo đức Âu châu và đạo đức Á Đông

Mới xem ngoài mặt thì ta đều cho dân Âu châu là một dân tộc háo thắng, độc ác, dữ tợn; nhưng không, ta lầm đấy, ta ở lâu mới thấy họ có nền đạo đức cao hơn ta nhiều. Nền đạo đức của họ cao hơn ta là nhờ họ đã thâm những tư tưởng tự do truyền bá từ đời Hy Lạp, La Mã trở xuống. Họ cũng trải qua một hồi chuyên chế nhưng dân khí họ không như dân khí ta. Dân khí của họ rất phấn phát, nguời của họ rất anh hùng. Càng chuyên chế bao nhiêu càng nẩy ra những nhà hiền triết làm ra sách để truyền bá tư tưởng trọng dân bấy nhiêu. Dẫu hành hình khổ sở cũng không làm họ khiếp sợ, cho nên tên tuổi của họ mới sống tượng đồng bia đá đến ngày nay. Anh em đây ai đã đi qua Paris một lần tất cũng đã xem thấy những cái hình đồng mấy nhà triết học chống lại với đạo Gia Tô vậy.

Nói đại khái thì về thế kỷ XVII như ông Jean Jacques Rousseau làm ra "Dân ước" (Contrat social), ông La Fontaine làm ra "Ngụ ngôn" (Fables), ông Montesquieu làm ra "Pháp ý" (L'Esprit des lois), ông Pascal, ông Voltaire v.v... đều là những tay kiếm hết cách mở cái chìa khóa chuyên chế để giúp đồng bào ra chỗ tự do. Tôi kể bấy nhiêu ông đó là chỉ tỏ rằng trong đời chuyên chế mà vẫn còn có người ra lo việc đời như thế, chí như đời bây giờ được tự do ngôn luận, được tự do xuất bản, được tự do diễn thuyết thì người ra lo việc nước, việc đời bên họ biết là bao nhiêu.

Đem so với Á Đông đời xưa duy có mấy ông trong đời Xuân Thu, Chiến Quốc bên nước Tàu như là ông Khổng, ông Mạnh, ông Mặc, ông Lão, ông Trang có thể ngang được với mấy ông kia, còn từ Tần trở về sau thì cả Á Đông cũng không có người như thế nữa, chớ đừng nói đến nước Việt Nam ta.

Trong nước ta bây giờ có ông nào gọi là nhà đạo đức không? Nói xa hơn nữa thì trong triều nhà Lê có ông nào gọi là nhà đạo đức như mấy ông tôi đã kể không? Thế mà đời nào cũng có người được triều đình khen, được làm miễu thờ.

Rút lại, những tôi tớ nhà vua đã tôn lên thì không ai dám đè xuống, mà những kẻ vua đã đè xuống thì không ai dám tôn lên. Làm như thế thì trách nào những nhà đạo đức nước ta không chóng mất sao được? Người có tư tưởng tự do chẳng những ai cũng cho làm lạ, mà như vua thấy thế cũng sợ hại đến quyền chuyên chế của mình nên lập mưu đập chết đi. Ở trong một dân tộc như thế thì những đứa nịnh hót không càng ngày càng nhiều sao được?

Ông Montesquieu có nói: "Dân sống dưới quyền chuyên chế của nhà vua thì chẳng biết gì là đạo đức cả, chỉ lấy thế vị lớn nhỏ làm danh dự mà thôi; duy dân chủ mới thật còn có đạo đức."

Ấy, chúng ta muốn nước ta có nhà chân đạo đức thì nên nhân dịp này phá tan dây xích chuyên chế đã ràng buộc ta hơn nghìn năm nay và thu nhập tư tưởng tự do của Âu châu để làm một phương thuốc cho người nước ta vậy. Được như thế thì nhà đạo đức mới có thể xuất hiện trong đất nước này. Tôi không muốn thí dụ nhiều, tôi chỉ xin kể chuyện ông Trần Quý Cáp trong năm 1908 thì anh em sẽ biết chế động quân chủ ở nước ta có hại cho nhà có luân lý đạo đức là thế nào.

Ông Trần là người rất thảo thuận, học hành rộng, tính nết tốt, làm giáo thọ ở Nha Trang, chỉ theo việc bổn phận mình là ông thầy, khuyên dân mở thêm trường học mà bị tên Phạm Ngọc Quát bố chính ở tỉnh ấy, nhân loạn bắt ông, trong 24 giờ thì chặt đầu. Cái thảm trạng ấy há không phải ở quyền chuyên chế mà ra sao?

Đạo đức lớn ta không có đã đành, nay xin hỏi đạo đức nhỏ, tư đức của mỗi người, ta có hay không? Thưa rằng: Không! Một xứ đã bị chuyên chế thì tính chất gì thuộc về đạo đức cũng không thể nào sinh sản được.

Tôi thường thấy người mình, kẻ nào khôn hơn chút đỉnh, giao thiệp với người kém hơn chút đỉnh thuần chỉ nói dối. Đứa "ăn cắp có giấy" làm minh bạch đã xong mà đứa ăn cắp chưa cấp bằng cũng đều một mực như thế cả. Tôi xem thấy lắm người danh dự không bằng ai, học thức không hơn ai, nhắm lại mình chưa khỏi hai chữ "đầy tớ người" mà khi ra đối với người đồng bào đồng chủng đã có ý kiêu căng, bảo ta là thầy đây! Ta là ông đây! Chớ không có tự nghĩ cho rằng: Thầy đây, ông đây đã làm được điều gì ích lợi cho bọn "dân Việt Nam" tay lấm chân bùn kia chưa? Tôi cũng đã từng thấy nhiều người viết báo than thở rằng đạo đức luân lý nước nhà trụy lạc, nhưng nói như nước chảy lá môn chẳng có hiệu quả gì. Vì sao vậy? Là vì các ông nói mà các ông ít chịu thực hành thì người ta không dám theo các ông cũng phải (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh). Huống chi luân lý các ông giảng đó tự tệ tục của chính thể chuyên chế tạo nên, thành ra, không chính đáng, không hợp thời thì người ta không thèm nghe cũng không thấy gì làm lạ vậy.

Bây giờ ta đem đạo đức luân lý Âu châu về có gì chống với đạo Khổng Mạnh chăng?

Từ nãy đến giờ tôi chỉ trích luân lý của ta, khen ngợi luân lý Âu Tây, chắc anh em nghe lạ tai, cho tôi là người bội đạo Khổng Mạnh chăng? Xin thưa rằng từ khi tôi hiểu chút ít đạo đức của Khổng Mạnh thì tôi rất sùng bái lắm. Vẫn biết đạo Khổng Mạnh hay thật nhưng bây giờ ta biết kiếm nơi đâu? Qua Tàu đem về chăng? Kiếm trong các sách sử Việt Nam này chăng? Tưởng thắp đuốc tìm cũng không thấy nữa, là vì nước Nam, nước Tàu bỏ mất đạo ấy đã lâu rồi.

Đạo Khổng Mạnh không phải là cách chuyên chế của các nhà vua mà anh em đã mộng tưởng đâu. Đạo Khổng Mạnh dạy "quân dân tịnh trọng" (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng; vua và dân đều cần đạo đức luân lý, nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng suy lòng đó mà yêu dấu dân như con đỏ vậy.

Trong sách Đại Học thầy Tăng Sâm dẫn lời đức Khổng rằng: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhất thị giai sĩ tu thân vi bổn": Từ vua cho đến dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Sửa mình là việc lớn mà đức Khổng Tử buộc dân và vua đều phải như thế, chẳng là bình đẳng lắm ru? Cái chính thể ấy bên Âu châu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là cái chính thể quân dân cộng trị mà Tàu dịch ra là quân chủ lập hiến vậy.

Hiện nay có nước Anh, nước Bỉ và nước Nhật đang theo chính thể ấy. Dân trí hai nước trên đã tiến tới nhiều, cho nên quyền vua cũng đã tiến giảm bớt nhưng dân cũng thương vua mà vua vẫn yêu dân. Nước Nhật thì có kém thua nhưng đã theo chính thể lập hiến thì trước sau rồi cũng tới nơi vậy.

Đến đời ông Mạnh, các vua chư hầu chuyên chế thái quá thì ông lại xướng lên cái chủ nghĩa dân chủ. Như ông nói rằng: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Nghĩa là dân quý hơn hết, đất cát thứ nhì, vua là khinh. Ngày nay bên Đức, bên Pháp, bên Nga tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng cũng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả. Thế thì cái văn minh Âu châu bây giờ có trái gì với đạo Khổng Mạnh đâu. Đức Khổng đã nói rằng: Vua phải thương dân, dân phải thương vua, song nếu vua không thương dân, dân phải làm sao? Tiếc thay! Ngài không dạy đến. Ông Mạnh cũng nói rằng: Dân quý mà vua khinh, nhưng ngày nay dân hỏi vua, vua bảo rằng vua quý mà dân khinh thì dân phải làm sao? Ông cũng không hề nói đến. Vậy cho nên từ khi Khổng Mạnh đã qua rồi thì dân Tàu cũng thế mà dân ta cũng thế, hễ họ vua nào hơn thì lấy được nước, họ vua nào thua thì mất nước; vua công bình thì dân theo, vua tàn bạo thì dân giết, thành ra đời nào bền lắm thì là mấy chục năm, thay đổi tranh giành gây ra lắm cuộc trị loạn làm cho giết hại lẫn nhau; cha giết con, con giết cha, anh giết em, em giết anh, vua giết tôi, tôi giết vua không còn gì là đạo lý luân thường nữa.

Đạo Khổng Mạnh đã mất rồi, nay ta muốn nước ta có một nền đạo đức luân lý vững vàng, thì có gì hay bằng ta hết sức đem cái chủ nghĩa dân chủ Âu châu về. Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc rất thần diệu để chữa bệnh chuyên chế của nước ta vậy. Đem văn minh Âu châu về tức là đem đạo Khổng Mạnh về. Đạo Khổng Mạnh là đạo trung dung thường dùng như cơm nước thường ngày; như kính trọng cha mẹ; như thương người đồng loại, chớ không phải mê tín như các đạo khác. Thế thì đem văn minh Âu châu về đã không hại gì mà lại còn làm cho rỡ ràng đạo Khổng Mạnh ra.

Tôi nhắc lại một lần nữa rằng: "Đem văn minh đây là cái chân văn minh Âu Tây hòa hợp với chân Nho giáo ở Á Đông," chớ không phải là tự do độc lập ở đầu lưỡi ở mấy anh Tây học lem nhem mà cũng không phải là quốc hồn quốc túy ngoài môi của các nhà Hán học dở mùa đâu.

Cứ theo lời tôi đã nói thì anh em đồng bào cũng hiểu rằng: vì học đạo Khổng Mạnh một cách lầm lạc như thế cho nên hơn nghìn năm nay hết thảy những nước theo đạo tà nho đều yếu hèn và phải mất một cách nhục nhã. Như nước Cao Ly, hễ Mãn Châu tới thì theo Mãn Châu, Mông Cổ tới thì theo Mông Cổ, đến khi Nhật Bản tới thì Nhật Bản lấy. Như nước Tàu thì nhà Tống mất bởi nhà Nguyên (Mông Cổ), nhà Minh mất bởi nhà Thanh (Mãn Châu). Chao ôi! Nước Tàu bị Mãn Thanh, Mông Cổ lấy nước, Cao Ly bị Nhật Bản lấy không phải là tội nơi những kẻ tà nho hủ bại của nước Tàu, nước Cao Ly đấy ư?

Một nước bao nhiêu triệu dân mà chỉ giao phó quyền chính cho một ông vua thì chẳng là ngu xuẩn lắm ư? Gặp được ông vua thông minh còn e lo chưa hết bổn phận thay, huống là gắp phải anh vua u mê làm ròng những sự độc ác, cấm dân có ăn học không được lo việc nước (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh), thì dân khốn khổ biết bao, và còn ai dám ra mà gánh vác. Một nhà không ai lo chủ trương, một nước không ai lo chủ trương, thì nhà nước ấy làm sao không tan không mất được.

Nước Tàu mà mất ấy, nước Cao Ly mà mất ấy cũng là lẽ tự nhiên, Nói đến nước ta lại càng đau đớn lắm nữa. Vua Lê Thánh Tông đem luật nhà Minh về chưa đầy 50 năm thì bị nhà Mạc đánh đổ. Nhà Trịnh lên khôi phục cũng chỉ có tiếng khôi phục đấy thôi, vua Lê cũng bị giết lên giết xuống, còn quân thần gì đâu, còn luân lý gì đâu! Đến vua Gia Long nhà Nguyễn thỉnh luật Càn Long về lại càng chuyên chế hơn nữa. Chưa đầy 80 năm đã bị mất nước một cách hèn hạ.

Mất nước một cách hèn hạ nhục nhã như thế há không phải tại vua tôi nhà Lê nhà Nguyễn đấy ư?

Mới đây Cao Ly đã thâu nạp được văn minh Âu Mỹ nên năm 1919 mới có cuộc độc lập vận động. Nước Tàu cũng thế, xướng ra việc bài ngoại vận động làm cho Anh Pháp đều phải nể mặt không dám hung hăng như ngày xưa. Xem như thế thì đủ biết rằng cái tư tưởng quốc gia đã nảy ra trong đầu người Tàu, người Cao Ly rồi vậy.

Người nước ta thì sao? Người nước ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ nghìn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở mắt cả. Bọn già thì lo làm quan để kiếm tiền nuôi vợ con, bọn trẻ thì lo làm thầy đặng kiếm gạo nuôi miệng, ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác.

Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa may tự xưng là ái quốc ái chủng, nhưng hỏi đến họ cách khuếch lợi, trừ hại, tự cường, tự lập thì họ ập ạ như người mơ ngủ, chỉ ngồi ngong ngóng mơ nước ngoài tràn vào mà thôi.

Dân tộc Nhật Bản được giàu mạnh như ngày nay là chỉ theo cái văn minh hình thức của Âu châu hay có sửa đổi gì luân lý không?

Người nước ta thường tự xưng là đồng loại, đồng đạo, đồng văn với Nhật Bản; thấy họ tiến thì nức nở khen chớ không khi nào chịu xét vì sao mà họ được tiến tới như thế? Họ chỉ đóng tàu đúc súng mà được giàu mạnh hay là họ còn trau dồi đạo đức, sửa đổi luân lý mới được như ngày nay? Ai có đọc đến lịch sử Nhật Bản mới biết họ cũng bồi đắp nền đạo đức của họ lắm. Từ lúc Minh Trị duy tân cho đến 24 năm sau hạ chiếu lập hiến trong nước Nhật biết bao nhiêu người lo khuynh Mạc Phủ lo lập hiến pháp, biết bao nhiêu kẻ đổ máu rát cổ mới gây dựng nên một nước tân tiến rất giàu rất mạnh như bây giờ. Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật Bản về! Không biết họ qua bển làm gì!? Người ta có câu: "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng". Sao những kẻ sang Nhật sao không đem cái tốt về cho dân Việt Nam nhờ, mà chỉ làm giàu thêm cái tính nô lệ như thế? Rất đỗi những việc hèn hạ một người dân tầm thường không làm, mà những kẻ ấy cũng làm được hết thảy! Hay là đạo đức luân lý đã chết trong lương tâm của người mình rồi, cho nên không hấp thụ được đạo đức luân lý của người chăng? Hay là người mình như kẻ đã hư phổi rồi, cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng? Lấy lịch sử mà nói thì dân Việt Nam không phải là một dân tộc hèn hạ, mà cũng không phải là một dân tộc không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm mà vẫn còn mê mê muội muội, bít mắt vinh tay không chịu xem xét, không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người?

Có người nói rằng tại Pháp họ đè nén mình không cho mình học làm súng ống, làm máy bay, tàu ngầm, nên dân mình mới ngô nghê như thế! Những người nói câu ấy là những người không học lịch sử Pháp hoặc có tính yêu mình thái quá, nên chỉ biết trách người mà không biết tự trách mình. Sao không nhớ khi Pháp sang, sợ mình theo Tàu, cho người mình sang Pháp học mà mình vẫn khư khư không chịu sang bên đấy ư? Người Pháp cho mình 2.000 khẩu súng, 5 chiến thuyền mà mình không dám thuê lấy một người Pháp trông nom, để lính mình làm xằng bậy mà hư hỏng hết đấy ư? Tôi nói thế không phải là khen người Pháp có lòng tốt, nhưng chỉ lối ngoại giao của người ta khôn khéo là thế, mà mình dở dang là thế, cho anh em đồng bào biết đấy thôi. Phải chi lúc đó ta biết nhân dịp sang nước người học tập lấy vài khéo của người ta, thì bây giờ so sánh tuy không kịp nước Nhật nhưng so với Phi Luật Tân, với Xiêm La cũng không đến nỗi xa lắc như thế này.

(TRỒNG NGƯỜI nhấn mạnh đoạn trên vì anh chị em trong ban biên tập chưa nghe chi tiết này bao giờ; và cũng muốn nhờ quí bạn đọc nào rành rẽ hơn về câu chuyện này, vui long chỉ giáocho:  diễn giả PCT đúng hay sai.  Xin cho dẫn chứng, để chúng tôi tiện chia sẻ với mọi người trong số tới.  Đa tạ.)

Ngày xưa nhắm mắt lại, một là văn minh Tàu, hai là văn minh Tàu, bị độc khoa cử làm mờ ám trí không đã đành, đến ngày nay đã hé mắt ra thấy người Tàu vận động nhiều việc rất to tát như gửi du học sinh khắp hoàn cầu, như bỏ quân chủ, lập dân chủ, mà cũng an nhiên bất động, nhất thiết chẳng biết gì là gì. Chẳng những thế mà thôi, lại còn mấy anh sang Tàu về nói láo, nói linh, chê người nọ, hạch người kia mà tự mình xem ra cũng không có bản lĩnh gì cho người ta đủ kính đủ phục. Có anh bạo gan chê cả Tôn Văn là người đại biểu văn minh cho nước Tàu đời nay, mà không biết rằng anh ta đem cái sự nghiệp của anh ta, cái tài năng của anh ta mà so sánh có bằng mảy may của Tôn Văn không? Những tính chất của người Tàu các anh không hề học đến, mà các anh khéo đem về một cái láu lĩnh và một cái bao tử trống mà thôi. Thế mà biết hồn luân lý đạp đức của người mình bị độc khoa cử giết chết, chỉ còn để nguyên lại một cái tính nô lệ thôi. Đạo đức mất trước, nước mất sau thật cũng không phải là lời nói ngoa vậy.

Có một vài người anh hùng không chịu đi xem xét, mê tín lịch sử đời xưa, trọng chủ nghĩa trung quân, chủ nghĩa phục thù, tìm mưu kiếm kế phỉnh phờ cho dân dậy lên, nhưng than ôi! Một con dao, một đoạn tre thì có làm gì. Cái nỗi thảm hại, đưa đầu ra cho người bắn, đem thịt ra cho người bằm nghĩ cũng đáng thuơng, nhưng công việc làm nào có ích gì! Chẳng qua làm cho dân đức của ta trụy lạc, khiến những bọn nô lệ kia, bọn vô sỉ kia lấy đó mà dọa nạt, mà hà hiếp dân lành thôi.

***

Luân lý của ta mất thì ta đem luân lý Âu châu về dùng hẳn có được không?

Có người hỏi luân lý của ta mất thì ta đem luân lý Âu châu về dùng hẳn có được không? Tôi xin trả lời rằng: không. Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu?

Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia a mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng không tài nào sinh tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức lực bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cố mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy.

Luân lý của Âu châu có tốt trọn không? Ta muốn theo thì phải làm thế nào?

Nói rằng luân lý Âu châu tốt hơn thì tốt nhiều. Nói rằng luân lý Âu châu trọn tốt thì không dám nói rằng trọn được. Là vì: Dân tộc nào cũng thế, cắt nghĩa theo luân lý đạo đức thì dễ, nhưng làm theo luân lý đạo đức thì khó, không sao trọn vẹn được. Bên Âu châu họ cũng có nhiều cái dở, như nam nữ tự do thái quá, ly ly, hợp hợp, rất thường, thành ra đường sinh sản kém lần mà dân số không thêm; như giàu nghèo cách biệt thái quá, người ngồi không, kẻ cắm đầu làm, thành ra kẻ lao động, người tư bản xung đột nhau mà trong nước không yên. Mê tín quốc gia chủ nghĩa về đời trung cổ thái quá yêu nước mình, ghét nước người, cho nên phải mang họa chiến tranh mãi mãi. Trọng trí dục hơn đức dục, chuộng ngoại giao hơn thành thật, cho nên thường sinh ra xâu xé nhau mà mất sự thái bình. Ấy là kể sơ lược, chớ kể hết tưởng cũng còn nhiều lắm. Bệnh họ tuy nhiều nhưng họ đã có thầy có thuốc chữa ngay, nghĩa là có những nhà triết học, những nhà giáo dục lo ra trừ tệ, canh cải sửa sang cho nền đạo đức luân lý mỗi ngày mỗi cao lớn, tốt đẹp thêm, chớ không phải như mước ta tốt khoe, xấu che làm cho một ngày thêm một xấu (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh). Vậy nay ta qua thâu cái luân lý Âu Tây để đem về truyền bá cho dân Việt Nam, thì ta phải nên chủ ý lắm, lừa lọc lắm mới được, những điều gì đáng đem về thì ta hãy đem.

***

Thưa các anh chị em đồng bào!

Tôi nói từ nãy đến giờ thật cũng nhiều rồi. Vậy xin anh em cho tôi nói tắt lại rằng: Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ dày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý, thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta.

Anh em ta hãy gắng sức mà làm đi.

(Cử tọa đều vỗ tay. Cụ Phan uống hết tách nước, đứng lên nói thêm mấy câu):

Thưa anh em,

Tôi cũng biết rằng muốn khôi phục lại nền đạo đức của một nước mà trăm việc đều đổ nát như thế này, không phải là việc dễ. Nhưng nay ta bảo rằng khó, không khôi phục lại nền đạo đức cũ thì biết bao giờ mới mở mặt được với người. Tôi nói đạo đức cũ không phải nói con phải làm tôi mọi cho cha, vợ phải làm tôi mọi cho chồng, tôi phải làm tôi mọi cho vua đâu, mà chính là cái đạo đức trung dung của Khổng Mạnh, đem dùng vào đời nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không đông, không tây, như tôi đã nói vậy. Đạo ấy ở trong câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục (giết người học trò được, mà làm nhục thì không được), phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu(giàu sang không mê được lòng mình, nghèo hèn không đổi được chí mình, sức mạnh không buộc mình cúi đầu, được thế mới gọi là đại trượng phu) ...

Nếu ta giữ được một ít đạo đức của ta, thâu thái một ít đạo đức của Âu châu đem điều hòa lại, rồi khuếch trương luân lý ta ra cho có quốc gia luân lý, nghĩa là khiến dân Việt Nam ai ai cũng đều biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam. Được như thế thì chẳng những được nước Việt Nam sau này được giàu mạnh, mà còn trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dễ ta như ngày nay nữa.

Nguồn online tại đây

(*) Trích Phan Chu Trinh: Một chí sĩ giàu lòng nhiệt huyết (1872-1926). NXB Văn hóa-Thông tin 1998.
(Khoảng  10,000 chữ)
Tớ & Cậu: CŨNG KHÔNG ĐẾN NỖI Ù LÌ LẮM

- Hôm nay trông cậu có vẻ yêu đời đấy nhỉ?  Chia vui với anh em đi nào

- Sáng nay đang đứng tắm mới có một phút “eureka” và nó làm tớ cũng thấy được một tia hy vọng

- Lạ nhỉ?  Tớ cũng vậy đấy.  Những ý tưởng hay nhất thường đến lúc mình đang trần truồng và có dòng nước nóng chảy từ đầu đến chân.   Nhưng tớ đi lạc đề; cậu nói tiếp đi

- Thế này, các cụ ạ.  Tớ thấy dân mình cũng chưa đến nỗi ù lì, thụ động, nằm chờ sung rụng như tớ thường nghĩ đâu

- Thế ra cậu tự phản biện cậu, phải không?  Hay.  Kể tiếp cho có đầu có đuôi đi

- Bắt đầu là câu chuyện tụi mình thường than “bó tay” với dân tộc này; 40 năm độc lập rồi mà vẫn chưa có tự do hay hạnh phúc, và người dân chỉ chú tâm đến cơm, áo, gạo tiền và tìm trường cho con… chứ chẳng mấy ai để tâm đến việc cải thiện xã hội cả

- Đúng.  Bọn mình đầu bạc ngồi ở đây, có đứa nào ngây thơ nghĩ rằng dân chúng sẽ nổi dậy đâu. Bao nhiêu mùa xuân Ả rập cũng vẫn chỉ nằm ở Trung Đông. Rồi nhìn vào Ukraine, mình chỉ sợ ông anh phía Bắc dùng cái cớ bảo vệ kiều dân sang chiếm mình lần nữa. Vì thế sáng nay mới là một “eureka” … Tớ “phản tỉnh” được phần nào

- OK.  Cậu đã “lay the foundation” rồi đó.  Bây giờ kể đi

- Các cậu có để ý từ khoảng hơn năm nay, đã bao nhiêu lần bộ này, bộ nọ ra những cái quyết định “trời ơi đất hỡi” không?

- Tớ nhớ mùa tuyển sinh năm ngoái tớ suýt nữa đi thi đại học lại vì “bà mẹ anh hùng” này được thêm 2 điểm, he he he …

- Tớ thì nhớ vụ xe “chính chủ”, cũng tiếu lâm không kém

- Trước đó còn vụ ông bộ trưởng GTVT ra lệnh cho nhân viên phải đi xe buýt ít nhất mỗi tuần một lần.  Tớ chỉ thấy xe buýt càng ngày càng cán chết người thôi

- Cũng cái ông này ra lệnh không cho lính của ổng đi máy bay hạng thương gia hay hạng nhất nữa.  Vô tình ổng xác nhận là công chức từ xưa đến nay vẫn thường ăn trên ngồi trốc

- Hôm trước Tết thì đùng một cái, Bộ GD-ĐT cấm 207 chương trình ĐH tuyển sinh năm 2014; ăn Tết xong thì lại cho phép 62 nơi tiếp tục tuyển sinh như cũ

- Vài tuần trước, bà thứ trưởng Bộ Tư Pháp chỉ đạo “kiên quyết chống bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng” ở ngay Hội nghị phát động thi đua của  Bộ Tư Pháp

- Năm ngoái, Bộ VH-TT-DL còn ra nghị định cấm không cho các doanh nghiệp tư tặng quà trong những dịp lễ lạc, kỷ niệm… dù là là họ dùng tiền của chính công ty chứ không phải tiền nhà nước

- Các cậu còn nhớ vụ cấm không cho dùng ngoại tệ làm quà hay lì xì cho con nít chứ?  Lố bịch quá nên cũng phải hủy cái qui định ấy

- Bộ Xây Dựng tháng trước tự nhiên ra thông tư sửa lại cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư, hoàn toàn có lợi cho chủ đầu tư và bắt người mua è cổ ra trả

- Thiên hạ kêu ầm lên thì một ông thứ trưởng bộ này, thay mặt cho lãnh đạo Bộ XD, khẳng định là thông tư “đúng luật, đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền” và không có gì cần phải xin lỗi.  

- Còn vụ ngực lép không được lái xe nữa chứ nhỉ?

- Hai bộ Y Tế và GTVTđều tung chiêu “đồng đổ cho tướng, tướng đổ cho đồng”

- Đường và muối cũng vậy.  Trong nước sản xuất thặng dư cả hai thứ, nhưng vẫn có bộ gì đó cấp giấy phép nhập đường và muối ngoại vào.  Thế có chết nông dân không?

- Cũng giống như điện à?  Thủy điện VN sản xuất rẻ hơn nhưng ông nhà đèn vẫn thích nhập điện Trung quốc với giá cao hơn

- Tớ thì lại tội nghiệp cho mấy ông đồ, già có trẻ có, ở Hà Nội.  Con phố Văn Miếu bên hông Văn Miếu trở thành Phố Ông Đồ mỗi khi Tết đến.  Tớ cũng đã thường đi dạo phố này và chụp hình cho vui.  Năm nay chính quyền địa phương cấm các ông đồ ngồi ngoài đường, phải vào trong Văn Miếu.  Dĩ nhiên là chỉ những ai trả tiền tham quan mới được vào mua chữ, và các ông đồ cũng phải đóng phí.

- Cái gì cũng thành tiền cả.  Tớ nhớ đọc đâu đấy thấy dân mình chịu 432 thứ phí và lệ phí

- Bây giờ ngủ ở Hạ Long cũng phải trả thêm 200,000 một đêm đấy, rồi các công ty du lịch nhân tiện tính thêm lên cho dễ làm việc

- Các cậu đã thấy những cái tầu sơn trắng ở Vịnh chưa?

- Việt Nam bây giờ đã đạt vinh dự là nước đóng thuế và phí cao nhất khu vực: 20% cho dân mình trong khi Philippines hay Indo chỉ khoảng 12%

- Hoặc làm business ở VN tốn kém nhất vùng: xuất khẩu một container từ VN mất 580 đô la; nhập khẩu mất 670  trong khi ở Malaysia hay Singapore chỉ tính 450 đô để xuất và 435 để nhập

- Chưa kể thời gian: ở VN ta trung bình mất 21 ngày trong khi Thái Lan mất 13 ngày còn ở Sing chỉ mất 4 ngày

- Nông dân mà cũng còn phải gánh 93 loại phí theo qui định nhà nước và 38 khoản đóng góp xã hội khác

- Nhưng ngược lại, các cậu có thấy là những luật quan trọng hơn thì các bộ đẩy lùi về tương lai chứ không mau mắn đề xuất lên quốc hội

- Tớ có nghe nói, cậu khai sáng luôn đi

- Trong đầu tớ đại loại có một số luật cần từ lâu rồi nhưng vẫn còn lần lữa: Bộ Nội Vụ sang năm mới đệ trình luật tổ chức chính phủ.  Luật về hội cũng thế.  Bộ Tư Pháp dự kiến soạn thảo luật tiếp cận thông tin vào năm 2016. Mấy năm nay, bao nhiêu người muốn tổ chức biểu tình hợp pháp, nhưng Bộ Công An dự kiến soạn thảo luật biểu tình trong thời gian 2016-2020.  Và Bộ Quốc Phòng cũng sẽ soạn thảo luật về tình trạng khẩn cấp trong cùng thời gian đó 

- Nhưng hình như các cậu đã lạc đề rồi đấy.  Ai nghe loáng thoáng lại tưởng là bọn mình đang chỉ trích nhà nước thì khổ

- Ơ kìa.  Mình có nói gì ngoa đâu?  Toàn là những tin đã được đăng báo cả; nghĩa là những tin đã được kiểm duyệt

- Nhưng cứ trở lại cái “eureka” của cậu đi

- “Eureka” là thế này: người dân mình, tuy còn sống trong sợ hãi, nhưng cũng biết dùng dư luận và báo chí để phanh phui cái quá đáng và thỉnh thoảng cũng đòi hỏi được sửa sai

- Nhưng cậu có nghĩ rằng tất cả báo chí đều do nhà nước chỉ huy, vậy có thể nào các phe phái trong chính quyền dùng báo chí để chơi nhau không?

- Đồng ý với cậu, và rất có thể như vậy. Nhưng điều tớ muốn nói là người dân vẫn có thể “nhờ gió bẻ măng” và nếu dân mình cứ tiếp tục lên tiếng trong những vấn đề chung của cộng đồng, của đất nước… thế đã là một bước tiến trong xã hội dân sự chứ

- Cậu nói làm tớ nghĩ đến một biến cố mới tuần trước, chắc các cậu cũng biết cả: bác Nguyên Ngọc khởi xướng thành lập văn đoàn độc lập Việt Nam, và trong số những nguòi tham gia đầu tiên, tớ thấy có những cây viết khá quen thuộc cả trong và ngoài nước

- Ông già gân thật.  Vẫn viết đều đặn.  Vẫn duy trì đại học Phan Châu Trinh và chỉ huy Quỹ PCT.  Rồi còn bao nhiêu cái linh tinh khác

- Tớ còn trẻ hơn nhiều mà nếu làm được một nửa công việc của bác ấy thì cũng đã hãnh diện lắm rồi

- Vậy thì ta nâng ly chúc bác và văn đoàn độc lập sống lâu, sống mạnh

----------------------------------------------------------------

Vài hàng về mục  “TỚ và CẬU” :

Mấy người bạn, thân nhau từ lâu, theo đuổi những con đường khác nhau, nhưng luôn tôn trọng ý kiến của nhau, và vẫn còn thích tán dóc, đôi khi tranh luận, với nhau.  Họ đã đủ trải nghiệm về cuộc đời để có thể lùi lại một bước và nhìn nhân thế với những đôi mắt am tường, phân tích, và đôi chút phê phán.

“TỚ và CẬU” ghi lại một vài mẩu chuyện các cụ trao đổi với nhau, lúc chuyện công, lúc chuyện tư, như một hình thức nhận xét về xã hội hôm nay.  Các bác này chỉ chia sẻ với bạn đọc TRỒNG NGƯỜI, không nhận nhuận bút và không ký tên.  T.N. cám ơn các bác.

Tin tức trong tháng
07/01/2014 | Chi Mai
1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận không ít lần ví von công cuộc đổi mới toàn diện, cơ bản giáo dục lần này là "trận đánh lớn". Và đổi mới thi cử là khâu đột phá.
Ông Luận lý giải, dù thi cử không là mục tiêu cuối cùng của đổi mới giáo dục nhưng là việc phải làm ngay để tác động trở lại việc dạy và học trong nhà trường.
Nhìn "cách đánh mở màn", người ta chưa rõ kế hoạch ra trận được xác lập kỹ lưỡng với lộ trình chi tiết.

30/01/2014 | Hồng Hạnh
2

(Dân trí) - Nghị quyết số 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khoá XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã làm "rung chuyển" nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã ví Nghị quyết như "một trận đánh lớn".

06/01/2014 | Song Nguyên
3

-Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ví von một trong những yếu kém của giáo dục nước nhà với "nhà cao tầng". Theo ông Luận, hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục là một điểm yếu của giáo dục Việt Nam.

30/01/2014 | Chi Mai
4

Điều tâm đắc nhất đối với tôi trong năm 2013 là Ban chấp hành TƯ Đảng đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đề án này kết tinh trí tuệ và tình cảm của toàn Đảng và cả xã hội, trong đó có sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà khoa học và quản lý giáo dục.

27/01/2014 | S.H.
5

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, áp dụng cho các chương trình đào tạo ngoại ngữ, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ và người học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

06/01/2014 | Nguyễn Hiền
6

Thông tư quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư vừa được Bộ GD-ĐT ban hành. Đây là văn bản hợp nhất thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT và thông tư số 30/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Theo đó, quy định mới quy định về công trình khoa học quy đổi, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, thâm niên đào tạo có một số thay đổi.

19/01/2014 | Nguyễn Hoài
7

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, không thể xin - cho các chức danh như "Nhà khoa học đầu ngành", "Nhà khoa học trẻ tài năng".

10/01/2014 | Song Nguyễn
8

GS. TSKH. Phan Quốc Khánh (ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) và GS. TSKH. Hoàng Xuân Phú (Viện Toán học) vừa được bầu là viện sĩ viện Hàn lâm Khoa học các nước thế giới thứ ba (TWAS). Đây là 2 nhà khoa học Việt Nam trong số 46 viện sỹ mới của TWAS.

26/01/2014 | Ngọc Hà
9

TT - Thông tin rúng động này được Bộ GD-ĐT công bố ngay trước thời hạn công bố thông tin tuyển sinh của các trường cho năm 2014. Công văn thông báo quyết định đến các ĐH, trường ĐH, học viện được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký ngày 25-1.

25/01/2014 | Kiều Oanh
10

Danh sách 207 ngành của 71 cơ sở ĐH bị đình chỉ tuyển sinh năm 2014 do không đáp ứng điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu.

27/01/2014 | Văn Định
11

TTO - Ông Nguyễn Văn Đính, hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh cho biết như vậy về quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH của Bộ GD-ĐT, trong đó ĐH Hà Tĩnh bị dừng tuyển sinh đến 14 ngành.

22/01/2014 | S.H.
12

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập hợp và huy động các nhà sử học trong cả nước tham gia biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử). Quốc sử là bộ sử chính thống của đất nước và của dân tộc, trong đó, tổng hợp những kết quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử Việt Nam.

Thứ Tư, 8/1/2014 | Hà Vân
13

(TBKTSG Online) - Các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội sẽ phải báo cáo tình hình hoạt động định kỳ nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước quản lý tốt các nội dung dịch vụ thông tin trên Internet. Đây là thông tin mà ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, phát biểu tại hội nghị phổ biến Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng diễn ra hôm 8-1 ở TPHCM.

27/01/2014 | Dương Tùng
14

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thống nhất tên gọi bằng tiếng nước ngoài của các trường đại học, phù hợp với thông lệ quốc tế.

02/01/2014 | Van Chung
15

Chiều 2/1, Bộ Giáo dục-Đào tạo họp báo công bố hai phương án dự kiến thay đổi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và giải đáp nhiều thắc mắc liên quan.

03/01/2014 | Vũ Thơ
16

(TNO) Bộ GD-ĐT vừa công bố quyết định Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

07/01/2014 | Vũ Thơ
17

Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường dự bị đại học.

03/01/2014 | Hồng Hạnh
18

(Dân trí) - "Hiện chúng ta đang quá coi trọng vấn đề đầu vào đại học, dẫn đến cả trong nhận thức và hành động, vấn đề tuyển sinh lấn át và làm lu mờ nhiều việc quan trọng khác. Cần đổi mới căn bản tư duy, nhận thức về việc này".<br>Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW8 và tổng kết năm học 2012-2013 khối Giáo dục đại học được tổ chức mới đây.

30/12/2013 | Tác giả: VietNamNet
19

Năm 2013 sắp khép lại với nhiều sự kiện lớn, tác động đến tiến trình phát triển của đất nước, đến đời sống dân sinh. Mời độc giả cùng VietNamNet điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất.

31/12/2013 | Tác giả: VietNamNet
20
08/01/2014 | H. Nhung
21

TTO - Bộ Khoa học và công nghệ đang tuyển chọn ứng viên tham gia chương trình thí điểm nghiên cứu sinh KHCN ASEAN - Hoa Kỳ để nghiên cứu các lĩnh vực y tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, các hệ thống cảnh báo sớm làm giảm rủi ro của thảm họa thiên tai, quản lý nguồn nước, đa dạng sinh học.

09/01/2014
22

(Dân trí)-Vào ngày 11/1/2014 tại Hà Nội và 12/1/2014 tại TPHCM, GSE-beo tổ chức buổi triển lãm với hơn 40 trường đại học hàng đầu đến từ các nước Anh, Úc, Mỹ và Singapore với hơn 200 suất học bổng. Phụ huynh và các bạn HS-SV có thể tham dự triển lãm để nhận thông tin chi tiết.

23/01/2014 | Vu Tho
23

Bộ GD-ĐT thông báo tuyển sinh đi học theo diện hiệp định tại Hungari năm 2014. Có 50 học bổng toàn phần, trong đó 40 học bổng đào tạo trình độ đại học/thạc sĩ và 10 học bổng tiến sĩ.

09/01/2014
24

Trong 2 ngày 7 - 8/1, Deloitte Việt Nam và ACCA đã trao 60 suất học bổng "Thắp sáng tương lai" lần thứ 2 cho sinh viên chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng và ngoại thương của các trường đại học tại Hà Nội và TPHCM.

10/01/2014 | Viết Hảo
25

(Dân trí) - Thông tin này được đưa ra tại hội thảo "Khởi động Dự án nâng cấp trường Cao đẳng nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên" do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tổ chức vào chiều ngày 9/1.

20/01/2014
26

British University Vietnam (BUV) đã công bố Quy hoạch tổng thể và thiết kế Cơ sở của trường tại khu đất mới thuộc khu đô thị Ecopark trên diện tích 6,5 hecta. Dự án gồm 3 giai đoạn với tổng giá trị đầu tư lên đến 60 triệu đô la Mỹ.

JAN. 9, 2014 | By MARGALIT FOX
27

Amiri Baraka, a poet and playwright of pulsating rage, whose long illumination of the black experience in America was called incandescent in some quarters and incendiary in others, died on Thursday in Newark. He was 79.

05/01/2014 | By GEORGE VECSEY
28

Soccer fans called him the Black Panther, in the manner of the day, because he was from Mozambique, playing for Portugal, but there was little feline about Eusebio. He was big in the beams and solid around the middle even when he was 24 and, for a few magical weeks, the most captivating player of the 1966 World Cup.<br>His death led Portugal to declare three days of national mourning.

JAN. 10, 2014 | By DOUGLAS MARTIN
29

Franklin McCain, who helped fuel the civil rights movement in 1960 when he and three friends from their all-black college requested, and were refused, coffee and doughnuts at a whites-only lunch counter in Greensboro, N.C., died on Thursday in Greensboro. He was 73.

JAN. 28, 2014 | By JON PARELES
30

Pete Seeger, the singer, folk-song collector and songwriter who spearheaded an American folk revival and spent a long career championing folk music as both a vital heritage and a catalyst for social change, died on Monday in Manhattan. He was 94.<br>Mr. Seeger's career carried him from singing at labor rallies to the Top 10 to college auditoriums to folk festivals, and from a conviction for contempt of Congress (after defying the House Un-American Activities Committee in the 1950s) to performing on the steps of the Lincoln Memorial at an inaugural concert for Barack Obama.

28/01/2014 | John Nichols
31

Seeger, who died Monday night at age 94, was singing with Woody Guthrie when "This Land Is Your Land" was a new song. And because he meant and lived every word of the oft-neglected final verse – "Nobody living can ever stop me, As I go walking that freedom highway; Nobody living can ever make me turn back, This land was made for you and me" – Seeger was hauled before the House Un-American Activities Committee, blacklisted and sent for a time in the late 1950s and early 1960s to the sidelines of what was becoming an entertainment industry.

January 6, 2014 | By JONATHAN KANDELL
32

Run Run Shaw, the colorful Hong Kong media mogul whose name was synonymous with low-budget Chinese action and horror films — and especially with the wildly successful kung fu genre, which he is largely credited with inventing — died on Tuesday at his home in Hong Kong. He was 106.

7 janvier 2014 | Par indomemoires
33

Nous avons appris tardivement comme d'autres la très triste nouvelle de la disparition à 70 ans du Professeur Vĩnh Sính, historien et spécialiste des relations vietnamo-japonaises.<br>Professeur émérite à l'Université d'Alberta au Canada, Vĩnh Sính laisse derrière lui une série de travaux importants sur le mouvement Dong Du au début du XXe siècle, sur le révolutionnaire Phan Boi Chau et le moderniste Phan Châu Trinh. Il faut également l'un des premiers à s'intéresser à l'itinéraire de Komatsu Kiyoshi amis des révolutionnaires et indépendantistes vietnamiens.

Nghiên cứu tư liệu
27/01/2014 | By Sudeshna Chowdhury, Staff writer
1

Stephen Hawking, author of 'A Brief History of Time' makes a U-turn on black holes. What goes into black holes can now escape, although in a much mangled form, he suggests.

10/01/2014 | Stephen R. DENNEY sdenney@library.berkeley.edu
2

National survey on corruption

The following report is available online, in Vietnamese and English:

Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức,viện chức : kết quả khảo sát xã hội học : link

Corruption from the perspective of citizens, firms, and public officials : results of sociological surveys (reference book) : link

The OCLC bibliographic record says the report was "prepared by the World Bank and the Government Inspectorate of Vietnam and in collaboration of the Office of the Steering Committee on Anticorruption, Transformation and Change Consulting."

We have the print copy of the Vietnamese version here at UC Berkeley library.

Steve Denney

JAN. 18, 2014 | By EDWARD NAWOTKA
3

Inside, BiblioTech resembles a computer lab on a college campus. Visitors find two long rows of 48 iMacs, an "iPad bar" with a dozen iPads and a circulation desk. A door leads into a dimmer room with two Xbox 360s with Kinect and four Microsoft Surface touch-screen video tables with interactive Kaplan educational games.
A tiny cafe sells coffee, thumb drives and headphones, while a space in the back is furnished with bright benches for patrons who bring their own devices. Those without can check out one of BiblioTech's 10 Macbook Pros or 40 iPads by the hour for use in the library.<br>Not a printed page in the form of a book can be found.

Jan. 21, 2014 | By Sam Frizell @Sam_Frizell
4

Facebook's growth will eventually come to a quick end, much like an infectious disease that spreads rapidly and suddenly dies, say Princeton researchers who are using diseases to model the life cycles of social media.

JAN. 31, 2014 | By LINDA ROBINSON
5

Alvin Townley, the author of books about naval aviation and Eagle Scouts, has written a gripping account of the "Alcatraz Eleven," a group of American prisoners of war in North Vietnam who formed a tough core of heroic resisters despite brutal and relentless efforts to break them and convert them into fodder for the Communist propaganda machine.

Ý kiến nhận xét
30/01/2014 | By Sean McElwee
1

From the iPhone 5S to corporate globalization, modern life is full of evidence of Marx's foresight
By Sean McElwee -- January 30, 2014
Marx was wrong about many things. Most of his writing focuses on a critique of capitalism rather than a proposal of what to replace it with – which left it open to misinterpretation by madmen like Stalin in the 20th century. But his work still shapes our world in a positive way as well. When he argued for a progressive income tax in the Communist Manifesto, no country had one. Now, there is scarcely a country without a progressive income tax, and it's one small way that the U.S. tries to fight income inequality. Marx's moral critique of capitalism and his keen insights into its inner workings and historical context are still worth paying attention to. As Robert L. Heilbroner writes, "We turn to Marx, therefore, not because he is infallible, but because he is inescapable." Today, in a world of both unheard-of wealth and abject poverty, where the richest 85 people have more wealth than the poorest 3 billion, the famous cry, "Workers of the world unite; you have nothing to lose but your chains," has yet to lose its potency.
 

01/02/2014 | Kiều Oanh
2

Khép lại năm cũ, PGS Văn Như Cương tỏ ra rất sốt ruột với lộ trình đổi mới ngành giáo dục đang làm. Thông điệp ông trăn trở là cần thay đổi căn bản chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 đã quá lạc hậu. Đổi mới thi cử không thể tạo ra sự chuyển biến cho toàn cục.

31/01/2014 | Chi Mai
3

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, người có ngót bốn chục năm đóng góp cho ngành giáo dục, cả trên thực tiễn lẫn lý thuyết, cho rằng điều ông trông đợi nhất ở cuộc đổi mới giáo dục lần này là việc tái cơ cấu hệ thống giáo dục.

24/01/2014 | Thanh Tuyền
4

"Giáo dục của chúng ta có vấn đề, nhưng phải đánh giá ở góc độ toàn bộ xã hội, xuất phát từ đâu ra bệnh này, phải giải quyết ra sao, đó là việc chúng ta cần giải quyết ngay thời điểm này" - GS Văn Như Cương nói về việc nguồn gốc của việc nói dối.

08/01/2014 | Le Phuong
5

(Dân trí)-"Số lượng phát minh, sáng chế ít ỏi được đăng ký của Việt Nam nói lên sự hạn chế về năng lực sáng tạo của các cơ sở giáo dục ĐH nước ta và của nhân lực mà hệ thống ấy đào tạo ra"-GS.TS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội thảo "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI" do Hội đồng Lý luận Trung ương và Trường ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 7/1/2014
Trong tất cả các lĩnh vực giáo dục thì sự yếu kém của GDĐH là đáng lo nhất vì đó khâu quyết định chất lượng nhân lực. Đánh giá nguyên nhân hạn chế của GDĐH, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội cho rằng: "Phương thức giáo dục lạc hậu là nguyên nhân trực tiếp nhất mà việc khắc phục phụ thuộc chủ yếu vào con người nhưng lại khó nhất vì sức ỳ của thói quen và tâm lý ngại thay đổi".

21/01/2014 | Lê Văn
6

Chúng ta tiến từ nền giáo dục nặng về truyền bá kiến thức, chạy theo thi cử sang nền giáo dục phải hình thành được năng lực cụ thể: Khả năng làm việc, khả năng sống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các em. Đây là triết lý quan trọng của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về giáo dục đào tạo.
GS Phạm Minh Hạc (ảnh dưới) trao đổi với PV báo Tin Tức về những vấn đề xung quanh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi ban hành một nghị quyết về giáo dục đào tạo.

01/01/2014 | Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc
7

Ngày càng xuất hiện nhiều nhóm dân sự hoạt động với khát vọng tìm đường đổi mới cho giáo dục, trong đó có nhóm Học Thế Nào (hoạt động tại website http://hocthenao.vn) của Giáo sư Ngô Bảo Châu. Trò chuyện cùng Thanh Niên, Giáo sư Châu cho biết: Ý tưởng lập nhóm Học Thế Nào nảy sinh sau sự kiện tôi có bài nói chuyện hồi đầu năm trong một chương trình do Quỹ Hòa bình quốc tế tổ chức ở Đông Nam Á.

23/01/2014 | Phạm Mỹ
8

Sự việc bộ lịch có giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm là do vua Lê Thái Tổ "rút gươm ra xua rùa đi" khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, trong sử sách đã có nhiều bản truyện sự tích hồ Hoàn Kiếm tương tự.

06/01/2014
9

TT - Câu chuyện giáo dục kỳ này giới thiệu ba bài viết của ba giáo viên bàn về thi đua trong ngành giáo dục với một nỗi niềm chung: càng thi đua, giáo viên càng muốn xin đừng thi đua.
 

10/01/2014 | Vĩnh Hà
10

TT - Kiểu "thi đua đóng kịch" của các cơ sở giáo dục mà báo Tuổi Trẻ nêu không đúng với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Hiện tượng này chỉ xảy ra tại một số cơ sở giáo dục, không phải cơ sở nào cũng có. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý khẳng định.

JAN. 22, 2014 | Charles M. Blow
11

"The Pew Research Center reported last week that nearly a quarter of American adults had not read a single book in the past year. As in, they hadn't cracked a paperback, fired up a Kindle, or even hit play on an audiobook while in the car. The number of non-book-readers has nearly tripled since 1978."

Monday, 20 January 2014 | By Ahmed R Teleb, Truthout | Op-Ed
12

New theorists and activists argue that our "representative democracy" is neither democratic nor representative. They argue for a return to the Athenian model. These "neo-athenians" have a strong following in French-speaking countries

24/01/2014 | Nguyễn Thảo
13

Hiện nay, giáo dục đại học ở châu Âu đang lâm vào tình trạng bất ổn sâu sắc. Vậy các trường đại học nên tập trung chủ yếu vào lĩnh vực gì? Nghiên cứu, đào tạo giảng viên hay hòa nhập xã hội? Các chính phủ có nên đầu tư nhiều hơn vào giáo dục đại học để củng cố sự tăng trưởng kinh tế dài hạn? Các trường đại học có nên bị bỏ lại một mình để cạnh tranh và tồn tại trong thị trường giáo dục toàn cầu?

Monday, 20 January 2014 | By Peter Dreier, Truthout | News Analysis
14

It is easy to forget that in his day, in his own country, Rev. Martin Luther King Jr. was considered a dangerous troublemaker. Even President John Kennedy worried that King was being influenced by Communists. King was harassed by the FBI and vilified in the media. The establishment's campaign to denigrate King worked. In August 1966 - as King was bringing his civil rights campaign to Northern cities to address poverty, slums, housing segregation and bank lending discrimination - the Gallup Poll found that 63 percent of Americans had an unfavorable opinion of King, compared with 33 percent who viewed him favorably.

08/01/2014 | By ABBY SHER
15

Parenting Mistake #529: I promised my 5-year-old daughter, Sonya, that we could visit Grandma Joanie and Grandpa Roger "soon."
This was impossible. My parents died before Sonya was born. But I didn't know how to tackle the what-happens-after-we-die talk, so whenever the subject of my parents came up, I had tried to divert her attention or say vague things like, "They're very far away."

December 26, 2013 | By TAMAR LEWIN
16

The American Studies Association's endorsement this month of a boycott of Israeli academic institutions continues to stir passions, with four colleges and universities announcing their withdrawal from the association, a second leading higher-education association denouncing the boycott and a rising tide of college presidents speaking out against it.

JAN. 31, 2014 | By HIRSH GOODMAN
17

Boycott, divestment and sanctions are now the way they seek to end the Israeli occupation or Jewish Israel itself. Their message has started to resonate with trade unions, churches, universities and international companies in Europe and the United States, who see Israel as oppressing Palestinians and violating their human rights.

JAN. 31, 2014 | By OMAR BARGHOUTI
18

Begun in 2005 by the largest trade union federations and organizations in Palestinian society, B.D.S. calls for ending Israel's 1967 occupation, "recognizing the fundamental rights of the Arab-Palestinian citizens of Israel to full equality," and the right of Palestinian refugees to return to the homes and lands from which they were forcibly displaced and dispossessed in 1948.
Why should Israel, a nuclear power with a strong economy, feel so vulnerable to a nonviolent human rights movement?

Trà dư tửu hậu
01/08/2014 | Trung Duc (Nhan Dan)
1

Tại cuộc tọa đàm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, nhiều cán bộ quản lý giáo dục, chuyên gia đều cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn... đối với giáo dục phổ thông.

11/01/2014 | Ngọc Bảo
2

Với mong muốn tạo cho trẻ khả năng thích nghi, đối phó với những vấn đề trong cuộc sống, không ít phụ huynh đã tìm đến các cơ sở đào tạo để đăng ký cho con em mình tham gia các khoá học về kỹ năng sống. Tuy nhiên, những khoá học này có tác dụng hay không còn phải bàn.

23/01/2014 | My Quyen
3

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu sinh viên Đông Nam Á của Trường ĐH Nagoya (Nhật Bản) và các trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á, tiến sĩ
Makoto Nishimuara - Hiệu trưởng Trường ĐH Nagoya - đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường ĐH Luật TP.HCM - một đối tác trong chương trình.

31/01/2014 | Hải Bình
4

Có nhiều điểm khác nhau giữa phương thức đào tạo niên chế và đào tạo theo hệ thống tín chỉ, trong đó có việc phân bổ thời gian cho từng học phần.
Ví dụ, một học phần đào tạo theo niên chế với 60 tiết thì đào tạo theo tín chỉ, số tiết trên lớp chỉ còn 30, nội dung chương trình vẫn giữ nguyên. Hình thức thay đổi này khiến một số giảng viên lúng túng, chưa biết dạy như thế nào hoàn thành tốt bài dạy.

10/01/2014 | Hải Bình
5

PGS.TS Trịnh Đình Tùng - Khoa Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đặt ra 5 vấn đề cần giải quyết đối với phương pháp giảng dạy lịch sử ở các trường ĐH Sư phạm trong xu thế hội nhập quốc tế.

04/01/2014 | Thủy Ngân
6

Việc Bộ GD-ĐT đưa đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT với nhiều thay đổi lớn ngay trong năm nay rõ ràng là một bất ngờ, bởi nếu nhìn theo lộ trình đổi mới mà Bộ đề ra, mọi người nghĩ rằng sự thay đổi, nếu có, chỉ diễn ra sau năm 2015 - khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.

09/01/2014 | Nguyễn Văn Hùng
7

TT - Những môn cần thì không được học, những môn "bị" học thì ít có ý nghĩa thực tiễn, học thì ít mà "hành" người học thì nhiều.
Nhìn vào thời khóa biểu của học sinh cấp I, cấp II thấy có những môn học rất chi... ầu ơ như môn may vá, thêu thùa, đan lát... Không nói ra nhưng ai cũng biết hiệu quả của môn học này hầu như bằng không bởi việc may vá, thêu thùa, đan lát không thể học lõm bõm vài buổi trên lớp là được, mà phải có cả quá trình lâu dài, hơn nữa cần có năng khiếu nhất định.

17/01/2014 | Văn Chung
8

Còn 3 ngày nữa Bộ GD-ĐT "khóa sổ" phương án thi tốt nghiệp THPT. Bàn về vấn đề này trong ngày 17/1, lãnh đạo sở GD-ĐT Hà Nội cho biết 20.000 học sinh thủ đô có thể được miễn thi tốt nghiệp.

04/01/2014 | Quý Hiên
9

TP - Dư luận nhìn chung đồng tình với chủ trương sẽ đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên nhiều giáo viên cho biết họ bối rối vì chưa biết các Sở GD&ĐT sẽ xử lý thế nào trước dự kiến của Bộ cho một bộ phận học sinh được miễn thi vaới tỷ lệ tối đa 20%.

07/01/2014 | Văn Chung – Hạnh Ngân
10

Một số lãnh đạo các trường, sở GD-ĐT lo ngại tỉ lệ 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT có thể dẫn đến tiêu cực, Bộ GD-ĐT nên ban hành quy chuẩn cụ thể để học sinh được miễn thi hơn là áp chỉ tiêu máy móc.

09/01/2014 | Hoàng Tụy
11

Nay nếu thi tốt nghiệp theo phương án như trong dự thảo thì các kết quả thi tốt nghiệp cùng với kết quả học tập năm cuối (lớp 12) hoàn toàn đủ để có cơ sở xét tuyển đại học mà không cần thi "ba chung". Bởi vậy, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu thay đổi phương án thi cử theo hướng bỏ thi "ba chung", chỉ thi tốt nghiệp phổ thông theo phương án như trong dự thảo, đồng thời để kỳ thi này có thể sử dụng vào việc tuyển sinh cho các đại học. Nhưng với hướng đổi mới này cần bổ sung hai điểm: không có miễn thi như trong dự thảo; trong số các môn tự chọn cần thêm cả văn, toán, ngoại ngữ chứ không chỉ có lý, hóa, sinh, sử, địa.

23/01/2014 | S.H.
12

(Dân trí) - Thông tin từ Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp về đổi mới thi tốt nghiệp thì có 87% ý kiến ủng hộ phương án 1. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có những băn khoăn.

23/01/2014 | Tư vấn tuyển sinh
13

(Dân trí) - Nếu đậu cả 2 trường đại học có được học cả hai hay không? Đã có danh sách các trường CĐ, ĐH đăng ký thi "3 chung" chưa? Ngành Dược của ĐH Quốc gia Hà Nội khác với ngành Dược của ĐH Dược Hà Nội như thế nào?

08/01/2014 | Vĩnh Hà
14

Trao đổi với Tuổi Trẻ về định hướng ra đề thi năm nay, ông Mai Văn Trinh , cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết: Thực hiện đổi mới mục tiêu giáo dục tất yếu sẽ dẫn đến đổi mới về đề thi theo hướng đánh giá năng lực của học sinh. Tuy nhiên, do học sinh chưa được tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông theo quan điểm đổi mới, nên về cơ bản đề thi vẫn bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình - sách giáo khoa hiện hành.

18/01/2014 | Nguyễn Hùng
15

(Dân trí) - Sáng 17/1, Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện sơ kết học kỳ I và thực hiện nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014 cấp THPT. Tại buổi sơ kết này, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức thu thập ý kiến đóng góp về dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT.

03/01/2014 | Tuệ Nguyễn
16

Như Thanh Niên đã thông tin trên số báo ngày 2.1, năm 2014 sẽ thay đổi lớn trong thi tốt nghiệp THPT. Cuối giờ chiều qua (2.1), Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo và lý giải về dự thảo mới nhất phương án thay đổi thi và công nhận tốt nghiệp trong những năm sắp tới.

Jan. 7, 2014 | By Kristin Hohenadel
17

In 2010, designer-activists Emily Pilloton and Matthew Miller of the nonprofit design and architecture agency Project H Design moved to the poorest county in North Carolina. Their objective was to set up Studio H, an innovative shop class engineered to help teach rural high school kids how to rebuild their withering community, and their own sense of possibility, through design.

Dec. 26, 2013 | By Tressie McMillan Cottom
18

The Times declared 2012 "the year of the MOOC," but there was considerable time-lag. A database search of U.S. newspapers shows 286 references to massive open online courses in 2012; that's a sizable increase over 2011's grand total of three MOOC references, but it's dwarfed by 2013's 1,351 references.

JAN. 30, 2014 | By KIRK SEMPLE
19

Several levels of the French government — including the Ministries of Foreign Affairs and Education, the Senate and the National Assembly — have helped nurture the program, giving seed money and grants to individual schools in New York as well as paying for teacher training in France and course books for students.

JAN. 24, 2014 | By MOTOKO RICH
20

According to a study scheduled for release on Friday, however, less than half the time that children age 2 to 10 spend watching or interacting with electronic screens is with what parents consider "educational" material. Most of that time is from watching television, with mobile devices contributing relatively little educational value.

JAN. 29, 2014 | Gail Collins
21

Early education is one of the best tools for breaking the poverty-to-poverty trap. Unfortunately, it only works if it's high quality, and high quality is expensive. Yet very little of this newfound enthusiasm comes with serious money attached.

21/01/2014 | Hồng Hạnh
22

(Dân trí) - Ngày 20/1, ông Nguyễn Đức Hinh - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết đang hoàn thiện hồ sơ xin mở mã ngành đào tạo cử nhân phục hồi chức năng và cử nhân khúc xạ.

19/01/2014 | Hồng Hạnh
23

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020". Theo đó, Đề án hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đào tạo trọng điểm kỹ sư, cử nhân chất lượng cao của ngành học này.

18/01/2014 | Mỹ Quyên - Hà Ánh
24

Hiện nay, đa số các trường ĐH, CĐ chỉ sử dụng hình thức thi viết để kiểm tra, đánh giá sinh viên (SV). Một số môn về thiết kế, kiến trúc, kỹ thuật thì được giảng viên cho làm bài tập lớn.

02/01/2014 | Ngọc Hà
25

TT - Đó là kết quả mà Bộ GD-ĐT vừa công bố thông qua kiểm tra hàng trăm hồ sơ quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ tại các viện, trường ĐH trong cả nước.

04/01/2014 | Theo Lao Động
26

Không phải là hiện tượng quá mới, nhưng "học hộ, thi hộ" đã trở nên công khai và phổ biến trong giới sinh viên, kéo theo các dịch vụ "ăn theo" như làm giả thẻ sinh viên, giấy khám bệnh... để phục vụ sinh viên trốn học. Theo nội quy các trường đại học, nếu phát hiện gian lận trong thi cử, sinh viên sẽ bị đình chỉ học. Thực tế, biện pháp xử lý vẫn quá hời hợt và không thể quản lý được.

30/01/2014 | Phương Nhung
27

Năm 2013, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ Biểu dương các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đỗ thủ khoa, đạt điểm cao kỳ thi đại học, cao đẳng, đạt giải quốc gia, quốc tế. Tại Lễ Biểu dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: ''Người Việt Nam lấy sự học là điều căn bản cho đạo lý làm người. Những tấm gương vượt khó, hiếu học luôn được cộng đồng, xã hội, tôn vinh. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi biểu dương tinh thần nỗ lực, quyết tâm học tập, rèn luyện của các em học sinh dân tộc thiểu số.

29/01/2014 | Hạnh Ngân
28

Năm 2013 là một năm giáo dục đại học Việt Nam có không ít thay đổi để chuyển mình theo xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục hiện đại.

27/01/2014 | Hạnh Ngân
29

Tự thừa nhận công sức của cả nhóm trong suốt bốn năm qua chỉ như muối bỏ bể, nhưng những thành viên của Cánh buồm vẫn khăng khăng với niềm tin của mình, rằng từ những bài học về lối sống mà các thành viên bỏ công biên soạn sẽ hình thành nên một lớp trẻ là những người có kỹ năng và tâm hồn sống đồng thuận.

05/01/2014
30

TT - Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ, nhiều chuyên gia và bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến đến báo Tuổi Trẻ đề xuất các phương án đưa môn này vào danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT.

04/01/2014 | L. Trang
31

TT - Dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT công bố ngày 2-1 thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ sự đồng tình với dự thảo này. Tuy nhiên, bạn đọc cũng bày tỏ băn khoăn về môn ngoại ngữ. Chúng tôi trích đăng một số ý kiến.

06/01/2014 | Jeff Haden
32

They're bosses. They're in charge. They have the power.
But while some tasks are obviously out of bounds, others are less so -- which is why bosses also shouldn't use their powers to:

23/01/2014 | Nguyễn Thảo
33

Học sinh ở Mỹ đã được học về các quyền của mình ngay trong sách giáo khoa lớp 4. Dưới đây là một số quyền của người Mỹ và cũng chính là nội dung mà các em phải học thuộc lòng.

12/01/2014 | Theo GĐ&amp;XH
34

Cuối năm 2013 tôi có dịp đưa đoàn học sinh gồm 28 em sang giao lưu học tập kinh nghiệm với học sinh Nhật Bản. Về rồi tôi vẫn trăn trở mãi câu hỏi, tại sao mỗi người dân Nhật Bản có ý thức chấp hành luật, ý thức vì cộng đồng, vì mọi người tốt đến như vậy?

25/01/2014 | Hải Bình
35

Ở Mỹ, học càng cao, định hướng chuyên ngành càng sâu càng khó xin việc làm. Câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ góc nhìn từ trải nghiệm của bản thân về đào tạo sau ĐH tại một số trường trên đất Mỹ.

08/01/2014 | Thông Tin Dịch Vụ
36

Là tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ chuyên cung cấp các chương trình giáo dục có chất lượng cao cho cộng đồng các trường học trên toàn thế giới, Tổ chức tú tài quốc tế (International Baccalaureate - IB) lần đầu tiên tổ chức diễn đàn mở tại Việt Nam để giới thiệu về chương trình giáo dục tú tài quốc tế đến các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.

09/01/2014 | Hồng Hạnh
37

(Dân trí) - Năm 2014, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố TƯ rà soát kiểm tra và xử lý các cơ sở giáo dục đại học tư thục không có hiệu trưởng hoặc chỉ có quyền hiệu trưởng, hiệu trưởng là người nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

02/01/2014 | Hồng Hạnh
38

Trả lời báo chí về thưởng Tết cho giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: "Thưởng Tết với ngành giáo dục là rất khó. Ngay cả ở Bộ cũng không có bất cứ nguồn nào, không có ngân sách nào cho thưởng Tết".

09/01/2014 | Hoài Nam
39

Nhiều năm trở lại đây, giáo viên (GV) tại TPHCM không còn "trắng tay" đón Tết như trước, ít nhiều các trường có khoản hỗ trợ, chăm lo cuối năm cho GV. Mức thưởng cuối năm dành cho GV bình quân ở nhiều trường nằm trong con số 5 - 15 triệu đồng, gần như không thay đổi nhiều so với một, hai năm gần đây.

11/01/2014 | Nguyên Hà
40

TT - Chạnh lòng khi đọc thông tin trên báo chí con số thưởng tết ở các công ty, xí nghiệp từ một, hai tháng lương đến 710 triệu đồng. Con số "ngất ngưởng" ấy chưa phải đã là cao nhất nên nhìn lại nghề giáo của mình tôi không khỏi xót xa. Đúng là kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.

11/01/2014 | TẤN VŨ - PHAN THÀNH
41

Theo lãnh đạo các sở GD-ĐT, thưởng tết không có quy định trong ngành giáo dục, nếu trường nào tiết kiệm được nhiều thì hỗ trợ nhiều cho giáo viên, còn không dư thì không có. Việc hỗ trợ tết cho giáo viên ở khu vực TP cao là do các trường này có điều kiện thuận lợi, nguồn thu từ nhiều hoạt động cao và đảm bảo. Trong khi đó, ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tình hình ngược lại.

24/01/2014 | Hồ Hương Giang
42

Nguồn tin đáng tin cậy cho biết, một công ty sách tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt được kết quả kinh doanh rất khả quan trong năm 2013 vừa qua: thưởng Tết cao nhất lên đến 100 triệu đồng cho một số nhân viên cấp quản lý. Các nhân viên cấp văn phòng được thưởng thứ 2 đến 3 tháng lương. Với cơ cấu nhân viên hết sức gọn nhẹ, tổng thưởng Tết của công ty lên tới trên 1 tỉ đồng.

16/01/2014 | Hồng Long
43

(Dân trí) - Thông tin đến Dân trí, ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: "Địa phương đã yêu cầu nhà trường trả lại số tiền 5 triệu đồng cho giáo viên, bởi khoản thu này không phù hợp với quy định và thực tiễn hiện nay".

23/01/2014 | Duy Tuyen
44

(Dân trí)-Sau khi nắm bắt thông tin về vụ thu tiền "chống trượt" Cao học, đại diện Trường ĐH Kinh tế-ĐHQGHN đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa để làm rõ những thông tin liên quan đến vụ việc. Được biết, tổng số tiền thu là hơn 1 tỷ đồng.

09/01/2014 | Duy Tuyên
45

(Dân trí) -Liên quan đến vụ học viên ôn thi vào Cao học thạc sỹ Quản lý Kinh tế của Trường ĐH Kinh tế-ĐH Quốc gia Hà Nội tại Trung tâm GDTX Thanh Hóa đóng tiền "chống trượt" 27 triệu đồng, Trung tâm đã thi hành các hình thức kỷ luật cảnh cáo các cá nhân liên quan.

09/01/2014 | N.TRIỀU - K.NAM
46

TT - Ngay trước Tết Nguyên đán, 87 giáo viên các cấp học của huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) nhận được thông báo phải nghỉ việc. Đây là số giáo viên mà các trường trong huyện tự ký hợp đồng ngoài biên chế.

08/01/2014 | Bùi Liêm
47

TT - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước Lâm Văn Phúc vừa có công văn yêu cầu Công đoàn ngành giáo dục tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật về trường hợp kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Võ Xuân Bá (52 tuổi, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Phú, hơn 32 năm đứng lớp), đồng thời báo cáo kết quả giải quyết về Liên đoàn Lao động tỉnh.

24/01/2014 | Kiều Oanh
48

Chiều 24/1, phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, dù phụ huynh có đơn xin "giảm tội" cho thầy giáo có hành động xúc phạm học sinh trước lớp nhưng quan điểm của sở là phải đình chỉ, chuyển công tác khác.
Với quan điểm "giáo viên sai - xử lý nghiêm", nhà trường đã đưa ra phương án "Đình chỉ đứng lớp của thầy Nguyễn Đình Thịnh 1 năm, chuyển sang làm công tác phục vụ việc giảng dạy".

07/01/2014 | Hong Hanh
49

(Dân trí) - Ngày 7/1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT để chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, hiện nay, ở một số trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, cán bộ quản lý, giáo viên đang phải sử dụng nhiều loại hồ sơ, sổ sách ngoài những quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường của Bộ GD-ĐT. Việc này làm mất nhiều công sức, gây ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy, công tác và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên.

23/01/2014 | Văn Chung
50

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐCD giáo sư nhà nước, các HĐCD giáo sư ngành, liên ngành và HĐCD giáo sư cơ sở giới hạn tuổi các thành viên từ 67-70 tuổi.

10/01/2014 | Phinh Nguyên
51

TT - Con tôi vừa bước vào lớp 1 trường tiểu học ở huyện. Ngay từ đầu năm học, cô giáo đã gửi cho mỗi gia đình một tờ giấy mẫu để phụ huynh "đăng ký học thêm tình nguyện".
Bố mẹ các cháu sẽ tự tay viết đơn xin được học thêm mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi học 10.000 đồng/em.

22/01/2014 | Hoài Nam
52

(Dân trí) - Đời sống tâm lý học sinh ngày càng phức tạp, phòng khám tâm thần nhi quá tải, bác sĩ làm không xuể. Điều này đòi hỏi phải quan tâm hơn đến việc trau dồi cảm xúc, tâm hồn cho các em.

10/01/2014 | Hoài Nam
53

Ngày 10/1, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản yêu cầu các đơn vị như phòng giáo dục, trường học tăng cường các biện pháp phối hợp với cơ quan công an, chính quyền, đoàn thể tại địa phương và gia đình HS - SV nhằm ngăn chặn tình trạng HS - SV đánh nhau ở trong và ngoài trường học, ký túc xá.
Kế hoạch hoạt động này phải được xây dựng cụ thể ít nhất trước 1 tháng và gửi về Sở GD-ĐT trước khi đi một tuần để theo dõi. Trong kế hoạch phải có các phương án bảo đảm an toàn cho HS - SV, không để các em tự ý tắm biển, tắm sông.

03/01/2014 | Minh Giang
54

(Dân trí) - Sau khi sự việc "quan hệ" với học trò bị phát giác, ông Đặng Văn Hoàng - giáo viên dạy môn Công nghệ của Trường THPT Thới Long (phường Thới Long, quận Ô Môn, Cần Thơ) đã bị Ban giám hiệu nhà trường đình chỉ công tác.

04/01/2014 | Lưu Trang
55

TT - Bất chấp lệnh cấm, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM trở thành mảnh đất "màu mỡ" để quảng cáo các sản phẩm dành cho giới trẻ như sữa rửa mặt, nước ngọt, bánh kẹo, sữa, kem đánh răng và gần đây là băng vệ sinh, lăn khử mùi…

08/01/2014
56

Nhiều bạn đọc đồng thuận rằng chính bệnh thành tích là căn nguyên cho những "vở kịch" được công diễn mãi trong ngành giáo dục. Nỗi trăn trở toa thuốc nào cho bệnh thành tích, đến bao giờ những danh hiệu thi đua mới thôi hão huyền, mục đích thi đua là đúng nhưng cách làm có vẻ chưa ổn... là những nỗi niềm chung.

Tác giả: Wolfgang Kemp | Người dịch: Phạm Thị Hoài (Phạm Thị Ly chuyển)
57

Đó là hệ thống đại học ở Mỹ (higher education). Trong khi tiểu bang cuối cùng ở Đức vừa bỏ hẳn chế độ thu học phí đại học[1] thì tiền học ở Mỹ lại tăng vô kể. Mức học phí ở Mỹ không căn cứ vào phí tổn và dịch vụ được cung ứng. Không, các trường đại học ngự trên đống tài sản cao nhất cũng đòi những mức học phí cao nhất, vì đó "là chiến lợi phẩm, là biểu tượng", như ông cựu hiệu trưởng Đại học George Washington đã thẳng thừng tuyên bố vài năm trước. Học phí ở trường này thời ông đương chức là 50.000 dollar. Thêm vào đó là 10.000 dollar tiền ăn ở trong kí túc xá sinh viên.

Jan. 2, 2014 | By Gabriel Kahn
58

How tiny, struggling Southern New Hampshire University has become a behemoth.
The near demise and subsequent rebirth of SNHU offers a glimpse into the crisis facing American higher education. More than a third of American colleges and universities have deteriorating finances, according to a 2012 report. While more Americans find that a college degree is their only ticket to the middle class, fewer institutions are able to provide it at a reasonable cost.

JAN. 21, 2014 | By ARIEL KAMINER
59

The idea did not seem controversial at first: Peter Xu and Harry Yu, twin brothers who are seniors at Yale University, set out to build a better, more user-friendly version of the university's online course catalog. But as Mark Zuckerberg found when he decided to build a better version of Harvard's undergraduate student directory, these things can take on a life of their own.
Yale shut down the brothers' website last week, helping to turn a local campus issue into something of a civil rights cause. Now, after a few days of controversy, a similar tool is up and running, and it appears to be Yale that has gotten a schooling.

14/01/2014 | By MATTHEW GOLDSTEIN
60

It has been a bit of a mystery figuring out how Mathew Martoma, who is on trial on federal insider-trading charges, was accepted into Stanford Business School after being expelled from Harvard Law School for forging his transcript. Typically, universities do not look too kindly on academic violations when considering whether to admit applicants.

JAN. 30, 2014 | By HELENE COOPER
61

WASHINGTON — The Air Force said Thursday that it had now suspended 92 officers at Malmstrom Air Force Base — nearly half of the nuclear launch crew there — in a cheating scandal, and it acknowledged a "systemic problem" in the culture of the team that is entrusted to launch intercontinental ballistic missiles.

12/02/2014 | An Dien
62

In its latest show of endorsing controversial genetically modified organisms (GMOs), Vietnam is set to allow three foreign companies to plant their GMO corn varieties on a small scale even before they have approval to sell the seeds here.
Dekalb Vietnam, which operates under US mega-corporation Monsanto, Pioneer Hi-Bred Vietnam under the US’s Dupont, and Syngenta of Switzerland, were licensed to carry out lab research and tests on the seeds here in 2011.

06/01/2014 | By ANNIE LOWREY
63

WASHINGTON — The Senate confirmed Janet L. Yellen as the chairwoman of the Federal Reserve on Monday, marking the first time that a woman will lead the country's central bank in its 100-year history.

05/01/2014 | By Emma Boyde
64

Business schools are eager to be seen as working towards gender equity. Everyone, it seems, is keen to promote advantages for women.
Yet although women are making strides in education generally, accounting for a majority of university students overall in most developed countries, they remain in a minority in business schools.

25/01/2014 | TỪ LINH HƯƠNG
65

TTO - Tết là lúc nhiều người nghĩ đến việc sum họp gia đình, nhưng với tôi lại khác. Từ trước tết cả tháng, tôi lên lịch để lang thang mấy ngày tết. Đi để không phải về nhà, không bị bủa vây bởi câu hỏi "Khi nào cưới chồng?".

JAN. 22, 2014 | By ALISSA J. RUBIN
66

By tradition, every French president is accorded the honor of moving a deceased worthy into the structure alongside such figures as Voltaire and Rousseau (who hated each other), Victor Hugo and Marie Curie, the lone woman among 73 people entombed there to make it on her own merits (one other was included at her husband's insistence). So when President François Hollande publicly sought suggestions about who to add to the roster, it was not surprising that the debate quickly turned to redressing the gender imbalance.

14/08/2011 | By Jack Stripling
67

Roy J. Nirschel's abrupt departure as president of Roger Williams University last summer carried the signature of an awkward parting of ways between a campus leader and his board. The university's trustees used a curt campuswide e-mail to declare the immediate end of Mr. Nirschel's tenure, stating no plans to hold so much as a farewell reception for a president in his ninth year.
The details of the April 2010 complaint, which was obtained by The Chronicle and corroborated in part by former employees, suggest that Mr. Nirschel's actions had long-term implications for Roger Williams, where donors looked askance at the president's perceived personal failings, and jaded administrators and staff members departed or operated in fear of reprisals. While university trustees who received the complaint ultimately responded by hiring an independent law firm to investigate the charges, the details of the complaint give rise to questions about whether board members were oblivious or willfully ignorant of concerns that were widely shared on campus and the subject of curiosity in Bristol, R.I., and beyond.

JAN. 31, 2014 | By ABBY ELLIN
68

Although the average age at which current United States retirees say they stopped working is 61, up from 59 in 2003 and 57 in 1993, a January Gallup poll of 1,929 members of that generation found that 49 percent didn't expect to retire until age 66 or older. One respondent in 10 expected never to clock out for good — assuming they had the choice.

17/01/2014 | Hồng Hạnh
69

(Dân trí) - Hạnh kiểm từ loại Khá trở lên, các môn thi phải đạt từ 6 điểm trở lên, không có dị hình, dị dạng, đối với nam chiều cao phải từ 1,64m trở lên, đối với nữ, chiều cao phải từ 1,58m trở lên… mới được dự thi vào các trường ĐH, CĐ khối Công an.

10/01/2014 | Hồng Hạnh
70

(Dân trí) -"Dường như Bộ GD-ĐT chưa thực sự sẵn sàng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở GDĐH nên đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp đối với các trường muốn tự chủ tuyển sinh để vô tình buộc các trường phải chấp nhận kỳ tuyển sinh chung của Bộ lâu nay…".
Đó là nội dung ý kiến của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập góp ý cho Dự thảo quy định tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 -2016 ngày 9/1.

20/01/2014 | Hồ Sỹ Anh
71

Tình trạng học sinh (HS) bỏ học ngày càng nhiều tạo nên một lực lượng lao động không nghề nghiệp, khả năng kiếm sống khó. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động nước ta dồi dào, nhưng chất lượng thấp.
Mục tiêu giáo dục phổ thông đặt ra rất toàn diện. Tuy nhiên, nhiều trường đã đặt nặng trọng tâm ở khâu hoàn thiện học vấn phổ thông, tiếp tục học ĐH, CĐ. Một số cán bộ quản lý trường THPT mà chúng tôi tiếp xúc cho rằng quan trọng nhất ở cấp THPT là hoàn thiện học vấn phổ thông, sau đó HS sẽ đi ra nhiều "cửa": thứ nhất là ĐH, thứ hai là CĐ, thứ ba là TC hoặc học nghề, và "cửa" cuối cùng mới là đi vào cuộc sống lao động.

10/01/2014 | Hồng Hạnh
72

(Dân trí) -Ngày 9/1, góp ý về Dự thảo tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT, ông Đỗ Doãn Hải - Hiệu phó ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị lấy ví dụ sinh động: "Tôi tiếp xúc với sinh viên không đủ điểm sàn vào trường, thấy các em học giỏi hơn những em đủ điều sàn".

Ông Hải chia sẻ thêm: Tôi có 2 con học ở Mỹ, đều không phải thi tuyển đại học chỉ mang bằng phổ thông trung học của Việt Nam sang là họ cho vào ĐH ngay. Tại sao ở Việt Nam lại khó hơn Mỹ?

10/01/2014 | Văn Chung
73

Lãnh đạo các trường đại học công lập cho rằng, kiến nghị "5 bỏ" của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thiếu thực tế song có điểm cần xem xét.
Bỏ điểm sàn, bỏ tuyển sinh theo khối, bỏ cấm các trường không được sử dụng điểm thi của các trường khác (tự chủ tuyển sinh), không bắt nộp đề án tự chủ, sang năm tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chỉ có thi tốt nghiệp THPT là những kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

17/01/2014 | Hồng Hạnh
74

(Dân trí) - Đó là nhận định của GS Nguyễn Minh Thuyết xung quanh nội dung đề xuất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

06/01/2014 | Vũ Thơ
75

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh theo hướng chỉ ưu tiên những vùng khó khăn. Tuy nhiên, có những chỉnh sửa chỉ mang tính hình thức mà không thực tế.

25/01/2014 | Chi Mai
76

Bốn trường ĐH, CĐ đã gửi dự thảo phương án tuyển sinh riêng về Bộ GD-ĐT gồm CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, CĐ Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và trường ĐH Quốc tế Sài Gòn.

17/01/2014 | Thụy An
77

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết trong kỳ tuyển sinh ĐH -CĐ năm 2014, ĐH Quốc gia TPHCM vẫn áp dụng phương thức tuyễn sinh cũ (3 chung).
Ngày 16/1, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM họp tổng kết tuyển sinh năm 2013 và bàn kế hoạch tuyển sinh cho năm 2014. Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, năm nay các trường ĐH thành viên vẫn tuyển sinh theo phương thức "3 chung" chung đợt, chung đề, chung kết quả) của Bộ GD-ĐT

26/01/2014 | Ha Anh
78

(TNO) Ngày 26.1, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố toàn cảnh chỉ tiêu các trường thành viên năm 2014. Theo đó, toàn ĐH này dự kiến tuyển 13.400 chỉ tiêu (12.400 chỉ tiêu bậc ĐH và 750 chỉ tiêu bậc CĐ).

20/01/2014 | Hồng Hạnh
79

(Dân trí) - Ngày 20/1, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa chính thức thông báo phương án tuyển sinh mới năm 2014. Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai thí điểm đổi mới tuyển sinh đại học chính quy theo phương thức đánh giá năng lực.

28/01/2014 | Hồng Hạnh
80

(Dân trí) - ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 vào 7 trường, khoa thành viên với tổng chỉ tiêu là 5.660. Các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, tiên tiến được tuyển chọn theo phương thức đánh giá năng lực chung.

25/01/2014 | Hồng Hạnh
81

(Dân trí) - Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đã trình Bộ GD-ĐT "Đề án tuyển sinh đại học hệ chính quy" từ năm 2011 và tiếp tục hoàn thiện Đề án và đề nghị bộ cho triển khai ngay từ năm học này.

28/01/2014 | Hồng Hạnh
82

(Dân trí) - Trường ĐH Vinh vừa công bố Đề án tuyển sinh riêng của trường. Theo đó, nếu được sự đồng thuận và chấp thuận của Bộ GD-ĐT, ngay trong năm 2014, trường ĐH Vinh sẽ tổ chức xét tuyển và thi tuyển 5 ngành.

20/01/2014 | S.H.
83

(Dân trí) - Phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, năm 2014 nhà trường tiếp tục ổn định chỉ tiêu hệ đào tạo chính quy so với năm trước. Tổng chỉ tiêu của trường là 3.200. Cụ thể, chỉ tiêu phía Bắc là 2.350 và phía Nam là 850.

08/01/2014 | Le Phuong
84

(Dân trí) - Theo ThS. Lê Thị Ngọc Thảo - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Tôn Đức Thắng thì dự kiến trong kỳ thi tuyển sinh năm 2014 nhà trường sẽ tuyển 3.760 chỉ tiêu. Trong đó hệ ĐH là 3.160 chỉ tiêu còn hệ CĐ là 600 chỉ tiêu.

25/01/2014 | Hồng Hạnh
85

(Dân trí) - Theo Đề án tuyển sinh riêng của ĐH Quốc tế Sài Gòn vừa công bố, năm 2014 trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển. Trường thực hiện 2 phương thức xét tuyển.
- Xét tuyển dựa vào kết quả thi đại học, cao đẳng hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.
- Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập bậc trung học phổ thông.

24/01/2014 | Nguyễn Phê - Doãn Hòa
86

Chiều ngày 23/1, ông Nguyễn Trọng Hoàn, phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, ngày 21/1/2014, ông Trần Hữu Hy - thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An đã ký quyết định số 04/QĐ-XPHC về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Trường Trung cấp Y dược Bắc Ninh chi nhánh tại Nghệ An, với mức phạt 15 triệu đồng vì tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

JAN. 26, 2014 | By NATHANIEL POPPER
87

SANFORD, Fla. — Before Haley Berg was done with middle school, she had the numbers for 16 college soccer coaches programmed into the iPhone she protected with a Justin Bieber case.
She was all of 14, but Hales, as her friends call her, was already weighing offers to attend the University of Colorado, Texas A&M and the University of Texas, free of charge.
She just happens to be a very good soccer player, and that is now valuable enough to set off a frenzy among college coaches, even when — or especially when — the athlete in question has not attended a day of high school. For Haley, the process ended last summer, a few weeks before ninth grade began, when she called the coach at Texas to accept her offer of a scholarship four years later.

Jan 28th, 2014 | Economy News | By BTimes
88

Unemployment among Vietnam's young workforce and the number of unofficial jobs are both surging at alarming rate, according to the International Labor Organization (ILO)….
The unemployment rate among those under 25 years old was more than 11 percent in urban areas.

25/01/2014 | Thanh Nien
89

Câu chuyện cuối năm với Thanh Niên từ những người đã hoặc đang trải qua những năm tháng du học, ở từng lĩnh vực, trong từng cương vị khác nhau cho thấy những điều họ học được, khi trở về, đều có một ý nghĩa nhất định nào đó. Và trên hết, qua trải nghiệm thực tế, họ có những đóng góp để VN không chỉ là nguồn cội để mọi người quay về mà thật sự là nơi hội tụ của người tâm huyết, tài năng.

08/01/2014 | Ban Tu van Tuyen sinh
90

(Dân trí) - Học viện Cảnh sát Nhân dân năm nay thi chung hay thi riêng? Ở trong Nam có thi được ĐH Bách khoa Hà Nội? Học ngành Công nghệ Hạt nhân, Hóa dược ra trường làm gì, ở đâu?

01/01/2014 | Nguyễn Hiền
91

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng, phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo nguồn nhân lực. Còn Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi nhìn nhận, các trường phải tự thích ứng và tự điều chỉnh để giữ thương hiệu, giữ uy tín.

09/01/2014 | Thảo Nguyên
92

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xuất hiện hàng loạt thông tin tuyển dụng người giúp việc nhà theo giờ. Công việc tưởng như chỉ dành cho những người lao động tự do này lại đang có sức hút khá lớn với sinh viên, đặc biệt là các bạn nữ đang học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

22/01/2014 | 22/01/2014
93

Cô giáo Hoàng Thị Thảo ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho rằng bản án 3 năm tù cho 2 bảo mẫu Đông Phương – Thiên Lý là "bài học nhớ đời" cho các giáo viên mầm non. Tuy nhiên, phía sau điều này cũng mong dư luận nhìn nhận ra nhiều việc.

23/01/2014 | Kiều Oanh
94

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Công Khanh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhắc đi nhắc lại vấn đề làm nếu giáo viên mầm non không có đạo đức, thiếu kỹ năng sư phạm và không yêu trẻ thì...sớm muộn cũng phạm lỗi, thậm chí phạm tội.

JAN. 19, 2014 | By RACHEL L. SWARNS
95

His students call him "Prof," and in the classroom James D. Hoff looks like any other English professor, circulating among the undergraduates and urging them to recite, savor and interrogate the texts of writers as varied as James Baldwin, Stephen Crane and the Beat poets.
He is sandy-haired and bearded, with a passion for modern American poetry, and in many ways he is living his dream. But his anxieties always come back. At night, he sometimes lies sleepless in the dark, wondering how long he will be able to afford the academic life.
He is not a professor. He is an adjunct lecturer, holding an increasingly common and precarious position that offers him no job security, no health benefits and no assured pathway to full-time university employment.

JAN. 17, 2014 | By KIMIKO DE FREYTAS-TAMURA
96

A third of employers across Europe have said that the lack of skills is causing major business problems in terms of higher costs, insufficient quality and lost time, according to a recent survey by the consulting firm McKinsey. At least 27 percent of the 2,600 companies surveyed said they had left an entry-level vacancy unfilled over the past year because there were no eligible applicants.
Statistics like that, and the fact that about a quarter of people under 25 are jobless in Europe, prompted Britain to act. A record 868,700 people did apprenticeships in Britain last year, up 77 percent from three years ago. The government committed £1.57 billion to the training last year, about half of that to programs for 16- to 18-year-olds.

22/01/2014 | Hoàng Hương
97

TT - Cũng làm công tác giáo dục nhưng có người được nhận phụ cấp thâm niên, có người lại "không thuộc diện được nhận".
Theo cô Phạm Thị Huệ, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, quận 3: "Trường Bạch Đằng trước đây là trường công lập. Năm học 1991-1992 chuyển sang mô hình bán công. Đến năm 2005-2006 trường lại chuyển về mô hình công lập như cũ. Điều bất hợp lý là những giáo viên về hưu trong khi trường hoạt động theo mô hình công lập thì được hưởng phụ cấp thâm niên, còn những thầy cô theo mô hình bán công thì không được hưởng".

14/01/2014 | PRI's The World - Reporter Christopher Johnson
98

The North Vietnamese government only wanted songs that encouraged people to fight for the nation. So most other music was banned, especially love songs.
That is how Nguyễn Văn Lộc ended up spending a decade in prison. Now 69, Nguyễn still remembers the song that got him in trouble. It's called "Niệm Khúc Cuối," or "The Last Song."
He says that when he was put on trial, Nguyễn was accused of singing this classic as a statement against the government.

17/01/2014 | Nguyễn Hùng
99

(Dân trí) - Ngày 16/1, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã tổ chức lễ trao quyết định của Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội về việc bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2014-2019 cho PGS.TS Nguyễn Văn Nội.
Ông Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, PGS.TS Nguyễn Văn Nội - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là cán bộ đầu tiên được bổ nhiệm theo Nghị định mới của Chính phủ về ĐH Quốc gia.
Cũng theo ông Nhạ, quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng được thực hiện dân chủ, đúng quy định của Nhà nước. Có hai ứng viên tham gia ứng cử vào vị trí Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN). Với đề tài nghiên cứu về kế hoạch hành động xây dựng, phát triển trường trong thời gian 5 năm xuất sắc hơn nên PGS.TS Nguyễn Văn Nội đã trúng cử.

31/01/2014 | Bùi Hoàng Tám
100

Có thể nói, lịch sử ngoại giao Việt Nam gắn liền với ba cột mốc lịch sử của đất nước. Đó là ngoại giao thời kỳ giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc kết thúc bằng Hiệp định Giơnevơ 1954. Ngoại giao giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và thống nhất đất nước kết thúc bằng Hiệp định Pari 1973 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Ngoại giao thời đổi mới hội nhập từ sau Đại hội VI, song nếu nói một cách chính xác hơn, giai đoạn ngoại giao đổi mới và hội nhập bắt đầu từ Đại hội Đảng VII (1991) khi đề ra đường lối đối ngoại độc lập tự chủ rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.

30/01/2014 | Nguyễn Hành
101

Đến thăm "thư viện mi-ni" của Thanh Thuận vào ngày cận kề năm mới, chúng tôi may mắn gặp được ngay "ông cụ non mê sách cổ" tại tổ ấm của mình nằm ở phường 4, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Chàng trai 8X cho hay, ngoài những giờ làm việc ở Bảo tàng Đồng Tháp thì Thuận dành nhiều thời gian cho việc đi săn sách cổ nên ít ở nhà. Riêng hôm nay, do cuối năm, Thuận ở nhà để "chăm sóc" những "người bạn cao niên" của mình, trước khi tết đến xuân về.

January 6, 2014 | By ALISON SMALE
102

FRANKFURT — For the first time, German public schools are offering classes in Islam to primary school students using state-trained teachers and specially written textbooks, as officials try to better integrate the nation's large Muslim minority and counter the growing influence of radical religious thinking.

JAN. 25, 2014 | By GREG BISHOP
103

In victory, Li collected her second Grand Slam singles trophy; raised her standing as the most accomplished Chinese tennis player; and closed the gap on the No. 2 ranking, held by Victoria Azarenka, to 11 points. She also collected 2.65 million Australian dollars in prize money, or roughly $2.31 million.

Published on December 19, 2013 | Picking Up the Pieces Vietnam's Class War
104

In Vietnam the hoopla of school groundbreakings—the dragon dancers, party officials, educators and assorted dignitaries—are commonplace, along with investors willing to pour millions of dollars into projects that often fail to launch. One reason is that a byzantine system of approvals at different levels by conflicting agencies are required not just from the MOIP but also from local People's Committees, national and local ministries of education, and others. To get these licenses you have to provide detailed plans down to the square meter per student/per classroom, and the number and nature of computers, for starters. Beyond the multi-million-dollar initial project investments, all this costs money.

JAN. 14, 2014 | By KATRIN BENNHOLD
105

Jack Monroe, a 25-year-old single mother who changed her name from Melissa because "I'm just not a Melissa," is an unlikely ambassador for the growing ranks of Britain's poor — and now one with a $40,000 book contract. Her sudden slide into poverty two years ago and her plucky online diary, A Girl Called Jack, chronicling the reality of life on the bread line have turned her into a celebrity in Britain. She is now courted by politicians, charities and even supermarket chains, and people regularly ask for her autograph.

22/01/2014 | Theo New York Times
106

Gian lận trong khoa học không phải là hiện tượng mới. Sự việc nổi bật nhất gần đây phải kể đến nhà nghiên cứu tế bào gốc Hàn Quốc Hwang Woo Suk với hầu hết kết quả nghiên cứu là dối trá hay nhà sinh vật học tiến hóa Marc Hauser của Đại học Harvard phải từ chức năm 2011 vì không trung thực. Với nhiều người, hành vi sai trái trong khoa học không nhiều nhưng khó có thể chấp nhận và tha thứ.

16/01/2014 | Tuấn Thanh
107

(Dân trí) - Ngày 16/1, nguồn tin từ Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan này vừa triển khai quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền đối với ông Ngô Triều Mến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau.
Trước đó, vị Phó Giám đốc này cũng đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt đảng.

06/10/2013 | Hồng Hạnh
108

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa giao cho Vụ Giáo dục Đại học tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế, Phó viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân với lý do "đạo văn".
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư của vị giảng viên này.

08/01/2014 | Đăng Nguyên
109

TAND TP.HCM vừa thông báo triệu tập một số cán bộ, công nhân viên của Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) tham gia phiên xét xử lại vụ ông Lê Văn Lý, nguyên hiệu trưởng nhà trường, kiện UBND TP.HCM về quyết định không công nhận chức danh hiệu trưởng của ông.

10/01/2014 | Hồng Hạnh
110

Theo nội dung tố cáo, ông Dương Phan Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Chu Văn An có hành vi sử dụng văn bằng tiến sĩ "rởm"; tố cáo ông Ngô Thế Trường - Phó Hiệu trưởng phụ trách quản lý sinh viên, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo có hành vi sử dụng văn bằng tiến sĩ "rởm"; tố cáo ông Trần Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách xây dựng có hành vi mạo nhận học vị Thạc sĩ.

09/01/2014 | S.H.
111

(Dân trí) -Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thành - người đứng đơn tố cáo chia sẻ: "Khi làm khoa học, việc kế thừa là tất yếu, nhưng phải làm rõ phần mình đã dùng của người khác, không được nhận tất cả phần kế thừa của người khác là của "riêng" mình!".

21/01/2014 | S.H.
112

(Dân trí) - Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, Bộ GD-ĐT đã nhờ các chuyên gia hàng đầu của Nghiên cứu Cao cấp về Toán đánh giá luận án của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương có thực sự "đạo" theo đơn tố cáo hay không.

07/01/2014 | S.H.
113

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành, luận án phó tiến sĩ khoa học Toán - Lý của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (bảo vệ năm 1996) gần như đã chép lại 100% nội dung trong luận án Phó tiến sĩ Khoa học của PGS.TS Đặng Văn Khải, được bảo vệ trước đó 10 năm (1986).

21/01/2014 | Lê Phương
114

(Dân trí) -Sau hơn một tháng tạm hoãn, ngày 20/1 diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TPHCM kiện UBND TPHCM về quyết định không công nhận hiệu trưởng. Trong phiên xử này, phần tranh luận giữa các bên tham gia tố tụng diễn ra khá gay gắt.

Chén trà thứ 2
31/01/2014 | Người Lao Động
1

Dù được sinh ra ở gia đình có điều kiện hay khu ổ chuột nghèo nàn, những học sinh gốc Việt vẫn vươn lên để đạt được những thành tích đáng để người Việt chúng ta tự hào. Tracy Tran, George Huynh, Thuroczy MyLan hay Ngan Nguyen là những người như thế.

28/01/2014 | Linh Thi
2

Họ - những anh chàng, cô nàng 9X, Y2k - đang học tập, nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, đã và đang mang trí tuệ Việt "thi đấu" ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và được tôn vinh xứng đáng trong một năm thành công vang dội.

18/01/2014 | Hạ Anh
3

Tuy vẫn ở nhóm "trung bình", nhưng so với chính mình, Việt Nam đã có tiến bộ về khả năng sử dụng tiếng Anh. Kết quả khảo sát của một tổ chức giáo dục tư nhân quốc tế cho biết.
Sáng 18/1 tại Hà Nội, tổ chức giáo dục tư nhân EF đã thông tin về kết quả chỉ số đánh giá Anh ngữ (EF EPI) phiên bản thứ ba.
Theo kết quả này thì Việt Nam có tiến bộ về tiếng Anh trong 6 năm qua.

19/01/2014 | Hồng Hạnh
4

(Dân trí) - Theo kết quả khảo sát của tổ chức giáo dục tư nhân EF, năm 2013, Việt Nam thăng hạng về tiếng Anh trong 6 năm qua và đứng thứ 28 trong số trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đó, vào năm 2012, Việt Nam xếp thứ 31/54.

02/01/2014 | Nguyễn Hữu Nhân
5

Gặp em nhưng không bao giờ tôi nhắc lại chuyện xưa. Có một điều tôi chưa kể đó là có lúc tôi cũng hoang mang suýt tiết lộ tên em vì có đồng nghiệp đã nhận xét: đừng ngu mà bảo vệ học trò, hứa nhưng đừng giữ lời, cứ đổ hết cho ban giám hiệu thôi!

11/01/2014 | Nguyễn Hành
6

(Dân trí) - Chứng kiến những cái chết thương tâm do trẻ em té sông, đuối nước, thầy Lê Trung Sứng quyết định mở lớp dạy bơi cho các em nhỏ. Qua 16 năm, đã có cả ngàn em được "xóa mù bơi", không ít em trở thành những "kình ngư" trong làng thể thao Việt Nam.

29/01/2014 | Hạnh Ngân
7

Năm 2013 là một năm giáo dục đại học Việt Nam có không ít thay đổi để chuyển mình theo xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục hiện đại.

24/01/2014 | Nguyễn Đoàn
8

(Dân trí) - "Mình thấy vỉa hè Văn Miếu rất đẹp và hình ảnh Ông đồ viết chữ bên vỉa hè tạo nên không khí Tết cổ truyền. Một hình ảnh đẹp như vậy, nên có phương án quản lý chứ đừng dẹp như dẹp loạn."

24/01/2014 | Lý Sinh Sự
9

Bác tính có ai xin được chữ và có thầy nào cho không, một chữ cả trăm nghìn chứ có rẻ đâu, như thế là bán chữ. Sở văn hoá nghe nói còn có biện pháp quản lý nghề buôn chữ, thế mới công bằng. Đi mua chữ gọi là xin, đóng cái triện vào chữ ký phải có phong bì gọi là "nhờ anh giúp", nghe mãi thấy sặc mùi giả dối. Sở Tài chính cứ áp một mức thuế cho nó nhanh.

23/01/2014 | Song Nguyên
10

Khi bạn gái quyết định chia tay sau một năm quen nhau, Luan Hoang Vu, 19 tuổi, đã giết cô và ném xác xuống sông Sims Bayou, thành phố Houston, bang Texas (Mỹ), tờ Thời báo Houston đưa tin. Nạn nhân là Vy Ngoc Bao Pham, 17 tuổi, du học sinh Việt Nam. Thông tin cho hay bố cô là một doanh nhân ở TP.HCM.

JAN. 30, 2014 | Roger Cohen
11

Events in the new Middle East, which is located in western Asia like the old Middle East, can seem confusing. In the belief that clarity leads to understanding, which in turn leads to good policy, here is a primer for the region.

JAN. 22, 2014 | By MICHAEL PAULSON
12

The ouster of Mr. Z, as the former vice principal, Mark Zmuda, is known, comes amid a wave of firings and forced resignations of gay men and lesbians from Roman Catholic institutions across the country, in most cases prompted not directly by the employees' sexuality, but by their decisions to marry as same-sex marriage becomes legal in an increasing number of states.

January 6, 2014 | By KIM SEVERSON and ALAN BLINDER
13

ATLANTA — The cast of characters was mostly former teachers and principals, six of whom pleaded guilty on Monday in a Fulton County courtroom for their part in what has been described as the largest cheating scandal in the nation's history. Their pleas bring to 17 the number of educators who have already pleaded guilty, with a handful more in active negotiations.

JAN. 22, 2014 | By MOTOKO RICH and JON HURDLE
14

Three Philadelphia Public Schools principals were fired last week after an investigation into test cheating that has implicated about 140 teachers and administrators, a spokesman for the district said Wednesday.
The action follows years of investigating the results of state standardized math and reading tests taken from 2009 to 2011. The investigation, conducted by the school district and the state department of education, in conjunction with the Pennsylvania Office of Inspector General, identified 33 schools — including three public charter schools — where an analysis of test answer sheets found a suspicious number of wrong answers that were erased and made right.

Jan 9th, 2014 | Energy | By BTimes
15

This means that Vietnam still buys electricity from China even though its production can satisfy the demand. It imports electricity at the prices higher than its production costs. And especially, the imports' quality is worse than domestic products.

Jan 30th, 2014 | By BTimes
16

It is estimated that 70 percent of the liquid dairy products available on the market is reconstituted milk, made of milk powder.

05/01/2014 | Giáp Văn Dương
17

Kết quả cuộc thi đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Việt Nam đã gây bất ngờ cho chính cả Bộ GD-ĐT và những người làm giáo dục trong và ngoài nước. Nhiều bình luận đủ cung bậc, từ hoan hỉ ủng hộ đến nghi ngờ bác bỏ, bùng nổ trong dư luận.

03/01/2014 | Hạnh Ngân
18

Tham gia PISA, chi phí cho mỗi học sinh tại Cộng hòa Slovak là hơn 53.000 USD, Mỹ 115.000 USD, Anh là 98.023 USD. Còn theo TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, con số của Việt Nam "nhỏ bé đến mức...buồn cười hoặc đau lòng".

02/01/2014 | Hạnh Ngân
19

Lời tòa soạn: Cuối năm 2013, một thông tin liên quan tới giáo dục được dư luận quan tâm là theo kết quả của chương trình khảo sát học sinh quốc tế (PISA), Việt Nam đạt được những chỉ số khả quan. Lãnh đạo ngành giáo dục cho biết, một trong những mục đích lấy "thước ngoại" PISA để "đo" chất lượng giáo dục nước nhà là bởi có những ý kiến bình luận, đánh giá về chất lượng giáo dục nước nhà cảm tính.
Sau khi kết quả được công bố sơ bộ, đã có rất nhiều ý kiến bàn luận về kết quả PISA 2012. TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam đã "phản hồi" lại qua cuộc phỏng vấn với VietNamnet.

06/01/2014 | John A. Byrne
20

The Graduate Management Admission Test is given in only one language: English.
It is the only required exam to get into a program to study American-style capitalism.
Yet in the latest 2013 testing year, Americans trail citizens of 53 other countries on the average score of the GMAT test. You might expect the U.S. to be behind China, India and Singapore, among other countries. But Kyrgyzstan? Serbia? The Ukraine and the Russian Federation?
The mean GMAT score of the 90,541 tests taken by U.S. citizens in the 2012-2013 testing year was all of 532 on a scale of 200 to 800.